• Danh sách
  • Thể loại
    • 5 Periods of Buddha’s teachings - Ngũ Thời Giáo
    • A Basic Buddhism Guide
    • Accounts of Request and Response
    • Activities
    • Agama - Thời Kỳ A Hàm
    • Ấn Quang Đại Sư
    • Avatamsaka Period - Thời Kỳ Hoa Nghiêm
    • Basic Teachings
    • Bộ A Hàm
    • Buddhist Education in China
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Studies
    • Buddhist Sutras
    • Cao Tăng Quảng Khâm
    • Changing Destiny
    • Chinaese
    • Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 2
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 3
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 4
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 5
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 6
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 7
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 8
    • Chư Tổ - Cao Tăng
    • Chưa phân loại
    • Collected Talks
    • Contact
    • Cư Sĩ Lưu Tố Vân
    • Cultivation
    • Cultivation Hall
    • Cultivation Hall Rules
    • Curriculum
    • Daily Living
    • Dharma
    • Đại Đức Thích Đạo Thịnh
    • Đại sư Hành Sách
    • Đại sư Liên Trì
    • Đại sư Ngẫu Ích
    • Đại Tạng Kinh
    • Đệ Tử Quy
    • Đệ Tử Quy
    • Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh Giảng Ký
    • Đọc sách ngàn lần
    • EBook .Doc - .PDF
    • Essence of the Infinite Life Sutra
    • Eyewitness Accounts
    • Founder
    • Giảng Giải Kinh Sách
    • Giảng Kinh
    • Giảng Kinh Địa Tạng
    • Giảng Kinh Địa Tạng lần 1
    • Giảng Ý Nghĩa Pháp Hội Quán Âm TTHN
    • Glossary
    • Guidelines for Being a Good Person
    • Hán văn - 古文 - Cổ Văn
    • History and Culture
    • Hòa Thượng Diệu Liên
    • Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
    • Hòa Thượng Tịnh Không
    • Hòa Thượng Tịnh Không Khai thị
    • Học Chữ Hán Việt
    • Học Tập Văn Hóa Truyền Thống
    • Indonesian Translation
    • Khoa Học
    • Kinh điển Bắc truyền
    • Kinh điển Hán tạng đã Việt dịch
    • Kinh điển Nam truyền
    • Kinh Tạng
    • Kinh Vô Lượng Thọ 1994
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 10
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 11
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Learning
    • Lotus Nirvana - Thời Kỳ Pháp Hoa và Niết Bàn
    • Luận Tạng
    • Luật Tạng
    • Main
    • Main Thoughts
    • Mission
    • More...
    • Mr. Li Bingnan
    • Ms. Han Yin
    • Nghi Thức Tụng Niệm
    • Nhạc Niệm Phật
    • Nhạc Phật Giáo
    • Nhân Quả Báo Ứng
    • Online Study Guide
    • Phần mềm ứng dụng Phật Pháp
    • Pháp ngữ
    • Pháp Sư Ngộ Thông
    • Phật giáo nước ngoài
    • Phật Học Vấn Đáp
    • Phiên âm Hán Việt - 古Cổ 文Văn
    • Phim Phật Giáo
    • Phim Tài Liệu
    • PLLCA Library
    • Prajnã Period - Thời Kỳ Bát Nhã
    • Primary & Secondary
    • Professor Fang Dongmei
    • Pure Land Buddhism
    • Pure Land Organizations
    • Quốc tế
    • Resources
    • Retreat Application
    • Retreats
    • Sách
    • Sách nói Audio
    • Sách Văn Học PG
    • Six Harmonies
    • Six Paramitas
    • Stories
    • Sử Phật Giáo
    • Sutra Excerpts
    • Sutra Stories
    • Sutras Books
    • Symbolism
    • Tam tạng Kinh điển Sanskrit - PALI
    • Teachers
    • Teachings
    • Ten Attainments
    • Ten Great Vows
    • Ten Virtuous Karmas Sutra
    • Ten-recitation Method
    • Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
    • The Buddhist World
    • The Supreme Buddha
    • Theo dấu chân Phật - Hành Hương Đất Phật
    • Thiên Hạ Phụ Tử
    • Three Conditions
    • Threefold Learning
    • Timelines
    • Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
    • Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014
    • Tịnh Tông Học Viện
    • Tổ Tịnh Độ Tông
    • Training in the Traditional Way
    • Training Procedure
    • Trần Đại Huệ
    • Trích Đoạn Khai Thị
    • Trích Yếu
    • Tripitaka - 大藏經
    • Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
    • Truyện Phật giáo
    • Truyện thiếu nhi song ngữ
    • Truyện Tranh Phật Giáo
    • Tụng Kinh
    • Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
    • Vaipulya Period - Thời Kỳ Phương Đẳng
    • Vấn Đáp Phật Pháp
    • Văn Học
    • Venerable Master Chin Kung: Books
    • Video
    • Video Pháp Âm
    • Visiting
    • Zhangjia Living Buddha
    • 中國 - Zhōngguó - Chinese
    • 人物故事 - Renwu - Câu Chuyện Nhân Vật
    • 佛教故事 - fojiaogushi
    • 佛经故事 - Fojing - Câu chuyện Phật
    • 古Cổ 文VănViệt
    • 哲理故事 - Zheli - Câu chuyện triết học
    • 漫畫 - Comics - Truyện tranh
    • 生活故事 - Shenghuo - Câu chuyện cuộc sống
  1. Trang chủ
  2. Kinh sách
  3. Vãng Sinh Tịnh Độ Luận giảng ký

  4. Phần 2

Vãng Sinh Tịnh Độ Luận giảng ký

Phần 2

Chương trước
Chương tiếp

Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá
Nguyện Sinh Kệ Chú
Lược Luận Tịnh Độ
Tác giả: Đàm Loan Đại Sư
Việt dịch : Thích Nhất Chân

 —o0o—

CHÍNH THÍCH 

 

1) KỆ TỤNG TỔNG THUYẾT: 

NGUYỆN SINH KỆ: 

Bổn luận văn này, trước hết dùng các kệ tụng để nói tổng quát, sau dùng văn trường hàng (1)giải thích. (Phần) kệ có tên là “Nguyện Sinh Kệ”, tức các kệ nguyện vãng sinh Tịnh Ðộ, để cầu sinh về cõi Phật. (Chữ) kệ là phạn ngữ(2),mỗi câu bốn chữ, năm chữ đến tám chữ, lấy bốn câu làm một bài kệ, gần giống như thơ Trung Hoa. Nguyện sinh kệ chính là tổng danh của các bài kệ sau đó. Các bổn (thuộc) tạng (kinh) đời Tống đều đặt (ba chữ) “Nguyện sinh kệ” ở trước các kệ tụng. Bổn của tạng Cao Ly đặt (các chữ ấy) ở dưới đề mục, trọn đầu đề là “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Ðề Xá Nguyện Sinh Kệ”, đưa (ba chữ) nguyện sinh kệ vào thành trọn tựa đề của bộ luận, là lầm vậy. “Nguyện sinh kệ” gồm 24 bài kệ. Hai bài kệ đầu bày tỏ ý quy kính (và) những gì (mình) nói lên, hoằng dương, tán thán, đều không phải cái thấy riêng của mình mà chính là những gì Phật nói, riêng mình không hề có công, (để) nói lên sự cung kính đối với Phật, cùng nêu rõ có được gì cũng toàn là do Phật mà thôi. Cho nên phàm đệ tử Phật làm luận, đều theo thái độ ấy, quy kính Tam Bảo. Bổn luận này chỉ quy kính Phật Bảo.

CHÚ THÍCH 1:

(1) Văn trường hàng là văn xuôi, trái ngược với các kệ tụng viết theo thể thơ.

(2) Kệ theo phạn ngữ là Gatha, được phiên âm ra hán việt là Già Ðà, đôi khi là Già Tha (được coi là phiên sai). Không hiểu sao lại đọc là kệ! Có người cho rằng đó là nói tắt chữ Kệ Ðà, phiên âm từ Gãthä, và theo Huyền Ứng Âm Nghĩa thì nói “kệ” cũng do phiên âm sai mà ra. Thông thường kệ được dịch là tụng, với ý nghĩa ca ngợi, khen tặng.

THẾ TÔN, CON MỘT LÒNG QUY MẠNG, TẬN THẬP PHƯƠNG VÔ NGẠI QUANG NHƯ LAI, NGUYỆN SINH NƯỚC AN LẠC.

“Thế Tôn”: tiếng phạn là Bà Già Bà, cũng nói là Bạc Già Phạn(1), có nghĩa là được tất cả thế và xuất thế gian tôn kính.

“Con một lòng quy mạng”: một lòng là chuyên tâm nhất chí quy tín Thế Tôn. Nếu không một lòng tức tín tâm không tha thiết. Quy mạng tức là Nam Mô của tiếng phạn. Như ý nghĩa “tương thử thân tâm phụng trần sát, thử tắc danh vi báo Phật ân”(2). Quy tín là phải quy y và tin tưởng hoàn toàn không giữ lại chút gì(3). Nếu chỉ tin một phần, ngoài ra thì không tin, ắt không được gọi là quy tín. Ðây không hề có ý nói là tin (một cách) ngu (muội), đương nhiên vẫn cần có lý trí quyết định, song một khi đã quy tín, thì phải một lòng tin tưởng không giữ lại ý kiến của riêng mình. Ðiểm này (các) tôn giáo cùng có chung, (và) không phân Ðại thừa (hay) Tiểu thừa, không (thừa) nào lại (có thể) không như vậy.

“Tận thập phương vô ngại quang Như Lai”: Vô ngại quang Như Lai tức là Vô Lượng Quang Như Lai, tức A Di Ðà Bà Gia Phật(4), là chỗ để một lòng quy mạng về. Vô ngại quang tức từng quang một không (bị chướng) ngại, không như các thứ khác, cũng không như âm thanh (đều) có trở ngại(5). Chỉ một mình quang là có thể dung hợp (với nhau) làm một, song vẫn có thể bị vật khác làm chướng ngại. Còn quang của Phật A Di Ðà ở đây – (gồm) thân quang, trí quang, ắt có thể chiếu khắp mười phương không bị vật nào chướng ngại hết. Như Lai là một trong mười hiệu của Phật, tên (theo) tiếng phạn là Ða Ðà A Già Ðà(6). Như có nghĩa là tương đồng bình đẳng, tức ý nghĩa tuyệt đối và không có phân biệt. Lai, phạm văn cũng có thể nói là “khứ”, có nghĩa là động. Nếu hiểu ra được chân như, đắc được Phật đạo này thì gọi là Như Lai.

“Nguyện sinh nước An lạc”: Nước nghĩa là thế giới. Nước An Lạc cũng gọi là An Dưỡng, cũng gọi là nước Cực Lạc. Nguyện sinh nước An Lạc, tức là cái ý tại sao lại quy mạng A Di Ðà Phật vậy.

CHÚ THÍCH 2:

(1) Phạn ngữ Bhagavat.

(2) Hai câu này trích trong bài kệ phát nguyện của Ngài A Nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, có nghĩa là “đem thân và tâm (của mình) ra để phục vụ cho (vô lượng) các cõi như (số) vi trần, như thế mới gọi là báo đền ân của Phật”.

(3) Ý nói phải như hai câu kệ trên, khi quy tín là phải toàn thể thân và tâm không sót một chút nào là không tin phục.

(4) A Di Ðà Bà Gia: xem chú thích (5) phần Huyền Luận.

(5) Ý nói không ngại của Quang, tức ánh sáng, ở đây là giữa ánh sáng với nhau có thể giao thoa vào nhau, dung hợp lẫn nhau. Âm thanh có thể bị át đi bởi âm thanh khác, đó là chỗ chướng ngại nhau giữa âm thanh với nhau.

(6) Ða Ðà A Già Ða phiên âm của phạn ngữ Tathãgata. Tatha nghĩa là “như thể, như vậy”, ägata nghĩa là : “đến lại”.

CON Y TU ÐA LA, TƯỚNG CÔNG ÐỨC CHÂN THẬT, NÓI NGUYỆN KỆ TỔNG TRÌ, CÙNG PHẬT GIÁO TƯƠNG ƯNG.

Bài tụng này nói lêncái ý tại sao tạo ra bộ luận này. Tu Ða La(1) là khế kinh, ý nói là khế lý và khế cơ(2). Các công đức vô lậu(3) của Phật cùng đủ loại công đức của cõi Phật Cực Lạc thế giới (này), là công đức chân thật cứu cánh, viên mãn, vô lậu, và tương ưng với chân lý(4). Giờ đây nói kệ nguyện sinh, tổng trì[(tức) tất cả đều bao hàm bên trong] các loại công đức chân thật nói trên(5), bởi tương ưng cùng với những gì Phật giáo nói. Ðây chẳng phải y theo một kinh, hoặc một mảnh, một đoạn kinh văn mà nói (kệ), mà chính là xét hết các tướng công đức của thế giới phương tây đưỡc nói đến trong các loại A Di Ðà Kinh, mà nói lên kệ nguyện sinh.

CHÚ THÍCH 3:

(1) Phiên âm Hán Việt của phạn ngữ Sütra, dịch là khế kinh. Khế có nghĩa là đúng với, ăn khớp với, thích ứng, tương ưng với…

(2) Khế lý tức đúng khớp, tương ưng với chân lý. Chân lý, theo đạo Phật, tức thật tướng của các pháp. Thật tướng này, theo Ðại thừa, tự nó vốn không có, nên nói là KHÔNG. Song cái KHÔNG này không phải là đoạn diệt, bởi nó lại tùy theo căn tính của chúng sinh mà thể hiện ra ý nghĩa chân thật của nó. Chúng sinh có nhiều căn tính sai khác, nên thật tướng (KHÔNG) thể hiện ra, khi thì là vô thường, là khổ, là vô ngã, là Niết Bàn, khi thì là trí huệ, là từ bi, khi thì là một hữu tình giác ngộ, là Phật, khi thì là cả một thế giới trong sạch sáng ngời, là tịnh độ, khi thì là tất cả vô lượng vô biên thế giới, dơ hay sạch cũng đồng đẳng. Các căn tính sai khác này của chúng sinh gọi là “cơ”. Phật theo căn cơ của chúng sinh mà nói ra thật tướng (KHÔNG), thế nên những gì Phật nói đều khế lý và khế cơ vậy.

(3) Vô lậu (Anäsrava) nghĩa đen là không rỉ ra, không bị rò, bị chảy ra. Tại sao đức Phật lại dùng chữ này để nói cho sự chứng đạo giải thoát của các bậc thánh A La Hán? Có lẽ vì các bậc thánh này đã an trụ vững chắc hoàn toàn vào thật tế (tức sự thật an nhiên bất động) của các pháp, nên vĩnh viễn không còn “sinh khởi” ra (tức không “rỉ” ra, không “lọt” ra) bất cứ một thứ hiện hữu nào nữa (nên nhớ mọi hiện hữu đều vô thường và biến chuyển, đều thuộc bản chất của luân hồi). Vô lậu có khác với Niết Bàn. Niết Bàn là thật tướng của các pháp khi không còn một hiện tướng nào nữa (tức thật tướng vô tướng) nên Niết Bàn là thật tướng (tức chân lý) của sự chết. Còn vô lậu là thật tướng của các pháp khi còn đang là hiện tướng, tức đang trong trạng thái biến chuyển không thường, khi các phápcòn đang có đó, đang hiện hành đó, nên vô lậu được coi như thật tế của các pháp (đang hiện hành).

Phật tạo tác mọi công đức dựa trên thật tế của các pháp (đang hiện hành) chứ không dực vào thật tướng Niết Bàn của các pháp (đã tịch diệt). Vì nếu dựa vào thật tướng Niết Bàn ắt không có các pháp để tạo công đức nữa. Do đó các công đức của Phật không phải như các công đức tạo tác của thế gian vô thường biến hoại thuộc hữu lậu và khổ đau. Các công đức này hoàn toàn vô lậu. Nghĩa là Phật thật sự có tạo nghiệp nhưng không hề thuộc về tính chất luân hồi của ba cõi hữu, mà nghiệp của Ngài thuộc tính chất công đức vô lậu, chân thật, viên mãn và tương ưng với thật tướng của đạo Phật.

(4) Cõi Cực Lạc như thế chính là một thế giới hoàn toàn chân thật. Nó chínhlà thật tướng (KHÔNG) thể hiện ra ở một mức độ cao tột tương ưng với những căn cơ và trí huệ rất thâm sâu của những đại hữu tình, tức là các đại Bồ Tát, và đặc biệt nhất là tương ưng với bổn hạnh nguyện của Phật A Di Ðà. Cõi này do đó hết sức đặc biệt và kỳ ảo. Thật tướng (KHÔNG) của Ðại thừa đến Tịnh Ðộ là đã thể hiện ra được mức tối thượng rồi. Tuy nhiên Tịnh Ðộ Cực Lạc của Phật A Di Ðà lại còn tiến thêm bước nữa làm hé lộ ra một bộ mặt mới nữa của cảnh giới thật tướng (KHÔNG) vi diệu bất khả tư nghì. Ðại thừa của Tịnh Ðộ Cực Lạc thế giới quả thật không còn cách xa với Hoa Nghiêm thế giới là bao nữa.

(5) Tức công đức vô lậu của Phật cũng như công đức chân thật của Cực Lạc thế giới vậy.

QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA,

HƠN HẲN ÐƯỜNG BA CÕI.

CỨU CÁNH TỰA HƯ KHÔNG

RỘNG LỚN KHÔNG BỜ BẾN.

CHÍNH ÐẠO ÐẠI TỪ BI,

THIỆN CĂN XUẤT THẾ SINH.

QUANG MINH SẠCH ÐẦY ÐỦ

NHƯ GƯƠNG VÀNH NHẬT NGUYỆT.

ÐỦ TÍNH CHẤT TRÂN BẢO,

GỒM HẾT DIỆU TRANG NGHIÊM

QUANG VÔ CẤU RỰC RỠ

SÁNG SẠCH RỌI THẾ GIAN

CỎ CÔNG ÐỨC BẰNG BÁU

MỀM MẠI CHUYỂN TRÁI PHẢI,

CHẠM VÀO SINH THẮNG LẠC

HƠN CA CHIÊN LÂN ÐÀ.

HOA BÁU NGÀN VẠN LOẠI

CHE KHẮP SUỐI AO HỒ,

GIÓ THOẢNG LAY HOA LÁ

QUANG GIAO THOA LOẠN CHUYỂN.

CUNG ÐIỆN CÙNG LẦU GÁC

THẤY KHÔNG NGẠI MƯỜI PHƯƠNG,

CÂY TẠP ÐỦ QUANG SẮC,

LAN CAN BÁU GIÁP VÒNG.

VÔ LƯỢNG BÁU GIAO NHAU

HƯ KHÔNG TRÀN LƯỚI VÕNG,

ÐỦ LOẠI LINH VANG HƯỞNG

NGÂN NGA ÂM DIỆU PHÁP.

MƯA HOA, Y TRANG NGHIÊM

VÔ LƯỢNG HƯƠNG HUÂN KHẮP.

MẶT TRỜI PHẬT HUỆ SÁNG

SẠCH TRỪ THẾ ÁM SI.

PHẠM THANH NÓI VANG XA

VI DIỆU VỌNG MƯỜI PHƯƠNG.

A DI ÐÀ CHÍNH GIÁC

PHÁP VƯƠNG KHÉO GIỮ TRÌ.

NHƯ LAI TỊNH HOA CHÚNG

HÓA SINH HOA CHÍNH GIÁC.

YÊU THÍCH PHẬT PHÁP VỊ

THIỀN TAM MUỘI MÓN ĂN.

DỨT LÌA THÂN TÂM NÃO

THƯỜNG THỌ LẠC KHÔNG NGƯNG.

ÐẠI THỪA THIỆN CĂN GIỚI,

BẰNG, KHÔNG DANH XẤU XA:

NGƯỜI NỮ VÀ CĂN KHUYẾT,

GIỐNG NHỊ THỪA CHẲNG SINH.

CHÚNG SINH BAO ƯỚC MUỐN,

TẤT CẢ ÐỀU ÐẦY ÐỦ.

NÊN CON NGUYỆN VÃNG SINH

NƯỚC PHẬT A ÐI ÐÀ

VÔ LƯỢNG VUA BÁU LỚN,

ÐÀI HOA SẠCH VI DIỆU.

TƯỚNG ÐẸP RẠNG MỘT TẦM,

SẮC TƯỢNG VƯỢT QUẦN SINH.

NHƯ LAI TIẾNG VI DIỆU,

ÂM PHẠM VỌNG MƯỜI PHƯƠNG.

ÐỒNG ÐẤT, NƯỚC, LỬA,GIÓ,

HƯ KHÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT.

CHÚNG TRỜI, NGƯỜI BẤT ÐỘNG,

BIỂN TRÍ THANH TỊNH SINH.

NHƯ TU DI NÚI CHÚA

THẮNG DIỆU KHÔNG GÌ HƠN.

TRỜI, NGƯỜI, TRƯỢNG PHU CHÚNG,

CHIÊM NGƯỠNG KÍNH VÂY QUANH.

QUÁN PHẬT BỔN NGUYỆN LỰC

GẶP KHÔNG UỔNG QUA KHÔNG,

KHIẾN ÐƯỢC MAU ÐẦY ÐỦ

BIỂN LỚN CÔNG ÐỨC BÁU.

NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH

THƯỜNG CHUYỂN VÔ CẤU LUÂN,

HÓA PHẬT, BỒ TÁT NHẬT,

NHƯ TU DI TRỤ TRÌ.

VÔ CẤU QUANG TRANG NGHIÊM,

MỖI NIỆM VÀ MỖI THỜI,

CHIẾU KHẮP CÁC PHẬT HỘI,

LỢI ÍCH CÁC QUẦN SINH.

NÀO MƯA NHẠC TRỜI, HOA,

Y, DIỆU HƯƠNG… CÚNG DƯỜNG,

KHEN CÔNG ÐỨC CHƯ PHẬT,

KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM.

NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG

PHẬT, PHÁP, CÔNG ÐỨC BẢO,

CON ÐIỀU NGUYỆN VÃNG SINH

HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT.

Hai mươi mốt bài kệ trênnói rộng về sự trang nghiêm (do) công đức. (Và) sẽ được giải thích rõ ràng trong phần giải thích (bằng) trường hàng bên dưới.

CON LÀM LUẬN NÓI KỆ NGUYỆN GẶP PHẬT DI ÐÀ CÙNG KHẮP CHÚNG CÁC CHÚNG SINH SINH VỀ AN LẠC QUỐC.

Bài tụng cuối này chính là (để) hồi hướng (và) lưu thông(1). Gặp Phật A Di Ðà, trừ ra khi lâm chung gặp Phật, cũng có thể ngay trong lúc còn sống mà gặp, như gặp trong mộng, gặp trong (thiền) định chẳng hạn. Sơ tổ Liên Tông là Huệ Viễn Ðại sư từng mấy phen gặp Phật Di Ðà trong tam muội. Song ở đây ước nguyện của Thế Thân Bồ Tát là mệng chung vãng sinh (để) gặp Phật. Do bi tâm của ngài rộng lớn nên trừ mình gặp (Phật) ra, còn nguyện cùng với các chúng sinh đồng gặp. Thế Thân đem công đức tạo luận hồi hướng cho chính mình và chúng sinh, có thể do đó mà (được) vãng sinh Cực Lạc. Hồi hướng là hồi cái này hướng đến cái kia, ý muốn nói đem công đức này ra dùng vào việc (vãng sinh) kia vậy.

