Vãng Sinh Tịnh Độ Luận Giảng Ký
Tác giả: Ấn Thuận Đại Sư
Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá
Nguyện Sinh Kệ Chú
Lược Luận Tịnh Độ
Tác giả: Đàm Loan Đại Sư
Việt dịch : Thích Nhất Chân
HUYỀN LUẬN
1) GIẢI THÍCH TỰA ĐỀ:
Bộ Luận này tên đủ là “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá”, hoặc gọi là “Vãng Sinh Tịnh Độ Luận”, hoặc do nói gọn là “Tịnh Độ Luận”. Tịnh Độ Tông ở xứ ta y theo “ba kinh một luận” mà lập tông. Về ba kinh thì một là Phật thuyết A Di Đà Kinh [ tiểu bổn]; hai cũng là tên A Di Đà Kinh [đại bổn], gồm nhiều bổn dịch, (bổn do) Vương Long Thư Cư sĩ biên tập lại là một bổn tương đối văn tự dễ hiểu, đó là bộ đại bổn thông dụng; thứ ba là Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Còn “một luận” kia chính là bổn Luận này, do căn cứ vào (các) A Di Đà Kinh mà tạo luận, nên được gọi là “A Di Đà Kinh Luận”. Người ta có kẻ cho rằng niệm A Di Đà Phật, chỉ Trung Hoa mới có, còn người Ấn Độ không hề có niệm A Di Đà Phật. Nói như thế không được đúng. Thật ra Ấn Độ, nhất lại là cả một miền từ Tây Bắc Ấn cho đến Y Lãng (Iran) [xưa gọi là An Tức], người niệm A Di Đà Phật rất đông [nay không còn dấu tích nữa], song không tập tông chuyên niệm như người nước ta mà thôi. Vả lại cả Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của Long Thọ Bồ Tát đều có phụ thêm nói về pháp môn này, và bổn luận này của Thế Thân Bồ Tát, lại đặc biệt chuyên đề xướng về pháp môn này. Mới biết niệm Phật tại Ấn Độ, xưa đã có rồi, đến Trung Hoa mới là nhiều. Song phương tiện niệm Phật của Hoa và Ấn đại khái có chỗ không đồng vậy thôi. Giờ giải thích tựa đề phân làm hai đoạn:
1- Vô Lượng Thọ Kinh
2- Ưu Bà Đề Xá
Vô Lượng Thọ Kinh: Vô Lượng chính là nghĩa của A Di Đà. Vô Lượng Thọ phạm văn là Amitayus. Người đời tuổi thọ đều có hạn lượng, nên không được triệt để, không được cứu cánh. Như học Phật đạt tới cảnh giới tối cứu cánh chính là được thường lạc, ngã, tịnh. Thường là một trong các đức (tính) của Phật: Phật (tuổi) thọ không giới hạn. Kinh ở đây tức chỉ cho các bổn thuộc hệ A Di Đà Kinh mà nói (1).
Ưu Ba Đề Xá (2): là một trong 12 bộ (kinh) (3), là luận tùy thuận theo nghĩa của Kinh mà giải thích. Luận của Ấn Độ có hai loại: một là, giống như chú sở của Trung Hoa, theo câu mà giải thích nghĩa của văn, gọi là “thích kinh luận”; hai là “tông kinh luận”, y theo nghĩa của kinh làm tông, theo đó mà phát huy, không coi trong văn cú. Bổn luận là tông kinh luận.
Điều cần chú ý về bổn luận này là bổn luận không hề giảng giải gì về (các) A Di Đà Kinh, cũng không nói lên nghĩa lý gì của (các) A Di Đà Kinh, mà (chính) là căn cứ vào (các) kinh này (để) đề ra một pháp môn tu hành.
Cho nên trọn những gì bộ luận trình bày đều là làm sao niệm Phật, làm sao phát nguyện vãng sinh, thế nên đây là một bộ luận lấy tu hành làm chủ yếu.
2) A DI ĐÀ PHẬT VÀ CỰC LẠC QUỐC ĐỘ.