CHÚ THÍCH 4:

(1)Lưu thông có nghĩa là để phổ biến đến khắp chúng sinh.

CÁC CÂU CÚ THUỘC TU ÐA LA  (VỀ) VÔ LƯỢNG THỌ, CON ÐÃ DÙNG KỆ TỤNG (ÐỂ) NÓI TỔNG QUÁT XONG.

 

II – GIẢI THÍCH TRƯỜNG HÀNG.

 

(1)NÊU TÔNG LƯỢC THÍCH (1)

LUẬN RẰNG: CÁC NGUYỆN KỆ NÀY (MUỐN) NÓI LÊN NGHĨA GÌ? VÌ (MUỐN) GẶP PHẬT A DI ÐÀ, (MUỐN) NGUYỆN SINH (VẾ CÕI) NƯỚC KIA.

Luận này y theo các “nguyện sinh kệ” để phân biệt rộng ra, khiến các cương mục rành mạch, sắp xếp phân minh. Bồ Tát Ấn Ðộ tạo luận phần nhiều tông [theo] kinh, không coi trọng việc giải thích văn cú. Những gì các nguyện kệ ở trên nói lên là có nghĩa gì vậy? (Ðáp) rằng: (là để) quán tưởng thế giới Cực Lạc như ngay trước mắt, khiến cho những (gì) thù thắng của (thế giới) nọ rành rành phân minh, cùng được chính mình gặp Phật A Di Ðà, làm cho tín tâm vững chắc (để) phát nguyện sinh về cõi nước kia. Niệm Phật có nhiều môn, môn mà (tổ) Huệ Viễn đề xướng là “trì danh niệm Phật”. Bộ luận này của Thế Thân Bồ Tát (lại) là “quán tưởng niệm Phật”. Thật ra Thế Thân cũng không chuyên chú về quán tưởng, (chúng ta) sẽ thấy ở văn bên dưới, song lấy quán tưởng làm trọng tâm mà thôi. (Ngoài ra) những gì Kim Cương Kinh trình bầy chính là “thật tướng niệm Phật”(2). Có người nói “thật tướng niệm Phật” là thượng phẩm thượng sinh, cần phải là người căn khí(3) cực sắc bén mới có thể (thành tựu) được. Song chúng sinh thời mạt pháp, tâm thô lại tán, quán tưởng cũng không thể thành tựu, cho nên coi trì danh niệm Phật là đối cơ(4).Những gì nói đây đã đành vẫn là sự thật, song nếu có được phương pháp khéo hơn, cùng được chuyên gia chỉ bảo, thì vẫn có thể tu trì, từ cạn vào sâu, từ tiểu thành đại, không gì (lại) không thành tựu. Chẳng hạn như trước quán bạch hào…, sao cho (bạch hào) đó rành mạch phân minh, tiếp lại (quán) rộng rãi ra, (rồi) bất chợt liền thấy toàn thân. Người ngày nay có người cho cảnh giới Hoa Nghiêm là huyền đàm(5), kỳ thật người (nào) có thể tu (thì) đều có thể (do) tu mà thành tựu được. Lúc tu trước cần phải “an lập”, tức nói niệm (vào) một tướng, cứ (những gì) phù động(6) (là) không thật, sau dần ổn định, gọi là “an lập”. Như vậy mà tu trì có thể thành công(7).

CHÚ THÍCH 5:

(1) Có nghĩa là nêu lên cái ý hướng nền tảng của toàn bộ luận và giải thích sơ qua ý hướng đó.

(2) Về ba loại niệm Phật này vốn chiếu theo ba loại Bát Nhã mà lập thành. Trì danh niệm Phật tương ưng với văn tự Bát Nhã, quán tưởng niệm Phật tương ưng với quán chiếu Bát Nhã, và thật tướng niệm Phật tương ưng với thật tướng Bát Nhã. Việc phân chia niệm Phật theo công đức của Bát Nhã này dễ gây hiểu lầm cho nhiều người. Thật ra vấn đề niệm Phật phải gắn liền với ý nghĩa vãng sinh, dù là trì danh, quán tưởng hay thật tướng. Ðại thừa khi đến giai đoạn Tịnh Ðộ ở đây, thì ý nghĩa chính yếu của nó chính là Cực Lạc thế giới của A Di Ðà Phật, chứ không phải là cái khả năng suy xét thâm thúy của tâm thức con người. Ở đây không phải một cá nhân nào đó chứng được thật tướng là Ðại thừa, mà vãng sinh về Tịnh Ðộ mới là Ðại thừa. Ðại thừa ở đây là cả một thế giới vô hạn trong đó thế gian vô tình và chúng sinh hữu tình đều là thật tướng. Tu Ðại thừa ở đây là cả một thế giới vô biên đồng tu, chứ không phải là một cá nhân xuất sắc nào đó mà thôi. Do đó nếu không vãng sinh Tịnh Ðộ thì mọi công năng tu trì niệm Phật (dù là trì danh, quán tưởng hay thật tướng) đều trở thành công đức cá nhân, và không còn gì là ý nghĩa Ðại thừa, đặc biệt là Ðại thừa của Tịnh Ðộ nữa.

(3) Căn là gốc rễ, gốc gác, ý nói cái căn tính, cái tính chất gốc hay bản tính của mình. Khi là đồ vật, đồ dùng, thường được dùng để ví dụ cho chúng sinh mỗi khi đức Phật trình bầy về căn cơ của chúng sinh. Mỗi chúng sinh là một đồ dùng để sử dụng hay chứa đựng chân lý. Cái khả năng sai khác để duy trì và đón nhận chân lý của chúng sinh do đó được gọi là căn khí.

(4) Ðối cơ là thích đáng, đúng hợp với căn cơ của chúng sinh.

(5) Huyền đàm nghĩa là các vấn đề thâm sâu vi diệu. Ðàm là bàn bạc với nhau, huyền là u huyền, bí ẩn, khôn lhường.

(6) Phù động: phù là nổi lên trên, động là lao xao không yên. Tâm tưởng con người luôn lao xao khởi lên không ngớt thì gọi là phù động.

(7) Ấn Thuận Ðại sư vốn thiên về tính KHÔNG Bát Nhã học nên nhận định của ngài về Tịnh Ðộ cũng không khỏi dực trên căn bản của Bát Nhã học. Có thể nói Bát Nhã học là một bản thể thật tại luận, thế nên người học Bát Nhã rất thực tế và khoa học, thiên về lý trí phân tích, tìm tòi một cách thực nghiệm, và luôn luôn ở tại thế gian này. Trong khi Tịnh Ðộ, và đặc biệt Cực Lạc thế giới của Phật A Di Ðà, có thể nói là một vũ trụ thật tại luận, nên Tịnh Ðộ đòi hỏi cá nhân phải từ bỏ tất cả những gì là nó, vốn là một thật tại đang hoạt động ngay đây và tức thì, nhưng không hề bị hạn cuộc trong giới hạn của cá nhân, mà tỏa ra khắp mọi phương mọi thời, chúng ta có thể tạm gọi đó là vũ trụ, nhưng là thứ vũ trụ không hạn lượng, không biên tế. Không có cái vũ trụ ấy đang hoạt động, đang hiện hữu đây, thì cá nhân cũng không có nữa. Cái trí huệ xây dựng nên từ lý trí của cá nhân sẽ không sao thể nhận ra và hội nhập vào được cái thật tại vũ trụ vô biện này. Nhưng chỉ với lòng tin, cá nhân chấp nhận chuyển bỏ mọi tình cảm, lý trí, cũng như cả cái thế giới của nó (vốn là giới hạn của cá nhân), để đón nhận ra, qua sự thực hiện việc vãng sinh, một thật tại bao la về cả thế giới lẫn chúng sinh của Cực Lạc thế giới.

Ý nghĩa này rất khó để trình bầy cho thỏa đáng. Vì chúng ta có thể dễ hiểu lầm khi nghe các chữ như vũ trụ, thế giới, và thật tại… Phải hiểu các thế giới mà chúng ta thật tại đang ở trong nó không hề phải là cái thật tại vũ trụ luận của Tịnh Ðộ. Thế giới đó là thật tại đó hoàn toàn bị quy định bởi tình cảm và lý trí của cá nhân, nên chúng chỉ là những giới hạn của cá nhân mà thôi. Một khi quy về Tịnh Ðộ, cái bản ngã của cá nhân phải chịu hàng phục trước cái thật thể quang minh vô lượng vô biên vô ngại của Phật A Di Ðà, và thế giới thật tại của chúng ta phải được xóa bỏ ngay đi để chuyển sang cái thế giới thật tại Cực lạc vô biên và tràn ngập quang minh huy hoàng. Thế nên pháp môn Tịnh Ðộ Cực Lạc là pháp môn tin tưởng và vãng sinh, chứ không hề phải là pháp môn tôi luyện cho cá nhân như Ấn Thuận Ðại sư trình bày ở đây.

LÀM SAO QUÁN? LÀM SAO SINH TÍN TÂM? NẾU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN, NGƯỜI NÀO TU “NĂM NIỆM MÔN” THÀNH TỰU, RỐT CUỘC SẼ ÐƯỢC SINH VỀ NƯỚC AN LẠC, GẶP PHẬT A DI ÐÀ KIA.

 Tu “ngũ niệm môn” là tu năm thứ pháp môn niệm Phật. “Tín” chính là tin (và) nguyện, “quán” chính là trí huệ. Biển lớn Phật pháp, tín mới có thể vào, trí mới có thể qua”(1). Tu năm niệm môn này chính là phương tiện để tu quán và sinh tín tâm vậy. Song cần phải cho được thành tựu, mới được sinh (về nước) kia, không phải vừa tu là sinh ngay vậy. Niệm Phật là dùng tâm mà niệm, nay có người cho (niệm) là đọc ra chữ là lầm. Niệm có nghĩa là tâm chuyển động nơi một cảnh (mà thôi). Có nghĩa như khi niệm Phật thời tâm ở nơi Phật, khi niệm pháp thời không quên “tất cả các pháp không sinh không diệt” chẳng hạn, (đó là) trói niệm (lại để) không quên vậy. Tịnh Ðộ tông có pháp môn “ba thời trói niệm” chính là ý này vậy. Có thể niệm đến “nhất tâm bất loạn” tức đắc thiền định, thành tựu trí huệ, ngoài ra không có pháp nào khác. Niệm niệm tiếp nhau không ngoài một niệm này(2), (nếu) có thể được như thế, tức có thể vãng sinh gặp Phật A Di Ðà(3).

CHÚ THÍCH 6:

(1) Trích theo Ðại Trí Ðộ Luận của Long Thụ Bồ Tát, mở đầu phần “Thích Sơ phẩm trung như thị ngã văn nhất thời”. Nguyên văn: “Phật Pháp đại hải, tín văn năng nhập, trí văn năng độ”.

(2) Nghĩa là bao nhiêu niệm đi nữa cũng chỉ là một niệm Phật.

(3) Theo ý của Ấn Thuận thì dường như phải tu cho thành tựu “ngũ niệm môn” này mới được vãng sinh. Nhưng theo chín phẩm vãng sinh của Quán Kinh thì không có chút gì khó khăn trong việc vãng sinh và tín tâm mới là căn bản cho việc vãng sinh. Như vậy phải chăng “tu ngũ niệm môn thành tựu” ở đây không hề phải là sự thành tựu cho cá nhân về niệm và quán (như Ấn Thuận hiểu), mà thật ra phải là sự thành tựu của tín tâm vậy. Nếu tu niệm tu quán thành tựu mà không có lòng tin, thì cũng không được vãng sinh, do đó vẫn bị hạn cuộc trong cái thật tại của cá nhân, và như vậy không thể thật chứng được thật tướng viên mãn, vừa vô hạn vừa bao trùm mọi không và thời gian. Do đó tu “ngũ niệm môn” ở đây chỉ có nghĩa là cách thức khơi dậy một lòng tin tương ưng với Tịnh Ðộ, mục tiêu là để vãng sinh về Cực Lạc và gặp Phật A Di Ðà. Và vì tính chất hoàn toàn chân thật của Cực Lạc thế giới tương ưng với chính lý của Ðại thừa, nên lòng tin vào Tịnh Ðộ này tự nó có đủ tính chất trí huệ, thiền định và từ bi của Ðại thừa vậy.

Theo quan điểm này, những gì Ấn Thuận Ðại sư giảng giải ở trên không thích đáng chút nào. Cách thức tu ngũ niệm môn hết sức giản dị như bốn luận đây trình bày, và trung tâm điểm chính là tín tâm.

NHỮNG GÌ LÀ “NĂM NIỆM MÔN”? MỘT LÀ LỄ BÁI MÔN, HAI LÀ TÁN THÁN MÔN, BA LÀ TÁC NGUYÊN MÔN, BỐN LÀ QUÁN SÁT MÔN, NĂM LÀ HỒI HƯỚNG MÔN.

Trên đây là lược đưa ra tên của năm môn. (Môn) một là thân nghiệp, (môn) hai là khẩu nghiệp, (môn) ba, bốn, năm là ý nghiệp. Tác nguyện môn có thể đắc định. Quán sát môn có thể đắc huệ. Hồi hướng môn đắc công đức đại bi. (Còn phân làm) năm là (để) từ nông vào sâu, nếu như tổng trì (được) cả năm, chắc chắn được vãng sinh. Lại năm môn này luận chủ vốn y theo “nguyện sinh kệ” mà thành lập: y theo hai bài kệ đầu lập lễ bái môn, tán thán môn (và) tác nguyện môn. Y theo 21 bài kệ kế tiếp thành lập quán sát môn. Y theo bài kệ sau cùng lập nên hồi hướng môn. Dưới đây là lược thích năm môn.

THẾ NÀO LÀ LỄ BÁI? THÂN NGHIỆP LỄ BÁI A DI ÐÀ NHƯ LAI ỨNG CÚNG CHÍNH BIẾN TRI, DO VÌ Ý MUỐN SINH VỀ NƯỚC KIA.

Dùng thân kính lễ, hoặc chắp tay, hoặc hỏi han, hoặc đảnh lễ(1). Song lễ Phật phải như là (đang) có Phật tại đó. Ứng Cúng tức là A La Hán(2), đáng được người, trời cúng dường. Chính Biến Tri tức Tam Miệu Tam Bồ Ðề, hoặc Tam Miệu Tam Phật Ðà(3), nghĩa là hết chân chính và biết khắp hết. Như Lai, Ứng Cúng (và) Chính Biến Tri là ba loại đức hiệu của Phật. Dùng thân nghiệp kính lễ Như Lai, vì có ý một lòng nguyện sinh về nước kia.

CHÚ THÍCH7:

(1) Ðảnh lễ là cúi lậy sát xuống, đưa đỉnh đầu hạ sát xuống đất để lễ lậy.

(2) Arhat từ động từ gốc Arh có nghĩa là xứng đáng, đáng được. Hán dịch là Ứng (đáng được) hoặc ứng cúng (đáng được cúng dường), phiên âm Hán Việt là A La Hán.

(3) Samyak-Sambuddha: Samyak phiên âm là “tam bồ đề”, Sam (tam) dịch là đẳng, bình đẳng, và buddha (Bồ Ðề hay Phật Ðà) dịch là giác. Ngoài ra Sam còn dịch là “biến” và buddha là “tri”, tức “chính biến tri”.

THẾ NÀO LÀ TÁN THÁN? XƯNG DANH CỦA NHƯ LAI KIA, (ÐÚNG) NHƯ TRÍ TƯỚNG QUANG MINH CỦA NHƯ LAI KIA, (ÐÚNG) NHƯ DANH (VÀ) NGHĨA KIA, VÌ MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH (CHO ÐƯỢC) TƯƠNG ƯNG.

Thông thường (người ta) dùng miệng (để) trì danh niệm Phật, tức thuộc tán thán môn. Tại sao vậy? (Và có) giống như trẻ nhỏ gọi mẹ chăng? Không phải vậy. Bởi Phật danh là hồng danh(1) (bao gồm) vạn đức, xưng danh (ngài) là đồng với tán thán công đức của ngài. Như A Di Ðà Bà Gia tức Vô Lượng Quang, tiêu biểu cho trí tướng quang minh của Như Lai. Chiếu theo danh để suy về nghĩa là ý nghĩa chân chính của tán thán. Vì Phật danh vô lượng, (nên) công đức của Ngài cũng vô lượng, (cũng) không thể suy lường, cho nên xưng danh tức là dùng khẩu nghiệp xưng tụng công đức của Phật này. Tựa như người đời sùng bái một nhân vật nào đó, khi xưng danh người đó lên, ắt phải biết trước cái chỗ vĩ đại của nhân vật mà danh đó đại biểu, nếu không thì đâu có thể nói là sùng bái được. Xưng danh như thế tức đồng với tán thán. Ðối với việc tu hành, thì cứ tất cả mọi thứ trong quá trình học Phật, đều là tu hành, hoặc tu phúc hoặc tu huệ. Song như thật tu hành chính là tu hành tương ưng với định huệ. Ðối với Phật danh có được sự hiểu rõ thâm sâu, trì danh như thế (mới) có thể y theo niệm mà tiến tu định huệ, theo đó mà cảm được Phật lực gia bị (mà) vãng sinh Cực Lạc. Vả như cầu (tu) định (thời) phương tiện có nhiều môn, như trì chú, cột tâm vào dưới rốn v.v… tuy được định song không thể sinh Cực Lạc. Chỉ có khi niệm Phật, đối với công đức của A Di Ðà Phật, thấu hiểu sâu xa, đầy đủ tín nguyện mới có thể tương ưng(2) mà sinh về nước kia.

CHÚ THÍCH 8:

(1) Hồng có nghĩa là to lớn, tràn trụa. Danh hiệu của Phật là để chỉ cho các công đức bao la vô lượng của Phật nên gọi là “hồng danh”.

(2) Nguyên văn của chính văn là dục như thật tu hành tương ưng. Theo Ấn Thuận Ðại sư thì tương ưng ở đây là đúng lý, đủ điều kiện, để sinh về Cực Lạc. Nhưng vấn đề sinh về cõi nước kia là thuộc về lễ bái môn ở trên. Như vậy ở môn tán thán này tương ưng là tương ưng với danh và nghĩa của quang minh trí tướng của A Di Ðà Phật.

Thế Thân Bồ Tát xác định vấn đề vãng sinh thuộc về thân nghiệp, vấn đề tu hành chân chính thuộc về khẩu nghiệp (và ý nghiệp). Muốn vãng sinh về Cực Lạc thì hãy lễ bái A Di Ðà Phật, muốn tương ưng tu hành như thật  thì hãy xưng danh A Di Ðà Phật. Rõ ràng ở đây cho thấy công năng vi diệu của A Di Ðà Phật, hơn là năng lực tu tập của cá nhân hành giả, đã biến chuyển các hành nghiệp lễ bái, tán thán thông thường, trở thành sự tu hành chân thật. Có nghĩa là tự danh hiệu của A Di Ðà có công năng chân thật hóa như thế, chứ không phải là do nỗ lực tu hành tạo tác của cá nhân. Tu vãng sinh như thế trở thành một mặt triệt tiêu cá nhân tính tức bản ngã của chính mình, mặt khác hiển lộ ra một thật tại chân thật công đức viên mãn của Phật A Di Ðà (và cõi nước kia). Cá nhân các tác nghiệp qua thân (lễ bái) và khẩu (tán thán), song nhờ danh hiệu A Di Ðà Phật mà vượt qua được cái cá nhân tính hạn hẹp của chính mình, chuẩn bị “hòa” mình vào Cực Lạc thế giới qua hai môn sau vậy.

THẾ NÀO LÀ TÁC NGUYỆN? TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN: MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM RỐT CUỘC (SẼ) VÃNG SINH VỀ CÕI NƯỚC AN LẠC, BỞI MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH SA MA THA VẬY.

Tác nguyện là phát nguyện vậy. Tam thường tác nguyện là cần phải thường thường tác nguyện. Một lòng chuyên niệm quyết định vãng sinh về (nước) An Dưỡng. Tác nguyện như thế là bởi muốn như thật tu hành Sa ma tha. Sa ma tha tiếng Tàu là chỉ(1). Tâm của phàm phu tán loạn bay nhẩy, chỉ là dừng tâm vào một cảnh, không để cho bay bổng vậy. Niệm (so) với chỉ, thì đó là chỉ, nên còn tên là tâm trụ. Cho nên tu định thật ra là tu niệm. Nếu có thể niệm niệm nối tiếp nhau, chính niệm (trở nên) rõ ràng, ắt có thể đắc chỉ. Ðắc chỉ (mới) chính là tu hành chân thật(2).      

CHÚ THÍCH 9:

(1) SAMATHA phiên âm là Sa ma tha, dịch là “chỉ” tức dừng đứng lại, ngăn lại, cấm ngăn…

(2) Theo Ấn Thuận Ðại sư “đắc chỉ mới là tu hành chân thật”, cho thấy quan điểm của Ðại sư từ đầu đến cuối là mọi vấn đề vãng sinh dựa theo năm niệm môn đều do từ nỗ lực của cá nhân tu tập. Như thế rõ ràng Ðại sư cũng chấp nhận vãng sinh Tịnh Ðộ rất “khó”, cá nhân phải ra sức thành tựu niệm và quán đến mức hoàn hảo thì mới vãng sinh được. Nhưng chính văn của bổn luận không cho thấy mọi sự “hoàn hảo” kiểu cá nhân tính ấy ở đâu hết. Chính văn chỉ giản dị nói rằng “vì muốn” như thật tu hành Sa ma tha nên thường tác nguyện: một lòng chuyên niệm rốt cuộc vãng sinh về cõi nước An lạc. Có lẽ đúng hơn, ý văn hình như cho rằng nếu tâm chuyên niệm bất cứ gì cũng không phải là như thật tu Sa ma tha, nhưng nếu chuyên niệm rằng ta “chỉ” sẽ vãng sinh về An Lạc mà thôi, thì đó chính là như thật tu hành Sa ma tha. Nên muốn như thật tu hành Sa ma tha thì hãy tác nguyện dứt khoát một lòng (chuyên niệm) vãng sinh, và đây chính là công năng chân thật của cõi Cực Lạc.

Sa ma tha là chỉ, dừng đứng lại mọi tâm hành. Nhưng với Ðại thừa Tịnh Ðộ, Sa ma tha là dừng đứng lại hết mọi sở hành, không phải chỉ của cá nhân, mà cả của cái thế giới mà cá nhân đang sống trong đó. Như không phải chỉ có cái người trong giấc mơ hết hoạt động, mà phải cả toàn thế giới mơ cũng phải ngưng hoạt động. Ngưng như thế không phải là mất hết tâm thức, mà trái lại người nằm mơ sẽ đưa tâm thức mình trở về với thế giới thật sự để tỉnh giấc dậy. Cũng thế, cá nhân dựa vào cõi An Lạc chân thật, gắn liền tâm niệm mình vào cõi đó, để phát nguyện chắc chắn sẽ vãng sinh. Ðây mới đúng là công năng chân thật của Sa ma tha làm dừng đứng lại hết mọi hoạt động của cá nhân và thế giới của họ.

THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT? (DÙNG) TRÍ HUỆ QUÁN SÁT, CHÍNH NIỆM QUÁN (NƯỚC) KIA, BỞI MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH TỲ BÀ XÁ NA VẬY.

Quán sát thông thường chỉ là lắng nghe người khác nói (và) phân biệt sự lý một cách tán tâm, không hề phải là cái quán sát muốn nói ở đây. Quán sát chân chính cần phải đắc (thiền) định. Y thyeo mới có thể thành quán, nếu không cứ quán sát cho nhiều sẽ bù đầu rối óc, mất ngủ nôn nao. Nếu có thể đắc chỉ (rồi) mới quán, (thì) mới có thể đắc trí huệ. Nên (sách) Ðại Học(1) có nói: “(Yên) tĩnh rồi sau mới có thể (suy) lự” cũng là cùng với lý (lẽ) như vậy. Ví như ngọn đuốc giữa gió, chập chờn bất định (thì) làm sao có thể soi sáng (các) vật? Song quán huệ với chỉ không giống nhau. Trí huệ quán sát cũng tức là phân biệt, tầm cầu, quyết trạch(2). Nếu có người quán một đóa hoa hồng, nhìn mãi không thôi, có thể nhân quán mà thành chỉ. Như quán ý nghĩa của mầu hồng kia là những gì, (rồi) đi sâu vào phân biệt quyết trạch, (thì) mới có thể ở trong chỉ (mà) tu thành quán. Như bất tịnh quán(3), quán các sự tướng biến hóa, (để) cầu thật tướng [thể tính, tác dụng và hình tướng(4)], đó mới (chính) là quán. Nay những gì để quán là A Di Ðà Phật, cõi nước, và Bồ Tát? Chính niệm là cột tâm vào một cảnh, không nhào sang (hai) bên, gọi là niệm. Niệm mà có thể làm (thanh) tịnh tâm ta, khai (mở) huệ ta, giảm phiền não của ta, (thì) gọi là chính niệm. Tỳ bà xá na(5) tức là phạn ngữ của quán. Tu chỉ mà không tu quán, ắt dừng lại ở định, không thành tựu trí huệ được. (Nên) cần phải tu quán, mới tiến bộ được(6).

CHÚ THÍCH10:

(1) Ðại Học là một trong bốn sách (tứ thư) dạy làm thánh hiền của Nho Giáo, gồm Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử.

(2) “Phân biệt” là suy tưởng theo hai cực đối đãi như lớn-nhỏ, phải-trái, đúng-sai… “Tâm cầu” là tìm tòi theo suy luận. “Quyết trạch” là chọn lọc phán xét.

(3) Là quán xét 36 vật bất tịnh (tức không được trong sạch) trong cơ thể con người, mục đích để diệt trừ tham dục về thể xác.

(4) Ý nói thật tướng được xét đến qua ba phương diện là thể tính, tác dụng và hình tướng.

(5) Vipaśyanä từ ngữ căn dŗś có nghĩa là “thấy’, hợp với tiếp đầu ngữ Vi ngụ ý chia ra, phân ra, lan ra. Dŗś chuyển thành động từ gốc Paśya(ti), thêm Vi vào đầu thành Vi paśyanä là “thấy ra”, thấy rõ ra. Chuyển thành danh từ Vipaśyanä, phiên âm là Tỳ Bà Xá Na, Trung Hoa dịch là quán hay quán sát.

(6) Cũng như đọan trên, Ấn Thuận Ðại sư chỉ giải thích theo quan điểm Phật học thông thường về chỉ và quán. Thật ra ở đây chỉ, quán gắn liền với ý nghĩa vãng sinh và sự trang nghiêm của Cực Lạc thế giới. Có nghĩa là đối với hành giả Ðại thừa ở đây, chỉ có thể tu chỉ, quán được bằng cách nguyện vãng sinh và nhớ tưởng cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc mà thôi. Các cách tu chỉ quán khác như tứ niệm xứ, bất tịnh quán… đều không thích hợp ở nơi đây.

QUÁN SÁT (CÕI NƯỚC) KIA CÓ BA LOẠI. NHỮNG GÌ LÀ BA LOẠI? MỘT LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC CỦA CÕI NƯỚC PHẬT KIA. HAI LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC CỦA PHẬT A DI ÐÀ. BA LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC CỦA CÁC BỒ TÁT.

Y theo kinh (mà quán sát), có thể phân biệt làm ba: một là y báo(1) của Phật, đó là cõi nước của Phật. Hai là chính báo(2) của Phật, chính là Phật A Di Ðà. Ba là bạn bè(3) của Phật, chính là các đại Bồ Tát. Thế nào gọi là công đức? Công là dùng sức, đức là nghiệp thiện. Như dùng công đức mà được khéo thành tựu thì gọi đó là công đức. Nay tất cả những cảnh giới trang nghiêm của thế giới Cực Lạc từ đâu mà có được(?), không thứ nào lại không phải là từ thiện nghiệp do đức Phật (làm) mà thành, cho nên (chúng) là thành quả tu hành tinh tiến của Phật, (và) gọi là công đức. Trang nghiêm là trang sức (một cách) vi diệu(4). Chủ, bạn, cõi nước(5) có vô biên công đức (để) trang nghiêm, đều phải từng thứ một mà quán sát.

CHÚ THÍCH 11:

(1) Y là nương vào, báo là đáp ứng lại (không thể tránh khỏi), dùng để chỉ cho kết quả như là một đáp ứng chắc chắn phải xẩy ra đối với các tác nhân. Y báo lả kết quả của các tác nghiệp về phương diện bối cảnh, môi trường, tức chính là thế giới quả báo tương ưng với tác nghiệp nhân. Xem chú thích kế tiếp.

(2) Chính báo là kết quả của các tác nghiệp nhân về phương diện hữu tình. Mọi hành nghiệp đều đưa đến một kết quả, gọi là quả báo. Song mọi hành nghiệp đều phải có một môi trường để tạo tác, nghĩa là chúng ta phải y vào một thế giới thì mới tạo nghiệp được, không có thế giới không có chỗ tạo nghiệp. Do đó khi thành quả báo, quả báo này cũng gồm hai phương diện, một là thế giới, hai là hữu tình. Thí dụ người tác nghiệp ác sẽ bị quả báo là một thế giới ác (như địa ngục, ngạ quỷ…) gọi là y báo, và phải mang lấy một thân xấu xí… gọi là chính báo.

(3) Nguyên văn là Phật chỉ bạn lữ.

(4) Chữ trang nghiêm nôm na là trang điểm, trang sức, làm đẹp. Quan điểm này là một đặc trưng của Ðại thừa Phật giáo, không hề có trong Tiểu thừa Phật giáo.Thay vì dùng trí huệ để diệt tận mọi hành nghiệp, tuyệt hết mọi liên hệ với ba cõi luân hồi, để thể nhập Niết Bàn như con đường Tiểu thừa, thì Ðại thừa dùng trí huệ để đi vào ba cõi, tạo tác các hành nghiệp của lục độ ba la mật, biến các hành nghiệp thành công đức vô thượng, biến trí huệ tịch diệt thành trí huệ vô thượng, dùng hai chữ đó “làm đẹp” cho chính mình và “làm đẹp” luôn cho cả thế giới của mình (tịnh độ) để mà độ chúng sinh chứ không nhập Niết Bàn.

Trang nghiêm như thế là làm đẹp bằng công đức và trí huệ cho bản thân và cõi nước riêng của mình. Ðây là một giai đoạn chuẩn bị thành Phật trên con đường Ðại thừa Phật giáo (có thể so sánh với giai đoạn tu 32 tướng tốt liên hệ với Phật giáo tiểu thừa).

(5) Chủ là đức Phật A Di Ðà. Bạn là các vị Bồ Tát của cõi Cực Lạc. Cõi nước là cõi Cực Lạc.

THẾ NÀO LÀ HỒI HƯỚNG? KHÔNG BỎ TẤT CẢ CÁC CHÚNG SINH KHỔ NÃO, TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN, HỒI HƯỚNG LÀM ÐẦU, DO (ÐỂ) THÀNH TỰU TÂM ÐẠI BI VẬY.

Không bỏ tất cả các chúng sinh khổ não, y như trong nhà lửa không bỏ (các) quyến thuộc (của mình)(1). Ðây chính là Bồ Tát phát tâm, nên thường nguyện lấy hồi hướng làm đầu, chuyên nguyện tất cả chúng sinh đều sinh Cực Lạc, như vậy mới có thể thành tựu tâm đại bi. Có nghĩa là hoa nở gặp Phật đắc vô sinh nhẫn(2) rồi lại ngự thuyền từ cứu vớt chúng sinh vậy(3).

CHÚ THÍCH 12:

(1) Xem phẩm Phương Tiện, kinh Pháp Hoa.

(2) Theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh, người thượng phẩm thượng sinh, hóa thân sinh vào kim cương đài (hoa) theo Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, tức thời ngộ vô sinh pháp nhẫn.

(3) Ðại bi tâm là tâm cứu độ khổ não của chúng sinh. Ở đây Ấn Thuận Ðại sư không nói rõ là cứu vớt chúng sinh ra làm sao. Nhưng chúng ta phải nên hiểu trước rằng độ ở đây là cùng với chúng sinh đồng sinh về An Lạc vậy. Ở giai đoạn Tiểu thừa, đức Phật Thích Ca độ chúng sinh bằng bát chính đạo, đưa chúng sing đến quả Niết Bàn giải thoát. Ở đây vì là con đường Ðại thừa, độ chúng sinh có nghĩa là làm cho chúng sinh thành Phật, hóa hiện Tịnh Ðộ để cứu độ lại các chúng sinh khác. Thế nên ý nghĩa đại bi độ sinh ở đây không phải là dạy chúng sinh ngồi thiền, trì giới, tinh tấn chi cả, mà là hồi hướng công đức tu Tịnh Ðộ về tất cả các chúng sinh khiến họ (phát tín tâm, nguyện vãng sinh và rốt cuộc sẽ được) cùng mình vãng sinh về Tịnh Ðộ.

Tóm lại Tịnh Ðộ dứt khoát là Ðại thừa Phật giáo, Ý nghĩa về “vãng sinh Tịnh Ðộ” luôn luôn bị hiểu lầm là yếu đuối và trốn tránh. Nhưng câu nói không bỏ tất cả các chúng sinh khổ não, tâm thường tác nguyện, hồi hướng làm đầu… chứng tỏ tu Tịnh Ðộ là tu Ðại thừa. Vãng sinh Tịnh Ðộ không phải là tìm chỗ sướng tránh chỗ klhổ, mà chỉ là do đại bi tâm, nên tìm lấy phương tiện tối thắng để cứu độ chúng sinh mà thôi. Phật quả và Tịnh Ðộ chính là phương tiện đệ nhất tối thắng để độ chúng sinh. So sánh ra, độ sinh theo lối Niết Bàn của Tiểu thừa vẫn chưa được cứu cánh vì không phát huy ra hết được các phẩm tính vô lượng vô biên vi diệu tối thắng của chân lý tuyệt đối (đệ nhất nghĩa đế). Ðộ sinh bằng Tịnh Ðộ kgông những hiểu rõ hết mọi phẩm tính vô lượng kia của đệ nhất nghĩa đế, mà còn cho thấy cả chỗ viên dung vô ngại giữa thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế nữa (do điểm này mà Thiện Ðạo Ðại sư mới chủ trương phàm phu nhập báo độ là vậy).

2) NÓI RỘNG VỀ QUAN SÁT:

A-Quán (sự) trang nghiêm (của) công đức (của) cõi nước (của) Phật kia.

THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC CỦA CÕI NƯỚC PHẬT KIA? DO THÀNH TỰU (NĂNG) LỰC KHÔNG THỂ SUY LƯỜNG, DO Y NHƯ TÍNH (CHẤT) CỦA BÁU MA NI NHƯ Ý, (VỐN LÀ) TƯƠNG TỢ TƯƠNG ÐỐI PHÁP.

Trở xuống là nói rộng về quan sát, tức môn thứ tư của “ngũ niệm môn”. Trước hết quán sự trang nghiêm công đức của cõi nước Phật. Ma Ni có nghĩa là  như ý của phạn văn. Ma Ni như ý là tiếng hoa tiếng phạn cùng nói. (Năng) lực không thể suy lường chính là tác dụng không thể suy lường. Do tương tợ tương đối pháp (câu này) thuần túy là cú pháp của phạn văn, ý nói cõi Phật trang nghiêm không thể suy lường tương tợ như bảo châu Ma Ni vậy. Cả hai có thể (đem ra để) đối chiếu với nhau nên mới nói là thương tợ đối pháp. Ðoạn này ý nghĩa như sau: bảo châu Ma Ni (hay nói đến) trong Phật pháp là một viên ngọc nhỏ, rất là sáng sạch, có thể đáp ứng đầy đủ mọi nguyện vọng của con người, nên gọi là như ý; lại có thể (làm cho) tai qua nạn khỏi, trăm bệnh không sinh. Nay lấy (nó) làm thí dụ cho thế giới Cực Lạc, (thì) cũng giống như vậy, (cõi này) bình an, tự do, khoái lạc, không tai không nạn, vàng ròng trải đất, bẩy báu trang nghiêm, tất cả (ước nguyện đều) như ý, đi lại mặc tình. Song lấy như ý làm nghĩa chính yếu, cho nên (nói cõi đó là) không thể suy lường vậy.

QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC CỦA CÕI NƯỚC CỦA PHẬT KIA GỒM CÓ 17 SỰ CẦN PHẢI BIẾT. THẾ NÀO LÀ 17?

– MỘT LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) THANH TỊNH,

– HAI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) LƯỢNG,

– BA LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TÍNH,

– BỐN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG,

– NĂM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VẾ) ÐỦ LOẠI SỰ,

– SÁU LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) DIỆU SẮC,

– BẨY LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) XÚC,

– TÁM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM,

– CHÍN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) MƯA,

– MƯỜI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) QUANG MINH,

– MƯỜI MỘT LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) THANH,

– MƯỜI HAI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) CHỦ,

– MƯỜI BA LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC,

– MƯỜI BỐN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) THỌ DỤNG,

– MƯỜI LĂM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC NẠN,

– MƯỜI SÁU LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) ÐẠI NGHĨA MÔN,

– MƯỜI BẨY LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TẤT CẢ CÁC SỞ CẦU.

Quán các công đức của cõi Phật tổng cộng phân thành 17 sự, trước hết là nêu lên danh mục.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) THANH TỊNH LÀ DO KỆ RẰNG: “QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA, HƠN HẲN ÐƯỜNG BA CÕI:.

Pháp môn của bộ luận này tới đây phải từ trong định mà khởi quán. Nay những người không tu định được thì đối với các kệ luận này chỉ có thể có được sự thấu hiểu (mà thôi). Song (như thế) cũng có tác dụng, bởi sau này khi tu chỉ (do) có sự thấu hiểu này thời có thể sau khi đắc định (rồi sẽ) khởi quán(1).

Song quán về công đức thanh tịnh của thế giới Cực Lạc thì phải quán lấy tướng trạng hơn hẳn ba cõi – cõi sắc, cõi dục, cõi vô sắc. Cõi dục có các dục giữa nam nữ, dục về lợi lộc này nọ, sáu cõi trời cõi dục(2) cũng gồm trong đó. Người không dục thì thành 18 cõi trời thuộc tứ thiền của sắc giới(3). Còn trên nữa là cõi vô sắc, cũng gồm 4 cõi trời(4). Ba cõi gồm 28 cõi trời (đều) luân chuyển sinh tử, ô nhiễm ràng buộc không thanh tịnh. Ðến như A La Hán như các ngài Mục Kiền Liên này nọ, ắt đã vượt khỏi ba cõi, (tuy) khỏi ba cõi, (song) không có nghĩa là thân lìa khỏi ba cõi và không hề bị phiền não của ba cõi trói cột(5). Do phàm phu không lìa khỏi được, bị ba cõi trói cột, nên gọi phiền não là tạp nhiễm. Ðã có phiền não, ắt bất kể bất cứ nghiệp thiện hay ác nào (cũng) đều là không thanh tịnh, các quả chiêu cảm cũng không thanh tịnh; không những chính báo không thanh tịnh (mà) y báo cũng như vậy. Nên thế giới Cực Lạc đã do công đức vô lậu của A Di Ðà Phật mà thành, vốn không có tạp nhiễm, nên thắng hẳn ba cõi vậy. Còn như nói xuất thế (thì) cũng chính là có ý nói vượt qua ba cõi vậy(6).

CHÚ THÍCH 13:

(1) Ấn Thuận Ðại sư vẫn dẫn giải theo quan điểm học Phật cứng ngắc theo thế tục và thuộc cá nhân. Sự quán sát ở đây thật ra không hề phải do đắc định rồi mới tu quán này. Mục tiêu của bổn luận là để vãng sinh Cực Lạc gặp Phật A Di Ðà. Nếu cho rằng phải đắc định khởi quán huệ rồi mới được vãng sinh thì dường như không phải là chủ trương của các kinh về Tịnh Ðộ Cực Lạc. Vãng sinh (Cực Lạc) là một ý nguyện, có nghĩa là một hành nghiệp luân chuyển, nó đi ngược lại với tác dụng của định huệ (diệt phiền não thuộc hành nghiệp luân hồi) mà Ấn Thuận quan niệm. Như thế đủ thấy người tu Tịnh Ðộ vẫn còn đủ mọi hành nghiệp luân chuyển, nên mọi ý nghĩ về định huệ, chỉ quán ở dây đều là do năng lực của Phật A Di Ðà và cõi Tịnh Ðộ mà ra. Do đó quán sát ở đây chỉ là một sự quán tưởng giản dị mà thôi, không cần phải ngưng hành lại rồi mới quán sát. Mục tiêu chính yếu là để phát lòng tin chính xác về cõi nước kia trên căn bản chuyên niệm (tức phát nguyện phần trước) vãng sinh.

(2) Tức lục dục thiên gồm Tứ Thiên Vương Thiên, Ðao lợi Thiên (hay Tam Thập Tam Thiên), Dạ Ma Thiên, Ðâu Xuất Ðà Thiên, Lạc Biến Hóa Thiên và Tha Hóa Tự Tại Thiên.

(3) Sắc giới gồm bốn tầng Thiền. Sơ Thiền Thiên gồm ba cõi trời: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên và Ðại Phạm Thiên. Nhị Thiền Thiên cũng có ba: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên và Quang Âm Thiên. Tam Thiền Thiên cũng có ba: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên vả Biến Tịnh Thiên. Sau cùng Tứ Thiền Thiên gồm 9 cõi trời: Vô Vân Thiên, Phúc Sinh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Tướng Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên và Sắc Cứu Cánh Thiên.

(4) Bốn cõi trời vô sắc là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

(5) Ý nói các bậc A La Hán trong cõi này vẫn phải chịu quả báo như ngài Mục Kiền Liên bị ngoại đạo đập chết, chứng tỏ nhục thân các ngài vẫn liên hệ với nghiệp quả của ba cõi.

(6) Phần dưới có nói Cực Lạc do “Thiện căn xuất thế sinh”.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) LƯỢNG LÀ DO KỆ RẰNG: “CỨU CÁNH TỰA HƯ KHÔNG, RỘNG LỚN KHÔNG BỜ BẾN”.

A DI ÐÀ KINH không hề có nói thế giới Cực Lạc ở phương tây rộng lớn như hư không, vô bờ vô bến. Kinh nói như thế chỉ là phương tiện vì phàm phu. Nếu đúng theo chỗ mà chính đức Phật kia trụ (thì) do bởi khế nhập chân lý, sự lý vô ngại, (nên) tự (thế giới ấy) có thể nói là không bờ bến.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TÍNH LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÍNH ÐẠO ÐẠI TỪ BI, THIỆN CĂN XUẤT THẾ SINH”.

Chữ tính (theo) phạm văn, cùng với chữ giới, ý nghĩa cũng không khác gì, vốn có nghĩa là nhân tố(1). Nên 18 giới(2) cũng có khi dịch là 18 tính. Sự thành tựu (của) công đức (về) tính tức là y theo nhân nào mà có nghĩa (tịnh độ?). Nay xin giải thích: do công đức vô lậu [thiện căn xuất thế] mà sinh, (do) thiện căn đã đoạn phiền não mà sinh. Song rốt là do loại thiện căn xuất thế nào sinh đây? Ðáp, một là chính đạo, hai là từ bi. Chính đạo là bát chính đạo, chính là chính kiến, chính tư (duy), chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định. Chính đạo cùng có chung với tiểu thừa. Ðại từ bi là của (riêng) đại thừa không chung (với tiểu thừa), mà vốn là nhân của Phật quả vậy(3).

CHÚ THÍCH 14:

(1) Nhân tố có nghĩa là yếu tố nhân đối với quả. Chữ “giới” theo phạm văn là Dhätu, cũng có nghĩa là “tính”. Mọi hiện hữu đều là những thành quả. Mà quả dĩ nhiên phải có nhân. Quả bị nhân quy định và hoàn toàn bị hạn cuộc trong giới hạn của nhân. Thế nên các yếu tố nhân căn bản được gọi là giới (Dhätu) vậy.

(2) Phật giáo phân tích toàn thể hiện hữu ra thành 18 lãnh vực căn bản giới hạn tất cả mọi hiện hữu, nên gọi là 18 giới, và xác định tất cả mọi tính chất của hiện hữu nên gọi là 18 tính.

18 giới gồm 6 nội giới: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. 6 ngoại giới: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ý và một phần pháp thuộc tâm thức, ngoài ra thuộc hình tướng vật chất. Còn 6 giới trung gian hoàn toàn thuộc tâm thức gồm 6 thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

(3) Ấn Thuận Ðại sư, trong “Trung Quán Luận Giảng Ký” cho rằng tính KHÔNG học là chung của Ðại thừa và Tiểu thừa. Chỗ khác nhau là Tiểu thừa không có đại từ bi mà thôi. Nên ở đây ngài cũng giải thích chữ chính đạo là bát chính đạo của Tiểu thừa. Ðại sư chủ trương một đạo Phật chung cho Ðại lẫn Tiểu thừa, chứ không chấp nhận một đạo Phật Ðại thừa hoàn toàn tách biệt khỏi Tiểu thừa. Tuy nhiên chữ chính đạo ở đây chưa chắc là bát chính đạo của Tiểu thừa chút nào. Vì theo bài kệ bên dưới: “Ðại thừa thiện căn giới… giống hai thừa không sinh”, thì Thế Thân Bồ Tát xác định Cực Lạc thế giới là thuần túy Ðại thừa. Lại nữa bát chính đạo thuộc Ðạo Ðế trong Tứ Ðế là con đường đưa đến tịch diệt Niết Bàn tức Diệt Ðế trong Tứ Ðế. Tịnh Ðộ nói chung được “tạo” nên từ công đức chân thật trong ý hướng từ bi độ sinh của chư Phật, hoàn toàn không có ý nghĩa gì là tịch diệt ở nơi đây. Thế nên phải nói chính đạo ở đây là Ðại thừa Bồ Tát đạo, giác ngộ và độ sinh đồng thành Phật đạo.