Niệm Phật không phải chỉ là niệm Phật bằng miệng, mà phải niệm niệm không quên Phật và Tịnh Độ của Phật, và phát nguyện cầu xin về Tịnh Độ này. Nay trước tiên xin giảng về A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật tức là Vô Lượng Thọ Phật. Nói vô lượng thì trước hết cần phải biết gì là lượng. Lượng có nghĩa như là lớn nhỏ, lâu mau, nhẹ nặng, dài ngắn, kia đây, có thể so lường cùng nhau. Vạn vật thuộc thế gian không gì lại không thể lượng, không thể suy, không thể nghĩ, không thể dùng văn cú giải bày được. Song vị Phật mà đã cứu cánh viên mãn Phật quả, ắt cái cảnh giới của Ngài ta không thể nào so lường được, không thể nào suy nghĩ được, nên (gọi) là “vô lượng”. Ví như các giòng nước khi vào biển thì mất ngay tên gọi, mà đều chung là một thứ nước, hoàn toàn bình đẳng, không thể phân biệt, không thể giải bày. Như trí huệ và phước báu của chúng sinh, đủ loại sai biệt, song đến (chỗ) thành Phật, ắt là pháp thân hoàn toàn bình đẳng, bằng nhau không khác, tức thành (ra) vô lượng. Tuy dưới mắt của chúng sinh, vẫn có vô số Phật, mà thật ra nơi cảnh giới của Phật, một Phật tức là tất cả Phật, tất cả Phật tức là một Phật, như Kinh Hoa Nghiêm (vẫn thường) nói. Ban Châu Tam Muội Kinh có nói: Tu hành niệm A Di Đà Phật, khi thành tựu Ban Châu Tam Muội, sẽ được thấy Phật, song Phật được thấy (tuy) là A Di Đà Phật, mà cũng là thấy tất cả các Phật hiện tiền. Nên A Di Đà Phật có thể nói chính là đại biểu cho tất cả các Phật. Đó là ý nghĩa căn bổn của A Di Đà Phật. Suối nguồn giữa A Di Đà Phật và Hoa Nghiêm Kinh vô cùng thâm sâu. Như bổn luận có nói, phát nguyện vãng sinh “liên hoa tạng thế giới” của A Di Đà Phật. Hoa tạng thế giới này chính là Hoa Nghiêm thế giới của kinh Hoa Nghiêm. Lại Bát Thập Bát Phật Sám Hối Văn, (vốn) y theo phẩm cuối cùng Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm của Hoa Nghiêm Kinh mà ra. Các người cùng Tịnh Độ tông đều biết “Phổ Hiền thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc” (Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền là để dẫn đường quay về Cực Lạc), nên sự quan hệ giữa pháp môn A Di Đà Phật và Hoa Nghiêm Kinh vô cùng sâu xa. Bộ A Di Đà Kinh do Liên Trì Đại Sư (4) giải thích, chính là dùng ý nghĩa của Hoa Nghiêm Tông mà giải thích.
Vô Lượng thì dùng (hai nghĩa) Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ là nổi bật hơn cả. A Di Đà Bà Gia (5) là Vô Lượng Quang, A Di Đà Sưu Tư (6) là Vô Lượng Thọ.
Quang có hai loại. Một là Phật thân quang, biểu hiện Phật thân thanh tịnh, hai là trí quang, biểu hiện trí huệ vô biên, (cả hai) đều là đối tượng mong cầu của chúng sinh, và (chỉ) ở Phật mới được cứu cánh. Lại A Di Lợi Đa [Amrta] nghĩa là Cam lồ. Cam lồ theo người Ấn nói, nghĩa thông thường là thuốc bất tử, thật ra [bất sinh] bất tử, chính là nghĩa “thường” của Phật. Chữ A Di Lợi Đa trong Chú Vãng Sinh chính là nghĩa này, nên Cam Lồ Vương Phật cũng chính là A Di Đà Phật. Kinh đề tên Vô Lượng Thọ dường như để thuận theo thế tục; (nếu) y theo luận nghĩa ở dưới thì vốn lấy (nghĩa) Vô Lượng Quang làm chủ yếu.
Trở lên là bổn nghĩa của A Di Đà. Nhưng A Di Đà Phật mà ngày nay xưng danh, chính là xưng (vị Phật) tiền thân là Pháp Tạng Tỳ Khưu (7), nay thành Phật ở phương Tây (và đang còn) thuyết pháp (8