Do đó ý nghĩa xuất thế ở đây cũng là nghĩa của Ðại thừa. Không phải là xuất thế theo lối đoạn trừ tất cả mọi phiền não trói buộc với ba cõi, mà là đại bi tâm (cứu độ tất cả không sót một chúng sinh nào) trên căn bản Bát Nhã trí ( tất cả các pháp là KHÔNG) cộng thêm với hạnh nguyện bao la bất động như hư không. Ðó mới là những yếu tố căn bản làm sinh một phương tiện thiện xảo tối thắng để độ sinh, đó chính là Tịnh Ðộ vậy.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG MINH SẠCH ÐẦY ÐỦ, NHƯ GƯƠNG VÀNH NHẬT NGUYỆT”.

Hình tướng là hình sắc tướng mạo vậy, lấy quang minh làm thể, (sự) tròn đầy của quang minh thanh tịnh là thể tính của mình. Như gương, như mặt trời, như mặt trăng. Như gương ví dụ cho sự đầy đủ thanh tịnh, mặt trời mặt trăng ví dụ cho quang minh. Song quang tướng của cõi Phật vốn mát mẻ, không giống như ánh sáng mặt trời làm hại da dẻ của con người(1).

CHÚ THÍCH 15:

(1) Ở trên đã nói về lượng của Cực Lạc là không bờ bến, và tính của Cực Lạc là thiện căn Ðại thừa. Vì Cực Lạc là một thế giới, thế nên phải có lượng, có tính, và phải có hình tướng ra sao nữa. Ở đây hình tướng không thể xác định được, vì lượng của thế giới này như hư không vô bờ bến. Nên chỉ lấy tính chất quang minh của chính đạo Ðại thừa, (tức quang minh trí tướng của A Di Ðà Phật) vốn trong sạch và viên mãn, cùng với tính chất đại bi bao trùm thâu nhiếp các chúng sinh, để ví như là gương sáng sạch và tròn sáng như khuôn mặt trời mặt trăng. Hình tướng như thế là tương ưng với “thanh tịnh”, “lượng” và “tính” ở trên.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) ÐỦ LOẠI SỰ LÀ DO KỆ RẰNG: “ÐỦ TÍNH CHẤT TRÂN BẢO, GỒM HẾT DIỆU TRANG NGHIÊM”

Ðủ tính chất trân bảo, ý nói không phải chỉ bẩy báu mà thôi. Bởi đầy đủ tất cả trân bảo, nên có thể đầy đủ các trang nghiêm vi diệu(1).

CHÚ THÍCH 16:

(1) Phần này đi vào chi tiết các sự sự vật vật như là các hiện tướng của toàn thể thế giới Cực Lạc. Ðồng thời cũng là xác định về phần thể chất của thế giới này. Bảo rằng “chất” của thế giới này là trân bảo và đủ mọi vẻ đẹp là một điều hết sức khó tin đối với nhiều người. Có người bác bỏ hoàn toàn, có người cho đó là lốn nói ẩn dụ tượng trưng. Như thế là bởi họ không có được một căn bản đứng đắn thuộc trí huệ Ðại thừa. Hoa Nghiêm Kinh nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”(tất cả duy tâm tạo). Và Tâm không phải là một thật thể thuần nhất bất biến. Tâm theo Duy Thức học là một tổng hợp các yếu tố nhân, nên Tam chính là giới, là tính, là chỗ để thể hiện ra tất cả các hữu tình và các thế giới. Sở dĩ Tâm tổng hợp được tất cả các nhân tố là bởi Tâm không có thật tính thuần nhất bất biến, Tâm vốn là KHÔNG. KHÔNG như vậy không phải là diệt tận mà là để (có tác dụng) tổng hợp các nhân. Do đó muốn thấy được và hiểu được tính KHÔNG của Tâm thì phải quán sát cho rõ và thấu tỏ cho được nguyên tắc nhân quả của tâm, (tức tác dụng viên mãn của tâm vừa là nhân vừa là quả), và muốn chứng thực được tín h KHÔNG của tâm thì phải chứng thực được các pháp đang hiện hành (tức các hữu tình và các thế giới) chính là tâm (nghĩa là vừa là nhân vừa là quả). Do đó quán tâm chính là quán KHÔNG, và chính là quán sắc tướng hiện hành, là quán thế giới và chúng sinh trong mười phương cõi. Thế giới và chúng sinh như thế là quả, và đồng thời cũng là nhân, cũng là (đại) tâm, cũng là KHÔNG. Thế giới và chúng sinh là nhân ở chỗ chúng sinh tạo nghiệp. Nghiệp tức là nhân. Nghiệp nhân này tác động hai mặt y báo (tức thế giới) và chính báo (tức chúng sinh). Nghiệp nhân vô lượng kiểu, nên thế giới và chúng sinh cũng vô lượng kiểu.

Nghiệp nhân của Cực Lạc thế giới là “Chính đạo đại từ bi, thiện căn xuất thế”, lại nghiệp này thuần túy thanh tịnh “hơn hẳn đường ba cõi”, thế nên phần thế gian vật chất của cõi nọ toàn bằng châu báu, đẹp đẽ vô cùng có gì lạ đâu.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) DIỆU SẮC LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG VÔ CẤU RỰC RỠ, SÁNG SẠCH RỌI THẾ GIAN”.

Sắc phân làm hiển sắc [xanh, vàng, đỏ, trắng], hình sắc[lớn, nhỏ, tròn, vuông], và biểu sắc [các tác động của thân và khẩu] v.v… Nay công đức (về) diệu sắc bao gồm cả ba loại này, song căn bổn hơn hết là hiển sắc. Nên diệu sắc ở đây cũng lấy quang sắc[hiển sắc] mà (ta) có thể thấy làm chủ (yếu). Ðó là ánh sáng vô cấu sáng sạch rực rỡ mạnh mẽ, rọi sáng thế gian, thanh tịnh bậc nhất(1).

CHÚ THÍCH 17:

(1)Trên kia nói về hình tướng, dưới này nói về mầu sắc. Tuy phân làm hai nhưng chỉ lấy quang minh để diễn tả mà thôi. Bản thể của Cực Lạc thế giới là quang minh trí tướng vô lượng, thế nên hình tướng và mầu sắc của thế giới này đều thể theo quang minh đó mà trình bày. Không những thế mà kể cả lượng. cả tính, cả mọi sự vật cũng không ngoài tác dụng (tức công đức chân thật) của quang minh ấy hiển hiện.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) XÚC LÀ DO KỆ RẰNG: “CỎ CÔNG ÐỨC BẰNG BÁU, MỀM MẠI CHUYỂN TRÁI PHẢI, CHẠM VÀO SINH THẮNG LẠC, HƠN CA CHIÊN LÂN ÐÀ”.

Xúc là cảm giác bằng thân, (như) thô, tế(1), trơn, sáp, các thứ như thế vậy. Thế giới Cực Lạc, mọi xúc chạm đều (vi) diệu, nay chỉ đề ra cỏ công đức (bằng) báu chất, nghĩa là chỉ lấy một (tính chất) tổng quát làm đại biểu tính mà nêu ra vậy thôi. Cỏ công đức báu chất là loại cỏ do công đức của bẩy báu(2) mà thành, song bẩy báu này không cứng chắc như bẩy báu của thế gian, mà do báu chất mềm mại mà thành, chạm vào tay nghiêng ngả phát sinh (niềm) an lạc thắng diệu, so với ca chiên lân đà còn là hơn nhiều. Ca chiên lân đà là một thứ vải mềm mại trơn láng bậc nhất của Ấn Ðộ, như tơ trơn của Trung Hoa(3).

CHÚ THÍCH 18:

(1) Cảm giác thô là cảm giác mạnh bạo, xúc chạm mạnh hoặc cường độ cảm giác mạnh mẽ. Cảm giác tế ngược lại rất nhẹ nhàng và êm dịu.

(2) Bẩy báu theo Pháp Hoa Kinh đề ra là “Kim, ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, mai côi”. Vô Lượng Thọ Kinh kê ra là “Kim, ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não”. Ðại Trí Ðộ Luận là “Kim, ngân, tỳ lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, xích trân châu”.

(3) Theo Ðàm Loan, Ca chiên lân đà là một thứ cỏ mềm mại bên Ấn Ðộ.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM GỒM CÓ BA LOẠI CẦN PHẢI BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ BA? MỘT LÀ NƯỚC, HAI LÀ ÐẤT, BA LÀ HƯ KHÔNG.

Trang nghiêm nói ở đây, không phải nói cho các thứ hương, hoa, phiên, tràng(1) (để) ở trước Phật. Nay trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc có ba loại: một là trong nước, hai là trên (mặt) đất, ba là trong hư không, đều có chỗ rất thù thắng.

CHÚ THÍCH 19:

(1) Phiên là cờ hiệu, tràng là cờ hay trụ cột có ghi hoặc khắc kinh vào đó

TRANG NGHIÊM (VỀ) NƯỚC LÀ DO KỆ RẰNG: “HOA BÁU NGÀN VẠN LOẠI, CHE KHẮP SUỐI AO HỒ, GIÓ THOẢNG LAY HOA LÁ, QUANG GIAO THOA LOẠN CHUYỂN”.

Trong ao suối đều đầy hoa báu, gió động lá hoa (làm) quang sắc giao thoa (nhau).

TRANG NGHIÊM (VỀ) ÐẤT LÀ DO KỆ RẰNG: “CUNG ÐIỆN CÙNG LẦU GÁC, THẤY KHÔNG NGẠI MƯỜI PHƯƠNG, CÂY TẠP ÐỦ QUANG SẮC, LAN CAN BÁU GIÁP VÒNG”.

Cung điện trên mặt đất của thế giới Cực Lạc, không chướng ngại lẫn nhau, nên có thể thấy mười phương như hư không(1). Lại có nhiều cây tạp lan can chạy giáp vòng quanh.

CHÚ THÍCH 20:

(1) Ý nói thấy khắp các thế giới bất tận trong không gian.

TRANG NGHIÊM (VỀ) HƯ KHÔNG LÀ DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯỢNG BÁU GIAO NHAU, HƯ KHÔNG TRÀN LƯỚI VÕNG, ÐỦ LOẠI LINH VANG HƯỞNG, NGÂN NGA ÂM DIỆU PHÁP”.

Trong hư không có các lưới võng báu giăng ngang nhau, trên võng có (treo) linh, phát ra các âm thanh. Khắp nơi trên thế giới Cực Lạc đều có pháp âm, không giống như thế gian ngũ trược(1)nghe pháp rất khó khăn.

CHÚ THÍCH 21:

(1) Ngũ trược tức năm thứ ô trược, ý nói là bất tịnh. Một là kiếp trược: theo Phật giáo, tuổi thọ của chúng sinh có hai giai đoạn tăng và giảm, tuổi thọ tối thiểu là 10 tuổi và tối cao là 8 vạn 4 ngàn tuổi. Bắt đầu từ 10 tuổi, cứ 100 năm tăng lên 1 tuổi cho đến 8 vạn 4 ngàn tuổi gọi là kiếp tăng, ngược lại từ 8 vạn 4 ngàn tuổi cứ mỗi trăm năm giảm xuống 1 tuổi cho đén khi chỉ còn 10 tuổi gọi là kiếp giảm. Lại vũ trụ có 4 giai kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi một thời kỳ này kéo dài 20 lần kiềp tăng giảm.Vào thời kỳ trụ kiếp, mỗi phen tuổi thọ con người giảm đến 2.000 tuổi thì 4 thứ ô trược kia bắt đầu khởi dậy, và giai đoạn này được gọi là kiếp trược. Hai là kiến trược: các chúng sinh vào giai đoạn kiếp trược bắt đầu khởi lên các thứ kiến hoặc như thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến. Ba là phiền não trược: cũng từ giai đoạn kiếp trược các tư hoặc hay tham sân si dấy thịnh gọi là phiền não trược. Bốn là chúng sinh trược: do hai thứ trược trên, chúng sinh trong giai đoạn kiếp trược trở nên khổ nhiều phước ít, tâm độn thể yếu, dễ sinh khổ báo nên gọi là chúng sinh trược. Năm là mạng trược: do các kết quả trên tuổi thọ của chúng sinh càng ngày càng giảm thiểu cho đến khi chỉ còn 10 tuổi, gọi là mạng trược.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) MƯA LÀ DO KỆ RẰNG: MƯA HOA, Y, TRANG NGHIÊM, VÔ LƯỢNG HƯƠNG HUÂN KHẮP”.

Mưa có nghĩa là từ trời rơi xuống. Mưa hoa, y, trang nghiêm là (từ) trời rơi xuống hương hoa, y áo, cùng các thứ trang nghiêm, (nên) gọi là mưa hoa, y các thức, trang nghiêm. Trong (các thứ) trang nghiêm có vô lượng (thứ) hương, cho dù thuận hay nghịch chiều gió cũng không chỗ nào không huân ướp.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) QUANG MINH LÀ DO KỆ RẰNG: “mẶT TRỜI PHẬT HUỆ SÁNG, SẠCH TRỪ THẾ ÁM SI”.

Quang minh nói ở các phần trên là thuộc quang minh sắc của thế giới vật chất. Còn ở đây là chỉ cho huệ quang của Phật, quang minh thanh tịnh, hệt như mặt trời sáng có thể phá trừ ngu si, hôn ám, mê muội của thế gian. (Ðây) là thuộc quang minh của tâm lý giỏi(1).

CHÚ THÍCH 22:

(1) Dĩ nhiên Phật là vô lượng quang và tận thập phương vô ngại, thế nên thế giới của Ngài đâu cần phải có ánh mặt trời nào khác soi sáng. Mặt khác, quang này lại là trí quang, nên không phải chỉ soi sáng mà còn dẹp sạch si ám vô minh của thế gian nữa. Thật ra các quang minh sắc về hình tướng và diệu sắc ở trên với quang minh ở đây chỉ là một trí quang minh vô ngại của Phật A Di Ðà.  Nó chính là bản thể thanh tịnh của tất cả các công đức của Phật A Di Ðà. Dĩ nhiên theo Ðại thừa, do nhờ Bát Nhã chiếu phá ngã và pháp đều KHÔNG vô tự tính, nên Bát Nhã là gốc rễ của thanh tịnh. Rồi từ Bát Nhã này là căn bản dấy khởi đại bi tâm, trang nghiêm Tịnh Ðộ, thành tựu chúng sinh, mọi việc đều không lìa ngoài Trí Bát Nhã căn bản này. Nhờ vậy lục độ vạn hạnh của Bồ Tát đều trở nên thanh tịnh và hoàn toàn là những công đức chân thật. Như vậy nhờ Bồ Tát mà Bồ Tát tịnh hóa chúng sinh cũng như nhữnghạnh nghiệp của mình, để lấy đó làm tịnh nhân, cho đến khi thành quả thì chính báo của Bồ Tát là Phật thân thanh tịnh, và y báo là Tịnh Ðộ. Do đó phải nói rằng Bồ Ðề tâm là động cơ căn bản của con đường Ðại thừa. Song Bát Nhã trí chính là toàn thể con đường ấy từ khởi điểm đến chung cuộc. Con đường Ðại thừa là con đường thanh tịnh, nhưng không phải cái thanh tịnh của Niết Bàn tịch diệt, mà là sự thanh tịnh hóa toàn thể thế giới và chúng sinh bằng Bát Nhã trí hay trí quang ở đây vậy.

Toàn thể Tịnh Ðộ sở dĩ thanh tịnh viên mãn để được gọi là Tịnh Ðộ, đó là vì bản thể của Tịnh Ðộ (y báo cũng như chính báo) hoàn toàn là trí quang Bát Nhã. Thế nên hình tướng, mầu sắc và quang minh của Cực Lạc đều là một trí quang vô ngại của Phật A Di Ðà mà thôi.

Tác dụng căn bản này của Bát Nhã biến Bát Nhã trở thành căn bản để phương tiện tịnh hóa chúng sinh và cõi nước như phần sau cùng nói: “Bát Nhã nhiếp phương tiện…”.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) DIỆU THANH LÀ DO KỆ RẰNG:”PHẠM THANH NÓI VANG XA, VI DIỆU VỌNG MƯỜI PHƯƠNG”.

Người Ấn tự cho ngôn ngữ của họ do Phạm Thiên truyền lại, gọi là phạm thanh. Phạm thanh ở nước Cực Lạc có thể (vang) đến các nơi xa, không cần lớn tiếng mà có thể đi rất xa, âm thanh này hòa nhã vi diệu, mười phương đều nghe, người nghe (liền) khởi tâm thanh tịnh(1).

CHÚ THÍCH 23:

(1) Theo Ðàm Loan Ðại sư, đây chính là âm thanh của A Di Ðà Phật. Bản văn mà ngài giảng giải đọc câu kệ đầu là phạm thanh ngộ sâu xa (nguyên văn: “Phạm thanh ngộ thâm viễn”). Nhưng có lẽ nên hiểu là bất cứ âm thanh nào trong cõi Tịnh Ðộ thì đúng hơn. Vả lại mọi âm thanh ở đây đều khởi lên từ quang minh trí tướng kia, nên có âm thanh nào lại không phải  là của A Di Ðà Phật và có âm thanh nào lại không khai ngộ thâm sâu đâu? Như A Di Ðà Phật Kinh nói trên Cực Lạc thế giới có nhiều loài chim reo hót và cho đến tiếng gió thổi xào xạc qua lá cây… các âm thanh ấy đều có tác dụng khai ngộ sâu xa cho kẻ nghe đều bị nhiếp tâm về Tam Bảo. Và kinh giải nói: “Các loài chim ấy đều do Phật A Di Ðà này muốn cho pháp âm lan rộng nên biến hóa mà làm ra” (Xem Quán Vô Lượng Thọ Kinh trình bầy còn chi tiết hơn nữa).

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) CHỦ LÀ DO KỆ RẰNG: “A DI ÐÀ CHÍNH GIÁC, PHÁP VƯƠNG KHÉO TRỤ TRÌ”.

Cực Lạc thế giới là một cõi nước (nên) tự nhiên phải có chủ, song không giống như vua chúa ở nhân gian, lấy thống trị là việc làm. Chủ ở đây là chính giác A Di Ðà, tức A Di Ðà Phật [chính giác là nghĩa của Phật]. Pháp vương có nghĩa là được tự tại đối với pháp. Phật A Di Ðà đối với pháp được tự tại. Trụ trì (thì) trụ ở yên bất động, trì là chớng giữ không đổ. Có thể ở yên (trong) Phật Pháp không để cho sụp đổ là trụ trì, như vị phương trượng của một ngôi chùa. Khéo trụ trì là không để cho biến chất vậy. Phật pháp đã đạt đến địcvị cứu cánh, tự (đó) không còn cái gọi là phải tiến bước nữa. Nên những gì đáng sợ chính là xen tạp không còn chính nữa, thế nên phải khéo làm trụ trì để khỏi biến đọa.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC LÀ DO KỆ RẰNG: NHƯ LAI TỊNH HOA CHÚNG, HÓA SINH HOA CHÍNH GIÁC”.

Sinh (vào) thế giới Cực Lạc là do hoa mà sinh [hóa sinh]. Song hóa sinh có nhiều loại, các cõi trời và địa ngục đều là (hóa sinh). Nay hóa sinh này là mượn thai sen mà sinh. Hoa sen có đức tính khác thường, tự bùn ra mà không nhiễm. Quyến thuộc (ở) Cực Lạc hóa sinh như vậy ví cho ý nghĩa từ đời ác năm trược sinh về (cõi) kia mà không nhiễm, nên gọi là “Như Lai tinh hoa chúng”. Vì bất kể cả người có tội, như “đái nghiệp vãng sinh”(1), các độc bệnh phiền não của họ đều một lúc lắng xuống hết, như bệnh sốt rét do thuốc thang mà trấn áp xuống. Nên cái “tịnh” của An Dưỡng [quốc] chính là phiền não đã yên rồi mà chưa đoạn. Nghiệp được mang theo về (cõi này) cũng không phát sinh tác dụng(2). Nay chúng tịnh hoa từ đâu mà ra? Thế nào mới được vào thai sen? Chính là con cái của chính giác [Phật] từ hoa sen mà hóa sinh(3), giống như chúng sinh vốn do cha mẹ sinh vậy, nên đều thành quyến thuộc của A Di Ðà Phật.

CHÚ THÍCH 24:

(1) Có nghĩa là mang theo nghiệp của cõi ác trược này mà sinh về Tịnh Ðộ. Ý nói người nghiệp này vẫn vãng sinh được với một vài điều kiện hết sức dễ dãi như trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh trình bầy về hạ phẩm hạ sinh.

(2) Giải thích như Ấn Thuận Ðại sư ở đây thật sự không hiểu rõ nghĩa Tịnh Ðộ chút nào. Ngài coi cái “tịnh” của Cực Lạc chỉ là trấn áp bệnh xuống mà thôi. Thật ra “tịnh” của cõi kia chính là trí tướng Bát Nhã. Theo Phật giáo chỉ có hai thứ “tịnh” mà thôi, tịnh của Niết bàn tịch diệt và tịnh của Bát Nhã trí chiếu ngã và pháp đều KHÔNG. Ý của Ðại sư muốn nói là cá nhân sinh về đó chưa thật sự đủ tịnh nghiệp, nên được “tịnh” đó chỉ là phiền não nằm yên không sinh tác dụng mà thôi. Tịnh này chỉ là tịnh vay mượn của cõi kia, và Tịnh Ðộ chỉ là chỗ tránh né nghiệp khổ nhất thời vậy. Giải thích này nghe thì có lý, song chỉ biết chú trọng vào sự nghiệp cá nhân mà không hiển rõ liên hệ tính của duyên khởi chút nào.

Cá nhân và nghiệp dĩ của cá nhân không tự có ngoài duyên khởi được. Theo ý nghĩa này, hiện nghiệp mà chúng ta đang mang trong kiếp này không phải là toàn thể ta và thật sự có thật tính. Nguyên lý KHÔNG vô tự tính của tất cả các pháp này là nguyên lý chung cho tất cả từ chúng sinh lên đến Phật, nên đồng thời nó cũng là chỗ nối kết tất cả các pháp lại với nhau, giữa Phật và chúng sinh, giữa Tịnh Ðộ và uế độ, giữa báo độ và hóa độ… Các pháp hiển thể ra hoàn toàn khác nhau tùy theo công đức nghiệp nhân mà thành ra cõi trời, người và các ác đạo… Mỗi thế giới tách biệt không thể xen tạp vào nhau được, vì chúng không cùng chung công đức và phẩm tính của nghiệp nhân. Nhưng chúng lại cùng có chung bản thể KHÔNG hoàn toàn bình đẳng, mà KHÔNG lại tương ưng với Bát Nhã, thế nên các thế giới này có thể qua lại với nhau được một cách dễ dàng qua bản thể KHÔNG của chúng, và dưới sự chứng giám của Bát Nhã trí.

Tịnh Ðộ là hiện thân của Bát Nhã trí, thế nên qua Tịnh Ðộ, tất cả các thế giới khác trong mười phương dù tịnh hay uế đều hiển hiện, đều giao thoa qua lại. Như Quán Vô Lượng Thọ kinh diễn tả: “Trong lọng báu (phát ra từ quang minh của hoa) hiện ảnh tam thiên đại thiên thế giới và tất cả Phật sự. Mười phương cõi Phật cũng hiện ở trong”. Hoặc như là “Mỗi một vẻ đẹp (của A Di Ðà Phật) có 8 vạn 4 ngàn quang minh, mỗi một quang minh chiếu khắp mười phương thế giới…”. Do đó Tịnh Ðộ không phải là một thế giới tách biệt riêng ra ngoài ba cõi, mà nó bao trùm và liên hệ mọi cõi đến mức vô lượng (cứu cánh tựa hư không, rộng lớn không bờ bến). Ở đây ý nghĩa vãng sinh không phải là trốn tránh nghiệp báo mà là thể nhập vào thật tính KHÔNG của nghiệp báo và phát hiện tác dụng vô lượng bất khả tư nghì (hiện thân qua Cực Lạc thế giới) của thật tính KHÔNG của nghiệp báo vậy.

Tóm lại phải có nghiệp báo mới vãng sinh được. Tại sao vậy? Vì nghiệp báo chỉ là duyên khởi, mà duyên khởi chỉ là KHÔNG vô tự tính. Nên có nghiệp báo mới có duyên khởi, có duyên khởi mới có KHÔNG, và có KHÔNG mới có sự liên hệ làm một với Cực Lạc (hiện thân của KHÔNG trí). Nếu diệt nghiệp báo ắt thành “tịnh” của Niết Bàn tịch diệt cá nhân mà thôi. Và sự vãng sinh ở đây chỉ là thể hiện ra mối liên hệ giữa uế và tịnh bình đẳng đều KHÔNG vô tự tính. Bình đẳng nên chỉ cần sự chấp nhận (tức tín tâm) là sinh chứ không cần tu tập đủ thứ theo lối cá nhân chấp ngã.

(3) Ðã biết bản thể của cõi này và chúng sinh cõi này là quang minh trí tướng, nghĩa là thuần tâm thức thanh tịnh song nhiếp trọn toàn thể các pháp kể cả tâm lẫn sắc. Do đó sinh Cực Lạc dĩ nhiên phải hóa sinh. Còn thai srn đó là phương tiện nâng đỡ của A Di Ðà Phật trong tiến trình độ sinh vậy.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) THỌ DỤNG LÀ DO KỆ RẰNG: “YÊU THÍCH PHẬT PHÁP VỊ, THIỀN TAM MUỘI MÓN ĂN”.

Thế giới Cực Lạc cũng có thọ dụng, song không giống như (cách) ăn uống của thế tục. Ðồ ăn là dùng các phẩm vật dinh dưỡng để duy trì sinh mạng. Như các vật độc không được gọi là đồ ăn. Vị Phật pháp tức là Pháp hỉ(1), thiền tam muội là thiền duyệt(2), cả hai đều là đồ ăn (thuộc về) pháp. Thiền là tĩnh lự, có định có huệ. Tam muội là đẳng trì(3) tức là nghĩa của định, có nghĩa là bình đẳng giữ tâm không hề tán loạn cũng không hề sôi động. Huệ mệnh(4) của đại chúng ở Cực Lạc dùng định (và) huệ để nuôi lớn, nên lấy định huệ mà thọ dụng.

CHÚ THÍCH 25:

(1) Pháp hỉ tức niềm vui sướng hân hoan do sự thấu hiểu Phật pháp mang lại.

(2) Thiền duyệt là niềm an lạc có được do thiền định đưa lại.

(3) Ðẳng trì: đẳng là bình đẳng, trì là giữ vững. Giữ tâm vững chắc trong một trạng thái liên tục lâu dài là đẳng trì.

(4) Người theo Phật pháp lấy trí huệ làm thân mạng nên gọi là huệ mệnh.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC (TAI) NẠN LÀ DO KỆ RẰNG: “LÌA XA THÂN TÂM NÃO, THƯỜNG THỌ LẠC KHÔNG NGƯNG”.

Bất kể khổ não (của) thân (hay) tâm, thế giới Cực Lạc đều không hề có. Vì thân nơi đó là hóa sinh, nên không có cái khổ của nhục thân. Lại phiền não không khởi, nên không có tâm não. Thường thọ các lạc, cũng không có các vấn đề của con người.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) ÐẠI NGHĨA MÔN LÀ DO KỆ RẰNG: “ÐẠI THỪA THIỆN CĂN GIỚI, BẰNG, KHÔNG DANH XẤU XA, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN KHUYẾT, GIỐNG NHỊ THỪA KHÔNG SINH”. QUẢ BÁO TỊNH ÐỘ LÌA HAI LOẠI LỖI XẤU XA CẦN PHẢI BIẾT: MỘT LÀ THỂ, HAI LÀ DANH. THỂ CÓ BA LOẠI: MỘT LÀ NGƯỜI NHỊ THỪA, HAI LÀ NGƯỜI NỮ, BA LÀ NGƯỜI KHÔNG ÐẦY ÐỦ CÁC CĂN. KHÔNG BA LỖI LẦM ẤY, GỌI LÀ “LÌA (SỰ) XẤU XA (VỀ) THỂ”. DANH CŨNG GỒM BA LOẠI: LÀ DO KHÔNG NHỮNG KHÔNG CÓ BA THỂ, MÀ CHO ÐẾN CÒN KHÔNG NGHE ÐẾN TÊN CỦA BA LOẠI NHỊ THỪA, NGƯỜI NỮ VÀ KHÔNG ÐỦ CÁC CĂN (KIA), NÊN GỌI LÀ “LÌA (SỰ) XẤU XA (VỀ) DANH”. BẰNG LÀ DO BẰNG NHAU MỘT TƯỚNG.

Ðại nghĩa nôm là Ðại thừa nghĩa nôm(1) vậy. Người sinh (về) An Dưỡng (quốc) đều lấy thiện căn của Ðại thừa làm nhân [giới], bình đẳng và không có các danh xấu xa(2). Những gì gọi là có (bản) thể xấu xa tức chỉ cho người nữ, căn khuyết và nhị thừa – Thanh Văn và Duyên Giác. Thế giới Cực Lạc không phải chỉ có ba loại người này mà còn không (có) cả ba loại danh ấy nữa, bởi (tất cả) đều bình đẳng một tướng vậy. Theo đó, Thanh Văn , à thế giới Cực Lạc có, chính là dùng thân Thanh Văn (song) hồi tâm (về) Ðại thừa để mà sinh vào (đây), hoặc là do Phật thị hiện để trang nghiêm Tịnh Ðộ(3) chứ không hề phải (rằng là) Cực Lạc Quốc độ mà còn có hai thừa vậy.

CHÚ THÍCH 26:

(1) Phật pháp tổng quát gồm hai môn là Tiểu thừa và Ðại thừa. Tịnh Ðộ thuộc về ý nghĩa của môn Ðại thừa, nên gọi là “đại nghĩa môn”.

(2) Hán văn: cơ hiềm danh. Ðúng nghĩa cơ hiềm là chỉ trích, chê bai.

(3) Trang nghiêm Tịnh Ðộ, tức làm đẹp đẽ cho Tịnh Ðộ, làm cho Tịnh Ðộ không bị ai chỉ trích hết. Chữ bằng là bình đẳng (Hán văn là “đẳng”). Vì thế tính của tất cả chúng sinh nơi Tịnh Ðộ này đều lấy quang minh làm thể, nên bình đẳng trên phương diện thật tính đều KHÔNG vô tự tính, và trên phương diện hiện tướng thời đều có tướng, sắc và quang minh là công đức chân thật từ Phật A Di Ðà. Do đó nói không có người nữ, căn khuyết và người thuộc nhị thừa, không có nghĩa là các người đó không được vãng sinh, mà là khi sinh về Cực Lạc rồi thì tất cả đồng bình đẳng một tướng, tức quang minh trí tướng của A Di Ðà Phật.

Nhưng phải hiểu trí tướng này vốn vô tướng (sắc tức thị KHÔNG), và đồng thời lại là tất cả tướng (KHÔNG tức thị sắc), thế nên phải hiểu chúng sinh sinh về đó đồng một thật tướng KHÔNG bình đẳng, song mỗi vị vẫn giữ lấy tướng riêng của mình tùy theo nguyện. Tại sao dám nói như vậy? Bởi chính các chúng sinh tự là KHÔNG, tự là tự thể Bát Nhã vậy. Do đó khi Bát Nhã hiển hiện, tác dụng của Bát Nhã không hề trở ngại hay phá hủy hiện tướng của chúng sinh.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (VỀ) TẤT CẢ CÁC CẦU MONG LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG SINH BAO ƯỚC MUỐN, TẤT CẢ ÐỀU ÐẦY ÐỦ”.

Ðây là sự thành tựu lớn lao nhất của thế giới Cực Lạc, bởi nơi đây có thể thỏa mãn tất cả các nguyện cầu của chúng sinh, như ngọc Ma Ni vậy. Cực Lạc tuy tốt đẹp, như mọi loại hoa hương trang nghiêm, bẩy báu đầy đất, (song nều) không hợp (với) nguyện cầu của chúng sinh thì cũng là vô dụng thôi. Nên câu này là tối trọng yếu. Bởi nó nói lên trọn vẹn sự viên mãn của công đức lợi mình lợi người của Phật A Di Ðà vậy(1).

CHÚ THÍCH 27:

(1) Theo Thế Thân Bồ Tát, phần này nói về công đức lợi tha của A Di Ðà Phật. Nhưng cũng đồng thời là xác định rằng chỉ có Cực Lạc thế giới mới là độ sinh chân chính và đúng nghĩa Ðại thừa nhất. Bởi tất cả các vui thích mà chúng sinh ao ước đều được thỏa mãn đầy đủ. Câu kệ này đường như không hề lựa chọn ra một thứ ao ước đặc biệt nào đó, như Niết Bàn, giải thoát, giác ngộ… mà chỉ nói tất cả các ao ước đều mãn nguyện. Chứng tỏ về từ bi, vì quan tâm đến mọi ao ước và thỏa mãn đủ mọi ao ước của chúng sinh, nên từ bi viên mãn; về trí huệ, không phân biệt mong cầu nhỏ bé hay ước nguyện to tát, tất cả đều bình đẳng trí tướng, nên trí huệ viên mãn. Do đó nên dưới đây nói “cõi kia của Phật Vô Lượng Thọ là cảnh giới vi diệu thuộc đệ nhất nghĩa đế”.

LƯỢC NÓI (XONG) VỀ 17 LOẠI CÔNG ÐỨC (DÙNG) TRANG NGHIÊM CÕI NƯỚC CỦA PHẬT A DI ÐÀ KIA DO HIỆN BÀY (RA) SỰ THÀNH TỰU CỦA LỰC ÐẠI CÔNG ÐỨC LỢI ÍCH (CHO) TỰ THÂN CỦA NHƯ LAI VÀ SỰ THÀNH TỰU CỦA CÔNG ÐỨC LỢI ÍCH (CHO) NGƯỜI KHÁC. SỰ TRANG NGHIÊM CÕI CỦA PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ KIA (LÀ) CẢNH GIỚI (VI) DIỆU (THUỘC) ÐỆ NHẤT NGHĨA ÐỂ, MƯỜI SÁU CÂU VÀ MỘT CÂU TUẦN TỰ NÓI (RA), CẦN PHẢI BIẾT.

Thế giới Cực Lạc trang nghiêm tuyệt hảo là sự thành tựu công đức lợi mình lợi người của Phật. Cảnh giới này không phải tục đế mà có thể thấu rõ được.Ví như (cõi kia) nói xanh, vàng, đỏ, trắng, mềm mại, đều chẳng phải như thế gian (thường) hiểu, bởi cảnh giới của thế gian là do vọng thức mà nhận biết. Ðế là mọi người (đều) công nhận. Tục đế tuy do thế tục (đều) công nhận, song không phải là sự hiểu biết chân thật. Nếu (là) đệ nhất nghĩa đế(1) [còn nói là thắng nghĩa đế], chính là cảnh giới đặc thù do thánh nhân lìa phiền não mà chứng được. Thật tướng được thấy (nơi cõi đó) tuy là không có hai, không khác biệt, nhưng các dị tướng đủ loại vẫn cứ đầy khắp khác biệt. Như đủ loại sự tướng hiển hiện nơi thế giới Cực Lạc, chính là cảnh giới tức lý mà sự, sự lý vô ngại, chẳng phải vọng thức của người tục mà có thể thấu tỏ được, mà là chỗ quán của Bát Nhã của Bồ Tát vậy. Mười sáu câu và một câu là: mười sáu câu đầu là công đức tự lợi, câu cuối là thành tựu công đức lợi người, bên trên đã y theo thứ tự mà nói ra (hết rồi).

CHÚ THÍCH 28:

(1) Ðệ nhất nghĩa đế (paramärtha-satya) luôn luôn đi đôi với thế (tục) để (samvŗti-satya). Parama có nghĩa là đầu tiên, trên hết (Hán dịch là đệ nhất và thắng),tối thượng. Artha là ý nghĩa. Paramärtha (parama + artha) được dịch là đệ nhất nghĩa đế hay thắng nghĩa. Satya là sự thật, dịch là đế.Sự phân biệt chân lý (satya) thành hai loại đã được đề cập đến trong kinh hệ Bát Nhã và Tiểu thừa luận, song phải đến long Thụ (Nägârįuna) thì ý nghĩa về hai đế mới được nhấn mạnh và trở nên căn bản cho mọi tìm hiểu về Phật giáo.

Ðệ nhất nghĩa đế là sự thật tối thượng hay chân lý tuyệt đối thế nên nó phải là ý nghĩa cứu cánh của Phật giáo, hơn hết phải là của Ðại thừa Phật giáo. Ý nghĩa cứu cánh đó chính là tính KHÔNG của Bát Nhã trí thuộc Ðại thừa. Tịnh Ðộ do trí quang của A Di Ðà Phật làm thể mà hiển hiện ra theo nguyện của Ngài, nên Tịnh Ðộ dĩ nhiên phải thuộc về đệ nhất nghĩa đế.

B-Quán sự trang nghiêm (do) công đức (của) Phật.

THẾ NÀO LÀ QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU (VỀ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC (THUỘC VỀ) pHẬT? QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC (THUỘC VỀ) PHẬT GỒM CÓ TÁM LOẠI CẦN BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ TÁM LOẠI? MỘT LẢ TRANG NGHIÊM TÒA, HAI LÀ TRANG NGHIÊM THÂN, BA LÀ TRANG NGHIÊM KHẨU, BỐN LÀ TRANG NGHIÊM TÂM, NĂM LÀ TRANG NGHIÊM CHÚNG, SÁU LÀ TRANG NGHIÊM THƯỢNG THỦ, BẨY LÀ TRANG NGHIÊM CHỦ, TÁM LÀ TRANG NGHIÊM KHÔNG UỔNG LÀM TRỤ TRÌ.

Trước hết nêu ra quán về tám loại trang nghiêm công đức của Phật, dưới đây là giải thích riêng (từng phần).

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM TÒA? LÀ DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯƠNG VUA BÁU LỚN, ÐÀI HOA SẠCH VI DIỆU”.

Nay quán Phật, trước từ tòa mà quán lên. Tòa Phật của Tiểu thừa chỉ là có cát tường (1), (còn) Phật thì lấy tướng lão Tỳ khưu. Ðại thừa không như vậy. Tòa của ngài trang nghiêm bằng bẩy báu, khác nhau đủ thứ (như vậy), là vì cảnh giới của chúng sinh mỗi thứ mỗi khác. Nay quán tòa của Phật là đài hoa sen thanh tịnh vi diệu do vô lượng báu lớn làm thành. Ðài này do Bồ Tát thập địa(2) thành Phật mới ngồi. Tòa tại sao lại là hoa sen? Một là hoa mọc lên khỏi bùn dơ mà không nhiễm, hai là hoa sen có trái: hoa là nhân, trái là quả. Dùng nhân [hoa] tu hành thanh tịnh mà kết thành quả Phật. Tòa hoa này, kinh khác nói là một đóa hoa sen báu chúa mầu hồng lớn, tưởng trưng cho tâm con người, (ý nói) Phật nhân tu tâm mà thành. Tâm này là tâm hư vọng, song tu hành vẫn không rời vọng tâm này, (cho đến khi) lìa tâm vọng tức hiển tâm chân, hiện thành Phật đạo, nên Ban Châu Tam muội Kinh có nói: tâm này làm Phật, tâm này tức tâm Phật.

CHÚ THÍCH 29:

(1)Truyền thuyết nói Thích Ca Mâu Ni Phật khi kết tòa ngồi đạo tràng để thành Phật, có đồng tử tên Cát Tường dâng cỏ này lên cho Phật trải tòa mà ngồi, nên gọi là cỏ Cát Tường. Phạm ngữ là Kusa, phiên âm Cô Xà, Câu Thư…

(2) Thập địa tức địa thứ mười pháp vân địa (Dharmamegha-Bhūmi), địa cuối cùng của Bồ Tát trước khi thành Phật. Pháp (Dharma) tức các pháp thuộc đệ nhất nghĩa, vân (megha) là mây, hình ảnh biểu tượng cho tất cả các pháp nghĩa đệ nhất, các công đức chân thật tối thượng đều tụ về (nơi vị Bồ Tát ở địa này), kết lại như mây để mưa cam lồ pháp đó xuống cứu độ toàn thể chúng sinh.

Về tòa sen xin xem chi tiết phần quán về hoa tòa trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM THÂN? LÀ DO KỆ RẰNG: “TƯỚNG ÐẸP RẠNG MỘT TẦM, SẮC TƯỢNG VƯỢT QUẦN SINH”.

Tướng là những gì dễ thấy hiển hiện đặc biệt trên thân, như tướng lông trắng giữa đôi lông mày này nọ. Ðẹp là những gì tinh vi của tướng, có nghĩa là 32 tướng, 80 vẻ đẹp, chính là tướng đẹp của hóa thân Phật. Nếu là chân thân Phật [như trong Hoa Nghiêm Kinh nói] ắt có vô lượng tướng, vô lượng đẹp. Nay nêu lên một tướng trong 32 tướng căn bản, gọi là tướng thường quang, vì tướng này thường hiện diện, không phải như (hào) quang được phóng ra đặc biệt khi (hiển) thần thông, hay khi nói pháp. Một tầm là tám thước, thật ra là một trượng(1). Ánh sáng của Phật chiếu khắp cõi mười phương, sao lại chỉ nói có một tầm? Ví như lửa đuốc, nguổn sáng chỉ một điểm mà ánh sáng đầy cả phòng, nghĩa ấy là vậy. Sắc tượng là thân dáng có hình có sắc vậy. Sắc tượng vi diệu, trên hẳn tất cả chúng sinh.

CHÚ THÍCH 30:

(1) Một trượng là 10 thước. Thước đây là thước tàu, bằng 1/3 mét. Nếu nói một tầm là 8 thước, thì bằng 8/3 mét, còn cho là một trượng thì là 10/3 mét.

Về quán thân Phật, xem chi tiết trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM KHẨU? LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ LAI TIẾNG VI DIỆU, ÂM PHẠM VỌNG MƯỜI PHƯƠNG”.

Âm thanh của Như Lai vi diệu, trong tạng kinh có một kinh chuyên tán thán ba (thâm) mật của Như Lai (là) vi diệu, nói rằng người nghe không phân xa hay gần, (âm) thanh của Ngài đều rõ ràng phân minh, như ngay bên tai. Bí mật nọ quả là không thể nghĩ bàn! Lại có thể tùy theo người nghe pháp, tùy căn cơ (của họ) mỗi người mỗi khác. Hoặc (có người) nghe (thấy) là nói về không, hoặc (có người) nghe (thấy) là nói về có, (chứ) không phải chỉ âm thanh mềm mại dễ nghe mà thôi.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM TÂM? LÀ DO KỆ RẰNG: “ÐỒNG ÐẤT, NƯỚC, LỬA, GIÓ, HƯ KHÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT”. KHÔNG PHÂN BIỆT LÀ KHÔNG CÓ TÂM PHÂN BIỆT VẬY.

Tâm Phật như đất, không phân sạch dơ nặng nhẹ, (cứ) một thể (của mình) mà gánh vác, như nước, lửa, gió, hư không, bình đẳng (đối với tất cả) không phân biệt. Chúng sinh khởi tâm là phân biệt ngay. (Còn) Phật thì chẳng luận khen chê, đều không phân biệt. Song hiểu như thế, vẫn chỉ là theo sự tướng mà hiểu Như Lai thôi. Thật ra tâm Phật lẽ nào lại không nhận biết, sao có thể lại so sánh cùng với đất, nước, gió, lửa và hư không? Cho nên lấy gương mà ví dụ thì (ý nghĩa của) tâm Phật sẽ dễ sáng tỏ (hơn). (Như gương, cảnh) lại thì rành rành phân minh, (cảnh) đi (khỏi) thì chẳng lưu chút dấu vết; (lại) cũng như tâm chiếu (một cách) vô dục, cứ là không lúc nào không chiếu, không vật gì chiếu, không phải như gỗ đá mà nên không phân biệt vậy. Nay Phật cớ gì lại như vậy? Ra vì tâm không phân biệt có hai loại: một là định tâm, một là huệ tâm. Phàm phu không biết (đến) định cảnh. (Còn) người đắc định, do tinh thần tập trung, (nên) vọng niệm ngưng nghỉ, ban đầu còn chợt có vọng niệm ập lại, sau dần (các)thô phân biệt ngưng, tế phân biệt vẫn còn, tu nữa thời tế phân biệt cũng không còn, bèn tự cho rằng đã được “không phân biệt”, thật ra không phải vậy. Không phân biệt của Phật là từ trong định mà tu quán, thông đạt tất cả các pháp không có tự tính, (rồi) đắc trí không phân biệt mà ra. Như thế không phân biệt mà không gì không biết, trong kinh có lấy trống trời tự kêu để làm thí dụ, chính là (ý nghĩa) đây vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM CHÚNG? LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG TRỜI, NGƯỜI, BẤT ÐỘNG, BIỂN TRÍ THANH TỊNH SINH”.

Chúng bất động là một loại cõi trời cao cấp, vốn do hoặc nghiệp bất động mà sinh. Nghiệp bất động tức là nghiệp định, (do) tu tứ thiền, bất định(1) mà đắc. Mới sinh vào trời này, cũng (còn) có tán tâm, (khi) lâm chung cũng vậy(2).Song trong khoảng trung gian thì thường ở trong định, không phải như sáu cõi trời dục(3), chính đây gọi là chúng bất động(4). Thường thì chúng sinh tu hành, trước khi chưa thành Phật, đều qua lại trong khoảng (cõ) trời và người, nên tuy sinh Cực lạc, vẫn còn đủ tướng (của trời) trời và người, song do biến trí thanh tịnh mà sinh. Ðiều này trong tiết thành tựu công đức quyến thuộc trước đã có nói qua. Nếu là phàm phu thông thường thì vốn là do hoa chính giác [biến trí thanh tịnh của Phật] (mà) hóa sinh, còn các Ðại Bồ Tát, vốn đã đắc trí thanh tịnh, thì là do biến trí thanh tịnh của bản thân mà chuyển sinh.

CHÚ THÍCH 31:

(1) Bát định là tám thứ định, đó là kể luôn tứ thiền của sắc giới gộp vào với tứ định của vô sắc giới mà gọi thành bát định.

(2) tức cũng có tám tâm. Bởi chết có nghĩa là công đức của kiếp sống đến chỗ diệt tận, nên nhữhng chúng sinh tu “bất động” nghiệp khi chết tức là công đức “bất động” chấm dứt, tâm trở thành tán động trở lại.

(3) Sáu cõi trời dục vì vẫn thuộc dục giới nên chưa thuộc về định nghiệp bất động kia vậy.

(4) Theo Ðàm Loan, bất động không phải là một chúng riêng biệt như Ấn Thuận Ðại sư giải thích ở đây. Ngài cho rằng trời, người ở trên cõi Cực Lạc do vì tín căn vào Ðại thừa không hề thối chuyển, nên gọi là bất động vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM THƯỢNG THỦ?  LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ TU DI NÚI CHÚA, THẮNG DIỆU KHÔNG GÌ HƠN.

Thượng thủ là những người có học có đức, bất kể đi đứng nằm ngồi đều ở địa vị chủ tịch thì gọi là thượng thủ. Các đại đệ tử trong số đệ tử, như thượng thủ của Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thượng thủ của Phật Tỳ Lô Giá Na là Văn Thù và Phổ Hiền. (Còn ở) thế giới Cực Lạc là Quàn Thế Âm và Ðại Thế Chí. Thượng thủ là y như trợ giáo, là trợ (giúp) Phật giáo hóa (chúng sinh). Thượng thủ ở đây như núi Diệu Cao, vi diệu vượy bậc không gì sánh (được). Ðem núi ra làm ví dụ, một là bởi (các Ngài) cao lớn, hai lả bởi bất động.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM CHỦ? LÀ DO KỆ RẰNG: “TRỜI, NGƯỜI, TRƯỢNG PHU CHÚNG, CHIÊM NGƯỠNG KÍNH VÂY QUANH”.

Trượng phu chúng, bởi Cực lạc không có người nữ vậy. Vây quanh là nhiễu quanh Phật, hoặc một vòng, hoặc ba vòng, vốn là cách lễ của Ấn Ðộ biểu thị cung kính vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM KHÔNG UỔNG LÀM TRỤ TRÌ? LÀ DO KỆ RẰNG: “QUÁN PHẬT BỔN NGUYỆN LỰC, GẶP KHÔNG UỔNG QUA KHÔNG, KHIẾN ÐƯỢC MAU ÐẦY ÐỦ, BIỂN LỚN CÔNG ÐỨC BÁU”.

Nói pháp (mà) không thể động (được) chúng, tức là uổng làm trụ trì (vậy). Bổn nguyện lực của Phật là khẩn yếu nhất. Không có nguyện lực này, tuy chúng sinh có nguyện, cũng không được vãng sinh. Do nhờ nguyện của Phật, chúng sinh vãng sinh vào nước kia, liền được không thối chuyển. (Như thế chính là) chẳng uổng làm trụ trì, vì cứu cánh (chúng sinh) sẽ thành Phật. Bổn nguyện của Phật là thành lập một thế giới thanh tịnh nhất, trang nghiêm nhất, để lợi lạc cho chúng sinh. Thật ra trên cầu Phật đạo, dưới (giáo) hóa chúng sinh, là bổn nguyện của tất cả Bồ Tát. (Về) tâm Bồ Ðề này thì Phật (với) Phật đều cùng đạo. Chỗ không đồng (giữa) các Ngài là ở chỗ tiểu tiết. Như bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Ðà, (so) với nguyện của Phật Dược Sư thì có chỗ không đồng. Bốn mươi tám nguyện này, tóm lại mà nói có hai điểm quan trọng: một là người đến thế giới Cực Lạc, ai ai cũng sẽ như vậy như vậy, một nữa là khi họ muốn đến, chỉ cần niệm Phật thì sẽ được Phật đến tiếp đón lúc lâm chung, ngay đến mười niệm cũng được sinh, nên có thể chẳng phân chúng sinh sạch hay dơ, đều được nhiếp thọ, không vậy thời tâm chúng sinh đục, làm sao nương được vào lực tự niệm Phật mà được sinh Tịnh Ðộ? Song (nhờ) nương lực của Phật mới được như vậy, cho nên (Phật) không uổng làm trụ trì vậy. Chúng sinh (dù) thấy hóa thân của Phật, (cũng) có kẻ luống (uổng) qua không. Như đời Phật Thích ca, những người theo Phật xuất gia mà còn đến mức có kẻ đọa địa ngục. Song nếu như thấy được Phật thật báo trang nghiêm(1), như A Di Ðà (Phật), thời chằc chắn không luống qua không, chắc chắn được thành tựu.

CHÚ THÍCH 32:

(1) Theo quam điểm về ba thân Phật của Ðại thừa thì Thích Ca Mau Ni Phật chỉ là hóa thân Phật mà thôi. Báo thân của chư Phật rất lộng lẫy trang nghiêm, vì đó là thân chân thật, là kết quả chân thật tương xứng với vô lượng công đức, vô lượng trí huệ mà Phật đã học đã hành trong ba vô lượng kiếp, dĩ nhiên báo thân như vậy phải rực rỡ vi diệu tối thượng, còn hóa thân là do tương ưng với bì nguyện mà thị hiện ra (vô lượng thân) theo căn cơ của chúng sinh để thị hiện Phật pháp độ sinh. Do đó báo thân mới là chân thân thật của chư Phật hết sức trang nghiêm. Và chỉ có báo thân và báo độ mới là chân thật độ sinh. Bởi hóa thân chỉ là hình ảnh của chư Phật thể hiện ra qua nghiệp lực và nghiệp tính (tham sân si) của chúng sinh, thế nên hóa thân chỉ có nhiệm vụ duy nhất là khơi lên lòng tin của chúng sinh vào báo thân và báo độ, và chỉ khi nào chúng sinh nhập vào báo độ gặp báo thân thì lúc đó chúng sinh mới đúng nghĩa là được cứu độ.

Tuy nhiên ý nghĩa về ba thân của Ðại thừa không công thức máy móc một cách giản dị như vậy. Vì sự liên hệ giữa ba thân trên căn bản tính KHÔNg và Bát Nhã khiến mỗi một thân, một độ đều hàm ý viên dung bất khả tư nghỉ, khiến Ðại thừa cũng trở nên bất khả thuyết là vậy.

NGHĨA LÀ (DO) GẶP PHẬT KIA, BỒ TÁT CHƯA CHỨNG TỊNH TÂM, RỐT CUỘC SẼ ÐẮC PHÁP THÂN BÌNH ÐẲNG, CÙNG VỚI BỒ TÁT TỊNH TÂM KHÔNG KHÁC; (CÒN) BỒ TÁT TỊNH TÂM (SẼ) CÙNG VỚI CÁC BỒ TÁT THƯỢNG ÐỊA, RỐT CUỘC CÙNG ÐƯỢC TỊCH DIỆT BÌNH ÐẲNG.

Bồ Tát sơ địa đắc tịnh tâm vô lậu. Bồ Tát địa tiền (tức) thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng đều chưa đắc tịnh tâm. Ðắc pháp thân bình đẳng có nghĩa là thông đạt chân lý cứu cánh của tất cả các pháp, bát nhã hiện tiền tương ưngvới chân lý. Ở đây cho rằng pháp thân người người đều có phần, đành vậy song chưa đến (mức) chứng ngộ tức là chưa đắc, như sản nghiệp của cha mẹ, các con ai nấy đều có phần, song chưa thừa tự (thì) rồi ra (vẫn là) chưa đắc được. Ðây nói Bồ tát chưa chứng tịnh tâm [khai ngộ] gặp Phật (sẽ) đắc pháp thân bình đẳng, sẽ không khác gì so với Bồ Tát tịnh tâm, là ví dụ như tài sản của người khác, tuy chẳng phải của mình có, (song) nếu được ân chủ nhân mời mọc, thì cũng dùng hưởng không khácgì chủ nhân. Phật lực vô biên, ngay trong kinh (nói về) Phật Thích ca cũng có rất nhiều các sự tích kiểu như vậy. (Do) Phật lực gia bị, thời phàm phu có thể được thiên nhân. Nay người sinh Tịnh Ðộ tuy chưa tịnh tâm, đến đó liền giống với Bồ Tát tịnh tâm. Mà Bồ Tát tịnh tâm ở sơ địa cũng bình đẳng so với các Bồ Tát thượng địa khác từ nhị (đến) thập địa, bởi rốt cuộc đồng đắc tịch diệt(1).

CHÚ THÍCH 33:

(1) Theo Ðàm Loan Ðại sư chưa chắc tịnh tâm là các Bồ tát đăng địa (chứ không phải là địa tiền như Ấn Thuận Ðại sư giảng), từ sơ địa (tức “Hoan Hỉ địa”) lên đến thất địa (tức địa thứ bẩy, “Viễn Hành địa”).

Thật ra khó mà xác định tịnh tâm này theo các tầng bậc thứ đệ của Bồ Tát đạo. Chỉ biết ở đây Thế Thân Bồ Tát xác định là đắc tịnh tâm thì sẽ đắc được pháp thân bình đẳng. Bình đẳng là chỗ thấy của Bát Nhã trí đối với các pháp (vì các pháp đều là KHÔNG vô tự tính) trên phương diện bản thể hay tự tính Pháp thân là chỗ chiếu của Bát Nhã trí hiển hiện các pháp ( vì KHÔNG tức là tất cả các pháp) trên phương diện hình tượng hay tác dụng. Như vậy tịnh tâm chính là Bát Nhã trong giai đoạn chiếu phá ngã và pháp đều KHÔNG, tức xóa hết mọi giới hạn của cá nhân.

Phật A Di Ðà là hiện thân viên mãn của trí quang Bát Nhã, thế nên gặp Phật sẽ đắc pháp thân bình đẳng đã đành rồi. Song Ấn Thuận Ðại sư cho rằng đắc này là dựa theo người khác (tức Phật) mà được chứ không phải tự được (như Bồ Tát đã chứng tịnh tâm). Thí dụ của Ðại sư đưa ra rất rõ ràng. Vậy vấn đề là: một phàm phu (chưa tịnh tâm) sinh về Cực Lạc đắc pháp thân bình đẳng, so với một Bồ tát tịnh tâm cũng đắc pháp thân bình đẳng song ở tại cõi này, hai chỗ đắc ấy có bằng hay y hệt nhau hay không? Ấn Thuận Ðại sư cho là chỗ đắc thì là một, song một đằng tự đắc, còn một đằng dựa vào người khác (túc “tha lựa”) mà đắc, nói cách khác là đắc “nhờ”!

Hiểu như Ðại sư thì việc “vãng sinh” mất hết mọi ý nghĩa. Vãng sinh như thế chỉ như đến nhà người khác thăm chơi, trước sau gì vẫn là nhà người ta, mình chỉ được chủ nhân tử tế thì hưởng thụ đôi chút, rồi ra thì chả được chút gì thật sự là của mình! Mọi ý nghĩa “lợi tha” của Tịnh Ðộ còn gì nữa? Lại nữa, còn gì chuyển đổi căn bổn nghiệp của hữu tình cho bằng phút chuyển sinh? Và có gì thành tựu hữu tình ngoài nhân duyên? Trong Tịnh Ðộ toàn thể nhân duyên (gồm y báo và chính báo) đều là “chính đạo, đại từ bi, xuất thế thiện căn”, rồi hữu tình đâu có mang hiện nghiệp mà bước vào Tịnh Ðộ đâu, trái lại phải chờ đến lúc chết tức dứt hiện nghiệp đó mới vãng sinh, lấy hẳn một gốc rễ, một sở y hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn thanh tịnh. Ðã là chúng sinh của cõi nào thì nghiệp của cõi đó chính là mình, chính là gia sản của mình. Hiểu theo nghĩa sinh về Tịnh Ðộ để “hưởng”, để “nhờ” thật hoàn toàn lầm lẫn.

Ðoạn sau chính văn nói “Bồ Tát tịnh tâm cùng các Bồ Tát thượng địa, cùng được tịch diệt bình đẳng” (có lẽ chính chữ “thượng địa” ở đây mà Ấn Thuận Ðại sư mới cho rằng các Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm là thuộc địa tiền thập trụ, thập hạnh và hồi hướng). Tịch diệt vẫn là ý nghĩa chính của Niết Bàn. Bồ Tát thượng địa khi chưa bổ vào địa vị Phật thì vẫn lấy cứu cánh là Niết Bàn (như Tâm Kinh nói: Bồ Ðề Tát Ðỏa y Bát Nhã Ba La Mật Ða Cố tâm vô quái ngại… cứu cánh Niết Bàn”). Nhưng vì Bồ Ðề tâm, nên Bồ Tát sẽ không xả phiền não chúng sinh để chứng Tịch diệt” giải thoát” (tức Niết Bàn thuộc Tiểu thừa). Trái lại lại chứng lấy tất cả các pháp bình đẳng một tướng tịch diệt vậy. Ðây là Niết Bàn ngay tại thế gian.

Ðàm Loan Ðại sư lấy lý lẽ là Bồ Tát ở địa thứ bẩy tức “Viễn hành địa” đắc đại tịch diệt nên cho rằng Bồ Tát tịnh tâm phải từ địa thứ bẩy trở lên và chưa tịnh tâm là Bồ Tát từ sơ địa trở lên, và từ địa thứ bẩy trở xuống.

LƯỢC NÓI TÂM CÂU, THỊ HIỆN SỰ THÀNH TỰU TUẦN TỰ (VỀ CÁC SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC, (NHẰM) LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI CỦA NHƯ LAI, CẦN PHẢI BIẾT.

Ðây là tóm kết. Bẩy câu trước là lợi mình, câu sau cùng là lợi người.

C- Quán sự trang nghiêm (do) công đức của Bồ Tát.

THẾ NÀO LÀ QUÁN (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ÐỨC (THUỘC VỀ) BỒ TÁT? QUÁN (SỰ) TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC (THUỘC VỀ) BỒ TÁT LÀ QUÁN CÁC BỒ TÁT KIA CÓ BỐN LOẠI THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ÐỨC (CHÂN) CHÍNH TU HÀNH, CẦN PHẢI BIẾT.

Các Bồ Tát nói ở đây vốn chỉ cho các đại Bồ Tát đã có tu, chứ không phải chỉ Bồ Tát sơ tâm mà nói(1).

CHÚ THÍCH 34:

(1) Ðàm Loan Ðại sư cũng cho rằng các hạnh nghiệp của Bồ Tát ở đây là thuộc địa thứ tám tức “Bất động địa” trở lên. Song vấn đề đặt ra là chúng sinh vãng sinh về cõi kia có phần gì trong các hạnh nghiệp này không? Ấn Thuận Ðại sư xác nhận là không, còn Ðàm Loan Ðại sư tuy không đặt vấn đề này ra, nhưng theo ý văn thì cũng hoàn toàn không nhận.

Nhưng xét theo nguyên tắc của Bát Nhã thì vốn dĩ một chúng sinh là đã đủ trọn mọi nguyên lý viên mãn của Phật quả, tức vẫn gọi là Phật tính vậy. Nó chỉ cần đợi đủ duyên là phát lộ ra mà thôi. Cực Lạc thế giới của A Di Ðà Phật là một thắng duyên vô cùng viên mãn ở chỗ nó có thể làm cho Phật tính của chúng sinh phát triển hoàn toàn vô ngại viên mãn. Nếu cho rằng Bồ Tát phải tu rồi mới có các hạnh nghiệp công đức như nói ở đây, thì còn ở đâu tu viên mãn cho bằng tại Cực Lạc này? Thế nên vãng sinh Cực Lạc mới là tu hành chân chính. Nếu cho rằng các Bồ Tát phải tu ở đâu đó cho thành trước rồi mới sinh về Cực lạc để “biểu diễn”, thì đã thành rồi cần gì phải về Cực Lạc nữa, mà Cực Lạc cững thua xa các nơi khác kia thì cần gì ai phải sinh về Cực Lạc mà ích lợi gì? Ý nghĩa của Cực lạc thật sự thậm thâm không lường, cần phải cẩn thận xét kỹ.

Tóm lại vãng sinh về Cực Lạc chính là để dự phần vào các hạnh nghiệp nói sau đây của chư Bồ Tát vậy.

NHỮNG GÌ LÀ BỐN? MỘT LÀ NƠI MỘT CÕI PHẬT, THÂN KHÔNG ÐỘNG ÐẬY MÀ (ÐẾN) KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, (LÀM) ÐỦ LOẠI ỨNG HÓA, (ÐÚNG) NHƯ THẬT (MÀ) TU HÀNH, THƯỜNG LÀM CÁC PHẬT SỰ. DO KỆ RẰNG: “NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH, THƯỜNG CHUYỂN VÔ CẦU LUÂN, HÓA PHẬT, BỒ TÁT NHẬT, NHƯ TU DI TRỤ TRÌ”. VÌ ÐỂ KHAI (MỞ) ÐÓA HOA (TRONG) BÙN LẦY CỦA CHÚNG SINH VẬY.

Các đại Bồ Tát không lìa cõi Phật mà ứng hóa được mười phương, có thể lấy (ánh) Thái dương làm vi dụ. Thái dương không động mà ánh sáng phủ khắp đại thiên(1), chúng sinh mỗi chốn đều thấy mặt trời hiện diện. Bồ Tát lấy lợi người để lợi mình, thế nên phải như thật mà tu hành. Thường chuyển pháp luân thanh tịnh, giáo hóa chúng sinh, chính là Phật sự. Chúng sinh như hoa sen trong bùn đọng, nay được mặt trời Bồ Tát hóa làm thân Phật chiếu sáng, mới được nở hoa.

CHÚ THÍCH 35:

(1) Ðại thiên tức tam thiên đại thiên thế giới, đó là phạm vi về không gian một vị Phật ảnh hưởng nhiếp hóa. Phật giáo giải thích về thế giới như sau: mỗi một thế giới có một trục làm trọng tâm, đó là núi Tu Di. Chuyển vòng quanh một nửa trục Tu Di này gồm ba lớp: gió, nước và kim (tức đất). Trên phần kim luân, tức xung quanh nửa trên của núi Tu Di có tám lớp biển, chín lớp núi xen kẽ nhau. Núi Tu Di ở giữa cao nhất, đẹp nhất nên gọi là “Diệu Cao” ( Thế giới con người thuộc Thiện Bộ Châu ở phía nam núi này trên biển “Diêm Hải”). Trên đỉnh núi Tu Di là cõi trời Ðao Lợi. Như trên gọi là một tìểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới này là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Ba lần một ngàn (tiểu thế giới) nên gọi là tam thiên (ba ngàn) đại thiên thế giới.

HAI LÀ DO THÂN ỨNG HÓA KIA (TRONG) MỌI THỜI, KHÔNG TRƯỚC KHÔNG SAU, MỖI TÂM MỖI NIỆM PHÓNG ÁNH SÁNG LỚN, ÐỀU CÓ THỂ ÐẾN KHẮP CÁC THẾ GIỚI TRONG MƯỜI PHƯƠNG, (ÐỂ) GIÁO HÓA CHÚNG SINH, (BẰNG) ÐỦ PHƯƠNG TIỆN, (DO) TU HÀNH TẠO NÊN, TRỪ DIỆT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH. DO KỆ RẰNG: “VÔ CẤU QUANG TRANG NGHIÊM, MỖI NIỆM VÀ MỖI THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC PHẬT HỘI, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SINH.

Ðoạn này nói Bồ Tát hóa (ra) thân Phật ứng (vào) thế (gian), chẳng hề có trước sau, mà đồng thời đến khắp mười phương, đồng phóng ánh sáng. Cho nên cái bất động là thân chân (thật) của Bồ Tát, còn các (thân) kia hoằng hóa ở bên ngoài là ứng hóa thân. Ở đây nói thân Phật gồm có ba: pháp, báo và hóa thân. Hóa thân tức thân ứng hóa. Song (ba thân) cũng có khi gọi là pháp thân, ứng thân, hóa thân. (Theo đây thì) ứng thân tức đồng với báo thân. Nay lấy (quan điểm) trước làm chủ yếu. Lại có một cách phân loại khác: một là chân thân, một nữa là ứng hóa thân. Chân thân là trừ hóa thân có thọ mệnh hữu hạn ra, (còn) có một chân thân thọ vô lượng. Song nếu muốn nói cho rõ ràng, thời phải nhờ tông Duy Thức, phân ra làm pháp thân, tự thọ dụng thân, tha thọ dụng thân và hóa thân nữa là  bốn. Trừ pháp thân mà ainấy đều sẵn có ra, Phật còn có một tự thọ dụng thân được trang nghiêm bởi trí huệ (và) công đức, hoàn toàn thanh tịnh. Ðó chính là chân thân của Phật, phàm phu không sao thấy được. Lại (còn) có tha thọ dụng thân của Phật mà các đại Bồ Tát thấy được, (gồm) vô lượng tướng hảo, và các phàm phu, nhị thừa, và Bồ Tát sơ tâm cũng không thể thấy được. (Thân Phật mà) Bồ Tát chưa chứng ngộ và phàm phu có thấy được thời chẳng qua là hóa thân mà thôi. Hóa thân hoặc lớn như núi Tu Di, hoặc thọ tám vạn bốn ngàn năm, (song) vẫn (chỉ) là hoá thân. Tha thọ dụng thân (mà) đã (có thể) đến khắp tất cả mọi chỗ, thì nói gì đến chân thân? Song các thân này, đều không lìa (ngoài) pháp thân, nên cũng có khi gọi tất cả thân là pháp thân vậy. Giờ nói (về) Bồ Tát: tất cả chúng sinh đều có pháp thân, song chưa (được) trang nghiêm (nên) gọi là tố pháp thân(1). Bồ Tát một mai đăng địa(2), Bát Nhã hiện tiền, có thể thấy tha thọ dụng thân của Phật, vị này cũng phần (nào) chứng (được) pháp thân, từ bi bát nhã cũng có (được) ít phần, nên cũng đã có pháp thân thuộc thật báo trang nghiêm, có thể khởi ra thân ứng hóa. “Mỗi một tâm một niệm phóng ánh sáng lớn” là trong một tâm niệm phóng ánh sáng lớn vậy. Phàm phu trong một tâm niệm (chỉ) thành tựu một sự, (nếu nói) làm đủ loại sự, tuyệt đối không thể được, cần phải nhiều niệm lâu dài mới có thể thành tựu được ít phần. Song Bồ Tát thời có thể ngay nơi chỗ khởi tâm động niệm liền phóng ánh sáng lớn, đến khắp mười phương, để làm gì vậy? (Ðể) giáo hóa chúng sinh, dùng đủ phương tiện, trừ khổ ách cho tất cả chúng sinh vậy. Song Bồ Tát (khi) cứu khổ, không (chỉ giới) hạn nơi giáo hóa, có vị dùng thầnh lực chuyển địa ngục trở thành mát mẻ, tựa như vua trong thế gian loài người, có thể có quyền lực khiến lao ngục tù phạm, tạm được nghỉ ngơi đó vậy.

CHÚ THÍCH 36:

(1) Tố nghĩa là phác tố, còn thô sơ chưa được tinh luyện.Tố pháp thân ý nói như Phật tính của chúng sinh hoặc “tại triền Như Lai Tạng”. Ðành rằng chúng sinh tất cả đều có Phật tính, nhưng cần phải tích tập công đức và trí huệ trong vô lượng kiếp để trang nghiêm (hay nói khác là để phát triển đến mức viên mãn) lúc đó mới gọi là Phật hay pháp thân đúng nghĩa.

(2) Ðăng địa: Ðăng nghĩa là lên, đi lên trên một chỗ cao. Ở đây là vào trong địa vị của thập địa Bồ Tàt.

BA LÀ (CÁC HÓA THÂN BỒ TÁT) KIA TRONG TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHÔNG SÓT (MỘT THẾ GIỚI NÀO), CHIẾU CÁC ÐẠI CHÚNG CỦA CÁC PHẬT HỘI KHÔNG SÓT (MỘT ÐẠI CHÚNG NÀO), (MỘT CÁCH) RỘNG LỚN VÔ LƯỢNG CÚNG DƯỜNG, CUNG KÍNH, TÁN THÁN CHƯ PHẬT NHƯ LAI. DO KỆ RẰNG: “NÀO MƯA NHẠC TRỜI, HOA, Y, DIỆU HƯƠNG… CÚNG DƯỜNG, KHEN CÁC CÔNG ÐỨC PHẬT, KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM.

Bồ Tát hóa thân này nơi tất cả các thế giới không bỏ sót thế giới nào, dùng ánh sáng chiếu khắp không sót đại chúng của Phật hội nào, đem vô lượng rộng lớn cúng dường, cung kính, tán thán chư Phật của tất cả các thế giới(1).

CHÚ THÍCH 37:

(1) Lễ kính, cúng dường, tán thán chư Phật chính là chính đạo của Ðại thừa vậy. Cái quan niệm cho rằng tu tập trong đạo Phật chỉ lả thiền định nhằm giải thoát quả là hạn hẹp nghèo nàn. Với Ðại thừa sự liên hệ với chư  Phật qua các hạnh nghiệp lễ bái, cúng dường, tán thán (tức gồm cả chiêm ngưỡng quán tưởng) là tối quan trọng. Sự liên hệ ở đây không hề có tính chất sùng bái thần tượng kiểu tôn giáo, mà nó hoàn toàn thiết yếu để thực hiện và thành tựu con đường Ðại thừa, tức con đường thành Phật. Con đường Ðại thừa là con đường thực hiện Bồ Ðề tâm. Bản chức của Bồ Ðề tâm vẫn chỉ là tâm thức. Mà tâm thức phi duyên thì không khởi, nghĩa là không lập được. Vì vậy Bồ Ðề tâm cũng bắt buộc phải có đối tượng làm sở duyên để khởi và để lập. Và sở duyên lý tưởng và chân chính nhất của Bồ Ðề tâm chính là chư Phật mười phương (phải trọn cả mười phương chư Phật thì sở duyên mới viên mãn, nhờ vậy Bồ Ðề tâm, cũng sẽ viên mãn theo). Tâm có sở duyên để lập, tâm còn cần hạnh nghiệp để huân nữa, thế nên Bồ Tát cần thiết phải lễ bái bằng thân nghiệp, tán thán bằng khẩu nghiệp, cung kính quán tưởng bằng ý nghiệp… để huân tập Bồ Ðề tâm vậy. Thế nên Phổ Hiền hạnh nguyện cũng lấy lễ kính, tán thàn, cúng dường làm đầu. Ngoài ra là hạnh hồi hướng để lập thành và huân tập từ bi tâm.

Nơi đây cũng gợi ý và khơi lên cho thấy rõ hơn ý nghĩa chân thật và đúng đắn nhất của Ðại thừa. Ðó là Ðại thừa chính là Tịnh Ðộ và Hoa Nghiêm vậy.

BỐN LÀ (BỒ TÁT HÓA THÂN) KIA Ở NƠI TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, CÁC CHỖ NÀO (KHÔNG CÓ) BIỂN CÔNG ÐỨC LỚN PHẬT, PHÁP, TĂNG (TAM) BẢO TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM, (THÌ SẼ) HIỂN BẦY ÐỀN KHẮP (CÁC NƠI ÐÓ) KHIẾN (HỌ) HIỂU BIẾT, VÀ NHƯ THẬT MÀ TU HÀNH. DO KỆ RẰNG: “NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG, PHẬT, PHÁP, CÔNG ÐỨC BẢO, CON ÐỀU NGUYỆN VÃNG SINH, HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT”

Bốn loại công đức của Bồ Tát, một là như thật tu hành, trợ Phật thuyết pháp, hai là phóng áng sáng diệt khổ cho chúng sinh, ba là cúng dường chư Phật ở mười phương, loại thứ tư này là đến các chỗ không có Phật pháp để kiến lập Tam Bảo. Bồ Tát ứng hóa ở nơi không có Phật pháp, làm Phật, nói Pháp, độ Tăng. Công đức của trụ trì Tam bảo như biển lớn, khiến chúng sinh có được (sự) tu hành. Lại không chỉ một chỗ, (mà) những thế giới nào không có, Bồ tát sẽ theo nguyện đến giáo hóa vậy.

D-Trang nghiêm công đức nhiếp quy (về) thanh tịnh.

LẠI (CHO) ÐẾN ÐÂY (LÀ ÐÃ) NÓI VỀ SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC CỦA CÕI NƯỚC, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC CỦA PHẬT, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC CỦA BỒ TÁT. BA LOẠI TRANG NGHIÊM (DO) NGUYỆN TÂM THÀNH TỰU NÀY (LÀ) DO NÓI TÓM NHẬP VÀO MỘT CÂU PHÁP. MỘT CÂU PHÁP LÀ NÓI CHO CÂU THANH TỊNH. CÂU THANH TỊNH LÀ VÌ NÓI CHO PHÁP THÂN VÔ VI CHÂN THẬT TRÍ HUỆ.

Ðến đây (đã) nói-(có nghĩa là) đã nói ở trên về ba loại thành tựu, tức là sự trang nghiêm (do) mguyện tâm của Phật A Di Ðà, nếu không có nguyện này, thời (ba loại thành tựu) sẽ không được thành.

Song dù có nguyện, mà nếu không có hạnh, cũng rốt cuộc không được thành. Nguyện đây tức là bốn mươi tám nguyện, hoặc (chỉ là) một đại nguyện Bồ Ðề. Ba loại thành tựu trang nghiêm nguyện tâm này, lấy một câu pháp bao quát lại mà nói, có thể nói tức là hai chữ thanh tịnh. Mà cái gọi là thanh tịnh chính là pháp thân vô vi chân thật trí huệ, cũng chính là bát Nhã vô lậu xuất thế, để phân biệt với vọng thức hữu lậu hữu vi của thế gian. Ba loại trang nghiêm, (và) tất cả các thanh tịnh, đều(1) do pháp thân vô vi này mà biến hiện vậy. Nói về sự khác biệt giữa hữu vi và vô vi: người Trung Hoa nói đến hữu vi và vô vi, phần nhiều bị ảnh hưởng của Nho (giáo) và Ðạo (giáo). Hữu vi và vô vi trong Phật pháp rấy là đơn giản. Vi có nghĩa là tạo tác, hễ có sinh, có diệt, có tạo, có làm, có quả, có nhân, đủ loại nhân duyên hòa hợp mà sinh thì đều là pháp hữu vi. Theo đó làm chuẩn thời tất cả mọi thứ thuyết pháp, độ thế này nọ của Phật và Bồ Tát, không thứ nào chẳng phải là hữu vi. Còn pháp vô vi là tính Không của tất cả các pháp vậy. (Như thế thì) ngay Bồ Ðề tứ trí(2) do chủng tử mà sinh của Phật (cũng) vẫn là hữu vi. Trong pháp vô lậu cũng vẫn có pháp hữu vi. Một định nghĩa khác là: hữu vi là do nghiệp phiền não làm ra, nói cách khác, sinh tử tạp nhiễm đều là hữu vi. Giải nghĩa như thế thì nghiệp quả vô lậu phải là vô vi. Hai loại định nghĩa này trong A Hàm Kinhthời có, song theo kiểu định nghĩa trước thì phạm vi của hữu vi rộng, nghĩa là quả giới, định, huệ vô lậu của Phật cũng là pháp hữu vi. Nay y theo thuyết sau (thì) trí huệ vô lậu tương ưng với chân thật đều thuộc về pháp thân vô vi nhiếp hết.

CHÚ THÍCH 38:

(1)Chỗ này nguyên văn có hơi thiếu hụt, song có thể là do thiếu sót hoặc lầm lẫn của ấn loát mà ra.

(2) Bồ Ðề tứ trí tức bốn Phật trí (jnana) phân thành bốn loại:

– Ðại viên kính trí

– Bình đẳng kính trí

– Diệu quán sát trí

– Thành sở tác trí.

Sự phân loại này thuộc Duy Thức pháp tướng tông. Tu tập để thành Phật nơi đây là do chuyển tám thức thành bốn trí. Nguyên tác trì chủng và hiện hành của thức và trí có thể nói là đồng nhất, chỉ khác ở nơi bản chất của chủng tữ và hiện hành mà thôi. Nghĩa là nếu hoàn toàn là chủng tử vô lậu thì thức sẽ thành trí và hiện hành sẽ từ uế độ phiền não thành Tịnh Ðộ an lạc.

THANH TỊNH NÀY CÓ HAI THỨ CẦN PHẢI BIẾT, NHỮNG GÌ LÀ HAI? MỘT LÀ THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN, HAI LÀ THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN. THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN LÀ (NHƯ) TRƯỚC ÐÃ NÓI (VỀ) 17 LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC CÕI NƯỚC PHẬT, ÐÓ GỌI LÀ THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN. THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN, NHƯ TÁM LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC (VỀ) PHẬT VÀ BỐN LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ÐỨC (VỀ) BỒ TÁT ÐÃ NÓI TRÊN, ÐÓ GỌI LÀ THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN. MỘT CÂU PHÁP NHƯ THẾ NHIẾP HAI LOẠI THANH TỊNH CẦN PHẢI BIẾT.

Tất cả không thứ nào không thanh tịnh, thanh tịnh không ngoài thanh tịnh (thuộc) khí thế gian- trang nghiêm công đức cõi nước Phật, (và) thanh tịnh (thuộc) chúng sinh thế gian-trang nghiêm công đức của Phật và Bồ Tát. Nên một câu nthanh tịnh, nhiếp trọn tất cả công đức của cõi kia do trí huệ quán sát vậy.

III – GIẢI RỘNG VỀ HỒI HƯỚNG.

BỒ TÁT NHƯ THẾ (MỘT CÁCH) RỘNG RÃI VÀ TÓM LƯỢC (MÀ) TU HÀNH SA MA THA VÀ TỲ BÁT XÁ NA, (NHỜ ÐÓ) THÀNH TỰU TÂM MỀM MẠI, (VÀ) BIẾT (ÐÚNG) NHƯ (SỰ) THẬT (VỀ) CÁC PHÁP (MỘT CÁCH) RỘNG RÃI VÀ TÓM LƯỢC, (VÀ) NHƯ THẾ (LÀ) THÀNH TỰU SỰ HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN.

Tâm mềm mại là tâm tính điều hòa mềm mại, công (tu) thiền định (được) thâm sâu, nên tâm có thể dược tùy ý. Nếu tâm không điều hòa mềm mại, thì không đắc (được) định, nghĩa là không thể quán sát thấu rõ (đúng) như (sự) thật các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược. Cho nên trước phải tu Sa ma tha-Chỉ, tâm mới được mềm mại, rồi tu Tỳ bà xá na – Quán, mới có thể biết các pháp (đúng) như (sự) thật. Gì gọi là chỉ? Gì gọi là quán? Chỉ có nghĩa là gom tâm (về) một cảnh, trụ yên (tâm ở đó) không động. Theo bổn luận này thì niệm niệm phát nguyện mà đắc định. Như tâm đối với cảnh khởi lên sự phân biệt suy cầu mà quan sát, thì gọi là quán. Những ảnh tượng do tu chỉ quán mà sinh, tức các tướng hiện lên trong tâm, gồm có hai loại: một là các ảnh tượng có phân biệt, hai là các ảnh tượng không phân biệt. Loại trước là (loại) chỉ quán thông thường như đềm hơi thở, quán xương trắng chẳng hạn, (các thứ quán ấy) đều có phân biệt. Nếu như tu (quán) KHÔNG thời là ảnh tượng không phân biệt. Còn nói tu hành (một cách) rộng rãi và tóm lược thì tóm lược tức là tu chỉ, rộng rãi tức là tu quán. Biết các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược thì rộng rãi chỉ cho những gì đã trình bầy ở trên, (như) quán công đức của tòa Phật, công đức thanh tịnh của cõi Phật v.v… Tóm lược chính là một câu sau cùng, (nghĩa là) hai chữ thanh tịnh, tức là tổng quát tất cả mọi thanh tịnh.

Tu hành như thế, mới có thể thành tựu sự hồi hướng (bằng) phương tiện khéo. Lìa phiền não, nghiệp, khổ,, tức là thanh tịnh. Long Thụ trong Ðại trí Luận có nói: Thanh tịnh tức là nghĩa KHÔNG. Do tính KHÔNG thanh tịnh, biến khắp tất cả các pháp, (nên các pháp) rốt cuộc tịch diệt. Tu hành như thế, tâm được điều hòa mềm mại, (rồi) quán sát (đúng) như (sự) thật mà được ngộ nhập (hoặc) tuy chưa ngộ nhập, (song) đã có thể biết (đúng) như (sự) thật các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược, (nên) đạt đến cảnh tương tợ chứng(1). Y theo chỉ (mới) có thể thành quán, y theo quán huệ mới có thể thành tựu sự hồi hướng (bằng) phương tiện khéo, nguyên vì phương tiện phải y theo Bát Nhã mà thôi. Hồi hướng có hai loại (là) phương tiện khéo và không phương tiện [xem Ðại Bát Nhã Kinh thời rõ]. Hồi hướng (bằng) phương tiện khéo là hồi hướng mà không có chấp ngã (và) chấp pháp. Không bám chắc là có người năng hồi hướng, (vì) hiểu rõ tất cả pháp (đều) bình đẳng không tịch, hai chấp ngã và pháp đều phá, (nên) cùng với KHÔNG tương ưng, hồi hướng như thế gọi là (hồi hướng bằng) phương tiện khéo. Bát Nhã Kinh của Ðại thừa có nói: Các thứ công đức, nếu không tương ưng được với KHÔNG vô sở đắc(2), sẽ không thể đạt đến (vào) biển công đức của Phật, không thể là vốn liếng (để) thành Phật. Hồi hướng cũng như thế, nên Bát Nhã Kinh nói: do vì không có được gì hết, mới có thể động (đậy), có thể ra (khỏi)(3), (mà) ra khỏi ba cõi (để) đến biển trí (biết) tất cả(4).

CHÚ THÍCH 39:

(1) Tương tợ là gần giống như. Gần chứng mà chưa thật sự đúng là chứng nên gọi là tương tợ chứng.

(2) Vô sở đắc (apräpti) nghĩa là “không có được gì hết”, “không có cái gì hết”, “không đạt được cái gì hết’…

(3) Nguyên văn là “nãi đăng động năng xuất”, ý giản dị chỉ là nhờ vô sở đắc thì mới “có thể chuyển đi” ra khỏi ba cõi mà vào biển trí.

(4) Tức nhất thiết trí (sarvajñatä). Ðừng quên hồi hướng ở đây là hồi hướng bằng phương tiện khéo (xảo phương tiện: upäya-kauśalya). Và phương tiện khéo chính là công đức tu hành vãng sanh Cực Lạc (qua ngũ niệm môn). Mọi ý nghĩa của các pháp trong luận này đều lấy ý nghĩa vãng sinh Cực Lạc thế giới của A Di Ðà Phật làm trọng tâm.

GÌ LÀ HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT? HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHEO CỦA BỒ TÁT LÀ NÓI VỀ TẤT CẢ CÁC THIỆN CĂN CÔNG ÐỨC DO TU HÀNH NĂM MÔN LỄ BÁI NÀY NỌ… TÍCH TẬP LẠI, (SONG) KHÔNG CẦU SỰ AN LẠC GIỮ CHẮC NƠI THÂN MÌNH, (MÀ VÌ) MUỐN NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, (NÊN) LẬP NGUYỆN GOM HẾT TẤT CẢ CHÚNG SINH CÙNG NHAU SINH VỀ NƯỚC PHẬT AN LẠC KIA, ÐÓ GỌI LÀ SỰ THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHÉO.

Thiện căn (và) công đức tức cùng một thứ, nhân do công (nên) được đức, thì gọi là công đức. (Chỉ) một công đức này chính là căn (rễ) để phát thành quả thiện. Như lúa là công đức của cầy cấy, dựa vào tiết xuân để phát lúa non, (thì) tức là căn thiện. Cái gọi là căn thiện công đức, tức là công đức tu năm niệm môn lễ bái môn, tán thán môn các thứ. Lấy công đức đó, không vì lợi ích cho thân mình, mà chỉ vì chúng sinh: (Do) nhổ hết khổ cho tất cả chúng sinh, (nên) phát nguyện gom trọn tất cả chúng sinh, cùng sinh (về nước) An Lạc. Hồi các công đức (do mình) tự (tu) hành để (quay) hướng (về) lợi lạc cho chúng sinh, nên gọi như thế là hồi hướng vậy.

BỒ TÁT NHƯ THẾ BIẾT RÕ (CÁCH) THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG, (SẼ) LÌA XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ÐỀ, NHỮNG GÌ LÀ BA? DO MỘT LÀ Y THEO MÔN TRÍ HUỆ, KHÔNG CẦU (LỢI) LẠC CHO RIÊNG MÌNH, LÌA XA (CÁI) TÂM (CHẤP) TÔI (CHUYÊN) THAM ÐẮM (CHO) THÂN MÌNH. DO HAI LÀ MÔN TỪ BI, (MUỐN) NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, LÌA XA (CÁI) TÂM KHÔNG (ÐEM LẠI) AN (LẠC) CHO CHÚNG SINH. DO BA LÀ Y THEO MÔN PHƯƠNG TIỆN, (LÀ) TÂM THƯƠNG TƯỞNG TẤT CẢ CHÚNG SINH, LÌA XA TÂM (CHỈ LO) CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG (CHO) THÂN MÌNH. ÐÓ GỌI LÀ LÌA XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ÐỀ.

Ðến đây, năm pháp môn niệm hoàn tất, trở xuống là tóm gom các yếu nghĩa của chúng, để cho thấy rõ chắc chắn có thể tùy nguyện mà vãng sinh vậy. Bồ Tát có thể hồi hướng (bằng) phương tiện khéo như thế, tức có thể lìa xa ba loại pháp tương vi với Bồ Ðề [giác ngộ của Ðại Thừa]. Một là trí huệ: (cái) tâm (chấp) tôi tham đắm thân mình, phạn ngữ gọi là Tát Ca Gia Kiến(1), tức là chấp (vào) tôi và của tôi. (Chấp này) gồm có chấp thô do (tâm) phân biệt mà sinh, và chấp tế (vốn có) từ vô thủy cho đến nay. Muốn phá kiến (chấp) này, chỉ có nhờ vào trí huệ mà thôi, vì kiến này lấy tình chấp làm gốc, cùng có (ngay) từ lúc sinh ra, cho nên phải y theo môn trí huệ mới có thể không cầu (lợi) lạc riêng cho mình. Do vì Bát Nhã của Phật pháp vốn lấy sự thông đạt được “tất cả các pháp không có gì là tôi” làm mục đích vậy. Hai là từ bi: tâm không (đem lại) an (lạc) cho chúng sinh là tâm không muốn làm cho chúng sinh được an lạc. Có thể lìa xa được tâm đó, tức tâm từ bi vậy. Cái ái của phàm phu chỉ giới hạn nơi có một nhà một (dòng) họ, không thể ái khắp các chúng sinh, (không có ý muốn) nhổ hết khổ cho tất cả chúng sinh. Ba là phương tiện: dùng tất cả các phương tiện lợi ích cho chúng sinh. Nếu niệm niệm (đều) muồn nhổ hết khổ cho chúng sinh thì sẽ không khởi lên cái tâm (mong) thân mình được cung kính cúng dường. Nên chỉ biết lễ bái, tán thán mà không có trí huệ, từ bi,phương tiện và hồi hướng, thì sẽ tương vi với môn Bồ Ðề, (do đó) thành Phật vẫn chẳng phải là chuyện dễ vậy(2).

CHÚ THÍCH 40:

(1)Tát Ca Gia Kiến (satkäya-dŗşţi): Satkäya phiên âm là Tát Ca Gia. Sat là hiện hữu, có đó, đang là đó, käya là thân. Dŗşti là sự thấy, thấy là như vậy, chấp nhận là như vậy… Thấy là thân mình đang có đây và cho nó là thật có, thì gọi là thân kiến hay Tát Ca Gia kiến (Sa tkäya-dŗşti).

(2) Ý của Ấn Thuận Ðại sư vẫn luôn luôn quy về và nhấn mạnh vào trí huệ, phương tiện. Còn từ bi và hồi hướng thì dĩ nhiên không thể chối bỏ được đối với Ðại thừa Phật giáo rồi. Nhưng thật sự bổn luận này không hề dậy về trí huệ, từ bi hay ngay cả thiền định. Bổn luận chỉ muốn nói lên công đức chân thật của Cực Lạc thế giới và A Di Ðà Phật. Công đức này vi diệu đến mức độ có thể làm cho người tu nguyện vãng sinh theo ngũ niệm môn sẽ hoàn toàn phù hợp với mọi chi tiết trong Bồ Ðề môn (tức trí huệ, từ bi, phương tiện) của Ðại thừa. Thế Thân Bồ Tát lập ra ngũ niệm môn chỉ để giúp cho người thực hành dễ khế hợp với việc vãng sinh theo ý nghĩa của Ðại thừa. Nghĩa là chúng ta phải nên vãng sinh theo ngũ niệm môn thì thì mới không phụ công đức chân thật của Phật kia và cõi kia vậy.

DO BỒ TÁT LÌA XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ÐỀ NHƯ THẾ, THÌ SẼ ÐƯỢC ÐẦY ÐỦ BA LOẠI PHÁP TÙY THUẬN VỚI MÔN BỒ ÐỀ. NHỮNG GÌ LÀ BA? MỘT LÀ TÂM THANH TỊNH VÔ NHIỄM, DO KHÔNG VÌ RIÊNG THÂN MÌNH MÀ CẦU CÁC (LỢI) LẠC. HAI LÀ TÂM THANH TỊNH AN, DO NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH. BA LÀ TÂM THANH TỊNH LẠC, DO KHIẾN CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ÐƯỢC ÐẠI BỒ ÐỀ, DO GOM TRỌN CHÚNG SINH SINH VỀ CÕI NƯỚC KIA. ÐÓ GỌI LÀ TRỌN ÐỦ BA LOẠI PHÁP TÙY THUẬN VỚI MÔN BỒ ÐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

Trái ngược lại với ở trên, là sẽ được ba loại tùy thuận với môn Bồ Ðề. Ba loại là: do không chấp (có) tôi nên tâm ấy (mới) thanh tịnh, (là vì) không vì thân mình mà nhiễm đắm các (lợi) lạc. Tâm thanh tịnh an là tâm thanh tịnh mà có thể nhổ hết khổ cho chúng sinh, có thể (đem lại) an (lạc) cho chúng sinh. Tâm thanh tịnh lạc là tâm làm cho chúng sinh được (lợi) lạc đại Bồ Ðề, được (lợi) lạc sinh Tịnh Ðộ.

BA THỨ MÔN TRÍ HUỆ, TỪ BI VÀ PHƯƠNG TIỆN VỪA NÓI TRÊN, GOM LẤY BÁT NHÃ, BÁT NHÃ (LẠI) GOM LẤY PHƯƠNG TIỆN, CẦN PHẢI BIẾT.

Ba môn trí huệ, từ bi và phương tiện ở trên, tóm gom lại làm Bát Nhã và phương tiện-hai trí. Yếu nghĩa của Bát Nhã là ở chỗ vô ngã, chiếu (sáng) tính của tất cả các pháp là KHÔNG. (Nếu) không phá (hai) chấp tôi và của tôi, thì rốt cuộc chẳng phải trí huệ. Trong các phương tiện thì lấy hồi hướng phương tiện khéo làm phương tiện trên hết. Phương tiện tức là diệu dụng khéo léo, từ Bát Nhã mà ra, Kinh (thường) nói là trước được Bát Nhã, sau được phương tiện. Như nấu quặng được vàng, dụ cho Bát Nhã, dùng vàng chế ra các đồ trang sức, là dụ cho phương tiện. Nay gom trọn lại làm hai môn Bát Nhã và phương tiện, (còn) một môn từ bi kia thì gom về nơi phương tiện. Vì từ bi do Bát Nhã sinh, cùng với phương tiện đồng vậy(1).

CHÚ THÍCH 41:

(1) Ba môn trí huệ, từ bi và phương tiện ở đây là do hồi hướng bằng phương tiện khéo mà thành tùy thuận. Nghĩa là phải tu cho tương ưng với vãng sinh Cực Lạc (tức tu bốn môn trước trong ngũ niệm môn) rồi hồi hướng sự vãng sinh ấy về tất cả chúng sinh, thời tự động sự hồi hướng này tùy thuận theo ba môn Bồ Ðề. Trong ba môn Bồ Ðề này đã có sẵn Bát Nhã, và trong bát Nhã lại sẵn có phương tiện. Ý nói trong sự hồi hướng “vãng sinh” này (tức hồi hướng bằng phương tiện khéo) đã có đủ Bát Nhã và phương tiện. Ở đây cho thấy ý nghĩa của Bát Nhã là đi từ chỗ vô ngã sang “thế gian”, tức lấy sự an lạc của tất cả chúng sinh làm hành nghiệp của mình, rồi lại chuyển từ “thế gian” ngã sang “Tịnh Ðộ” ngã, tức đưa tất cả chúng sinh đồng về Tịnh Ðộ. Rõ ràng yếu nghĩa của Bát Nhã ở đây là Tịnh Ðộ, nên nếu chúng ta không thấu tỏ được ý nghĩa của Tịnh Ðộ thì cũng không sao hiểu được chân ý nghĩa của Bát Nhã. Vì Bát Nhã là tiến trình đi từ cá nhân chấp ngã đầy phiền não mà lên đến cực điểm viên mãn là Tịnh Ðộ Cực Lạc, thế nên Bát Nhã gom trọn phương tiện “độ sinh” là vậy.

Ðoạn chính văn ở trên kể cả Ðàm Loan Ðại sư và Ấn thuận Ðại sư đều chỉ giải thích về ý nghĩa của các từ “trí huệ”, “phương tiện”… mà không cho thấy rõ sự liên hệ của hồi hướng với Bồ Ðề môn, Bồ Ðề môn với Bát Nhã, Bát Nhã với phương tiện. Sự liên hệ đó chính là sự vãng sinh Tịnh Ðộ của tất cả cá nhân và toàn thể chúng sinh.

TRÊN ÐÃ NÓI LÌA XA TÂM (CHẤP) TÔI KHÔNG THAM ÐẮM THÂN MÌNH, LÌA XA TÂM KHÔNG (ÐEM LẠI) AN LẠC CHO CHÚNG SINH, LÌA XA TÂM (CẦU) CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG (CHO) RIÊNG THÂN MÌNH, BA LOẠI PHÁP NÀY (LÀ) LÌA XA TÂM CHƯỚNG (NGẠI CHO) BỒ ÐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

Y theo trí huệ, phương tiện mà luận ba môn, y theo mặt lìa xa, tức là lìa xa (ba loại) tâm chướng (ngại cho) Bồ Ðề. Tâm Bồ Ðề không chướng (ngại) tức là tâm Bồ Ðề lìa chướng do hai trí vậy(1).

CHÚ THÍCH 42:

(1)Hai trí là bát Nhã trí (prajňä-jñana) và phương tiện trí (upäya-jñana). Bồ Tát thuộc thập địa sử dụng Bát Nhã để chiếu phá pháp, ngã đều KHÔNG, cũng để khai hiển xuất thế gian huệ, nên gọi là Bát Nhã trí. Lấy đó làm phương tiện, Bồ Tát tịnh hóa tất cả các pháp để đi dần đến nhất thiết trí, cũng có nghĩa là nhiếp hữu tình quy về thiện căn xuất thế, nên gọi là phương tiện trí.

TRÊN ÐÃ NÓI VỀ TÂM THANH TỊNH VÔ NHIỄM, TÂM THANH TỊNH AN, TÂM THANH TỊNH LẠC, BA LOẠI TÂM NÀY TÓM LƯỢC LẠI MỘT CHỖ, (LÀ) THÀNH TỰU TÂM DIỆU LẠC THẮNG CHÂN, CẦN PHẢI BIẾT.

Phương tiện thanh tịnh do y theo không nhiễm (không) chướng mà hiển, tức chính là ba loại tâm thanh tịnh. Ba loại tâm này tóm lược lại một chỗ, (nghĩa) là tổng hợp (tại) một chỗ. Tổng hợp ba tâm thanh tịnh này tất thành tựu tâm diệu lạc thắng chân.Thắng là ý nghĩa thù thắng, siêu việt tất cả thế tục, (và) thông đạt ý nghĩa pháp tính chân như KHÔNG vô ngã, như (trong đạo thường) nói nào là thắng nghĩa đề, chân như v.v… Cho nên thắng và chân tức là bốn tướng không nhiễm, không hư vọng của tất cả các pháp. (Còn) diệu lạc là (cái an) lạc của thanh tịnh không nhiễm, tức là (các an) lạc lìa khỏi các trói buộc(1).

CHÚ THÍCH 43:

(1) Trói buộc (tức “hệ” hay Hệ phược”) ý nói cho các phiền não vướng víu nơi thân và tâm. Nói rõ hơn bản chất của thân tâm vốn dĩ vô thường biến động nên luôn luôn kết chặt với phiền não.

NHƯ VẬY BỒ TÁT (DO) TÂM TRÍ TUỆ, TÂM PHƯƠNG TIỆN, TÂM KHÔNG CHƯỚNG, TÂM THẮNG CHÂN, (NÊN) CÓ THỂ SINH VÀO CÕI NƯỚC THANH TỊNH CỦA PHẬT, CẦN PHẢI BIẾT.

Tâm không chướng là tâm không chướng (ngại) Bồ Ðề vậy. Bồ Ðề gồm đủ bốm tâm (trên) đây, nên có thể sinh vào cõi Phật thanh tịnh của Phật A Di Ðà(1).

CHÚ THÍCH 44:

(1) Như vậy hồi hướng (tức môn cuối trong ngũ niệm môn) bằng phương tiện khéo (tức bốn môn trong ngũ niệm môn) sẽ gồm đủ bốn tâm kể trên. Nói cách khác tu ngũ niệm môn là chính đạo để vãng sinh Cực Lạc.

ÐÓ GỌI LÀ BỒ TÁT MA HA TÁT TÙY THUẬN NĂM LOẠI PHÁP MÔN, NHỮNG GÌ PHẢI LÀM (ÐƯỢC) TÙY Ý, TỰ TẠI (MÀ) THÀNH TỰU. NHƯ NHỮNG GÌ ÐÃ NÓI Ở TRÊN VỀ THÂN NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP, Ý NGHIỆP, TRÍ NGHIỆP, PHƯƠNG TIỆN TRÍ NGHIỆP, TÙY THUÂN PHÁP MÔN.

Tổng kết năm niệm môn ở trên lại. Môn tác nguyện là trí nghiệp, môn quán sát là ý nghiệp, môn hồi hướng phương tiện là phương tiện trí nghiệp. Năm loại pháp môn tùy thuận, nếu có thể đầy đủ và tu hành (được) viên mãn, ắt sinh (phương) tây như trở bàn tay.

Ðến đây, có một vấn đề nẩy sinh, tức quán trọn cõi Phật (đã nói) ở trên, dĩ nhiên là trang nghiêm, song sinh (phương) tây cũng chẳng phải là dễ dàng(1). Tâm thức chúng sinh vốn có mâu thuẫn, lại nghĩ đến cõi Phật viên mãn cùng cực, lại tưởng (chuyện) sinh (phương) tây dễ dàng, không thể nào kiêm cả hai, (nên) mới có những người nghiên cứu Cực Lạc (không biết) rốt cuộc là loại thế giới nào. Có vị cho rằng chính là báo độ do báo thân (của) Phật a Di Ðà cư ngụ. Chúng sinh nếu không thể tu năm niệm môn viên mãn, ắt không thể nào tùy ý vãng sinh. Cho nên mới có thuyết (cho rằng) niệm Phật (được) vãng sinh là “biệt thời ý thú”(2), song lại còn một thuyết khác thời cho rằng (Tịnh Ðộ) là hóa độ của hóa Phật, như có nói trong A Di Ðà Kinh đại (và) tiểu (bốn). Các (cõi) nước có thời (gian) có địa (điểm), có hai thừa, (thì) phải là hóa thân độ. Song mếu (mà) là hóa độ, thì Cực Lạc (thế giới) hình như không phải là chỗ lý tưởng tối cao. Giờ đây quan điểm của Bồ Tát Thế Thân tương đối viên (dung) thông (suốt). (Theo đó) cho rằng (cõi ấy) là báo độ, vì trong (cõi) ấy không có hai thừa, căn khuyết, và người nữ, cho nên cần phải đầy đủ năm môn mới được vãng sinh, (chứ) không phải dễ dàng. Song chiếu theo tất cả các học chúng mà nói, thì Bồ Tát Thế Thân (còn) có riêng các pháp môn tuần tự từ từ mà thành tựu, như bốn văn dưới đây sẽ nói đến.

CHÚ THÍCH 45:

(1) Ðại sư Ấn Thuận cũng như biết bao các bậc cổ đức xưa vẫn bị ám ảnh bởi các ý nghĩa nông sâu và các tầng bậc cao thấp trong Phật pháp nên khó mà dứt khoát chấp nhận hẳn sự vãng sinh Cực Lạc là dễ dàng. Song bên phía Tịnh Ðộ (tông), theo Ðạo Xước phân biệt với Thánh Ðạo, thì sự dễ dàng là phải căn cứ theo bốn nguyện lực của A Di Ðà Phật. Tất cả vấn đề này cần phải bàn cãi cẩn thận và kỹ càng hơn.

IV- TUẦN TỰ TỪ TỪ MÀ THÀNH TỰU.

LẠI CÓ NĂM LOẠI (PHÁP) MÔN, TUẦN TỰ TỪ TỪ THÀNH TỰU NĂM LOẠI CÔNG ÐỨC CẦN PHẢI BIẾT. GÌ LÀ NĂM MÔN? MỘT LÀ MÔN GẦN, HAI LÀ MÔN ÐẠI HỘI CHÚNG, BA LÀ MÔN NHÀ, BỐN LÀ MÔN PHÒNG, NĂM LÀ MÔN CHỐN VƯỜN RỪNG RONG CHƠI. NĂM LOẠI MÔN NÀY, THÌ BỐN LOẠI MÔN ÐẦU THÀNH TỰU CÔNG ÐỨC VÀO, MÔN THỨ NĂM THÀNH TỰU CÔNG ÐỨC RA.

Giờ năm môn này vẫn không lìa khỏi năm môn lễ bái, tán thán v. v… Song nói năm môn ở đây là tu một môn thì có sự thành tựu của một môn, hoặc rộng hoặc sâu, đều được vãng sinh nước Cực Lạc vậy. Cũng (còn) là tuần tự (đi) sâu vào (như sau): môn gần là đến cảnh (giới) nước An Lạc, môn đại hội chúng là được (tham) dự (vào) đại pháp hội, môn nhà là như lên tòa nhà lớn, môn phòng là như vào phòng, môn chốn vườn rừng rong chơi là tùy ý hóa độ chúng sinh vậy. Ðến nước Cực Lạc, mục đích là để thành Phật đạo, giáo hóa dẫn dắt chúng sinh, đâu phải chỉ vào phòng ở yên mà thôi, cho nên cần phải ra ngoài vườn rừng vậy. Giờ đây y theo luận này, không y theo chuyện niệm vị thứ trên dưới cố định, mà lấy phát tâm tu hành, càng vào càng sâu làm tuần tự.

MÔN VÀO THỨ NHẤT LÀ DO LẤY LỄ BÁI A DI ÐÀ PHẬT ÐỂ SINH (VỀ) CÕI NƯỚC KIA, (NÊN) ÐƯỢC SINH (VÀO) THẾ GIỚI AN LẠC, ÐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ NHÁT.

Cớ gì lại lễ bái Phật A Di Ðà? Duy vì nguyện sinh cõi nước Phật kia. Nếu kính tin tha thiết, sáu thời lễ bái chân thành, tất được sinh vào cõi nước An Lạc.

MÔN VÀO THỨ HAI LÀ DO CA NGỢI PHẬT A DI ÐÀ, TÙY THEO DANH (VÀ) NGHĨA (MÀ) XƯNG DANH NHƯ LAI, Y THEO (QUÁN) TƯỞNG (VỀ) ÁNH SÁNG (CỦA) NHƯ LAI (MÀ) TU HÀNH, (NÊN) ÐƯỢC VÀO (TRONG) SỐ CHÚNG (CỦA) ÐẠI HỘI, ÐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ HAI.

Tùy theo danh nghĩa xưng danh Như Lai, nghĩa là (khi) xưng danh cần phải biết các ý nghĩa có nơi danh ấy, cho nên xưng danh Phật chính là ca ngợi công đức của Phật. Miệng xưng danh hiệu của Phật A Di Ðà, tâm tưởng thân quang và trí quang của Vô Ngại Quang Như Lai (đến khắp) mười phương (đều) không (bị chướng) ngại. Trì danh niệm Phật như thế, tất được đến chỗ đại hội chúng của cõi Phật, (được) dự vào số của đại chúng (để) nghe pháp.

MÔN VÀO THỨ BA LÀ DO MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM LẬP NGUYỆN SINH (CÕI NƯỚC) KIA (ÐỂ) TU HÀNH TAM MUỘI TỊCH TĨNH SA MA THA (NÊN) ÐƯỢC VÀO TRONG THẾ GIỚI HOA TẠNG, ÐÓ GỌI LÀ MÔN THỨ BA.

Trong định duy có ý thức, các thức khác thì đều không khởi, cho nên mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, cho đến thân không cảm xúc. Ý thức (trong) một niệm đẳng lưu tương tục, an trụ, tịch tĩnh. Tâm định ắt phải có khinh an, khởi định tất có sự tinh tiến (của) thân tâm. Giờ đây lấy một lòng chuyên niệm lập nguyện sinh (cõi) kia làm phương tiện, (nghĩa) là niệm niệm phát nguyện vãng sinh, tu thành niệm Phật tam muội. Ðược vào trong thế giới Hoa Tạng, tất có thể thấy chỗ trụ của Phật A Di Ðà, (tức) chân tướng của thế giới Cực Lạc vậy. Hai (môn) trước là tán tâm, (còn) đây là định tâm. Y vào môn này, có thể thấy quan điểm của hai môn trước chính là thân độ của ứng hóa vậy.

MÔN VÀO THỨ TƯ LÀ DO CHUYÊN NIỆM QUÁN SÁT SỰ TRANG NGHIÊM (VI) DIỆU CỦA (CÕI) KIA (ÐỂ) TU TỲ BÀ XÁ NA. (NÊN) ÐƯỢC ÐẾN CHỐN KIA, THỌ DỤNG ÐỦ LOẠI (AN) LẠC PHÁP VỊ, ÐÓ GỌI LÀ MÔN THỨ TƯ.

Trong kinh khởi huệ quan sát, chuyên niệm quán sát tất cả sự trang nghiêm công đức của cõi nước Phật, (của chính) Phật, (và của) Bồ Tát. Quán huệ thành tựu, (thời) chứng nhập vào tịnh tâm địa, (và) có thể thọ dụng (an) lạc của pháp vị Ðại thừa. Ðó tất phải là tha thọ dụng độ [báo độ], Bồ Tát đã phần chứng pháp thân vậy. Mục đích tối cao (để) gặp Phật A Di Ðà do đó (được) thành đạt. Ba môn trên lấy tín nguyện làm chủ, môn ở đây là huệ Bát Nhã (làm chủ). Cho nên luận bắt đầu có nói: “Làm sao (để) quán? Làm sao sinh tín tâm?”. Y theo đó mà an lập năm môn vậy.

MÔN RA THỨ NĂM LÀ DO ÐẠI TỪ BI, QUÁN SÁT TẤT CẢ CHÚNG SINH KHỔ NÃO, THỊ HIỆN ỨNG HÓA THÂN, VÀO TRỞ LẠI TRONG VƯỜN SINH TỬ RỪNG PHIỀN NÃO, (NHƯ) THẦN THÔNG RONG CHƠI, ÐẾN VÙNG ÐẤT GIÁO HÓA, DO BỔN NGUYỆN LỰC HỒI HƯỚNG VẬY, ÐÓ GỌI LÀ MÔN RA THỨ NĂM.

Bồ Tát đã chứng pháp thân, nghĩa là phải nên dùng tâm đại bi, thương nhớ (đến) chúng sinh khổ, khởi thân ứng hóa – (hoặc) thân Phật, thân Bồ Tát, đủ loại thân chúng sinh, quay vào trở lại vườn sinh tử rừng phiền não. Thân ứng hóa Bồ Tát cùng chúng sinh đồng sự, hiện ra tướng có phiền não sinh tử. Thần thông rong chơi khởi đủ thứ Phật sự độ thoát chúng sinh. Rong chơi có nghĩa là tự tại. Thần thông rong chơi tức thần thông tự tại vậy. Bốn (môn) trước là lợi mình, hướng lên tiến tu nên là vào; ở đây là lợi người, quay trở vào sinh tử, nên gọi là ra.

BỐN LOẠI MÔN VÀO CỦA BỒ TÁT (LÀ) SỰ THÀNH TỰU CỦA HẠNH LỢI MÌNH CẦN PHẢI BIẾT. MÔN THỨ NĂM RA CỦA BỒ TÁT (LÀ) SỰ THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG LỢI ÍCH NGƯỜI. DO BỒ TÁT TU HẠNH CỦA NĂM MÔN NHƯ VẬY, LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI, MAU ÐƯỢC THÀNH TỰU A NẬU ÐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ÐỀ.

Trên đây là tổng kết. Lợi mình lợi người là hạnh Bồ Tát, tu hạnh Bồ Tát, có thể thành tựu A Nậu Ða la tam Miệu Tam Bồ Ðề – vô thượng chính đẳng chính giác, tức là thành Phật. Mau được thành Phật là dùng bổn nguyện lực của Phật A Di Ðà mà tu hành, như con trẻ y theo người lớn mà đi, không có ngu dại lầm đường té ngã, thì có thể mới đến được. Pháp môn niệm Phật này do đó mới có tên là mau được thành tựu vậy.

Năm môn ra vào trên đây xin nêu ra thí dụ để sáng tỏ. Bắc Bình xưa gọi là Bắc Kinh vốn là đế đô của bao triều đại. Ai muốn đến Bắc Kinh để gặp Hoàng Ðế, nếu đi cửa Chính Dương, tức là thành Bắc Kinh, (tức) như môn thứ nhất gần vậy. Ði vào thấy đường phố rộng dài, dân chúng qua lại, (tức) như môn thứ hai đại hội chúng vậy. Lại vào đến Tử Cấm Thành, xa thấy cung miếu đồ sộ, (tức) như môn thứ ba nhà vậy. Tiến vào trong cung viện đền điện, thấy nguy nga tráng lệ, không sao tả xiết, vua và các đại thần đang luận việc trong đó (tức) như môn thứ tư phòng vậy. Ðã gặp gỡ Hoàng Ðế rồi, sau đó tự tại thăm xem tất cả mọi thắng cảnh vườn tược, nhà nghèo phố cũ trong thành (tức) như môn thứ năm chốn vườn rừng rong chơi. Năm môn này, nếu lấy nhiều người mà nói, thì tùy công đức tu hành (mà) không đồng, sau cạn khác nhau. Tuy nói không đồng, song đồng là nước Cực Lạc, như đồng là thành Bắc Kinh vậy. Nếu lấy một người mà nói, thì ban đầu do lễ bái, càng tu càng vào sâu, rốt cuộc (là) thành Phật đạo. Ðầu tiên hết (là) thân nghiệp lễ bái, liền sinh Cực Lạc, ắc được thành Phật, có thể nói là dễ hành vậy!

Luận này tóm gom hết ý nghĩa của tất cả (kinh thuộc hệ) A Di Ðà kinh, hoằng dương đại pháp môn Tịnh Ðộ, trùm khắp cả ba căn(1) một cách chân chính, có thể cạn (mà cũng) có thể sâu, đã nghe được luận này, không thể lơ là coi nhẹ được vậy!

CHÚ THÍCH 46:

(1) Ba căn tức tiểu thừa, trung thừa và Ðại thừa, theo sự phân biệt trong Pháp Hoa Kinh.      

 —o0o—

 


Chương trước Chương tiếp
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.

Bài mới

  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
  • Con Gái Đức Phật
  • Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ)
  • SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  • TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Meta

  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.org
  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Con Gái Đức Phật, Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ), SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI, TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM, Liên Hoa Hóa Sanh - Pháp Sư Đạo Chứng, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai, Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm,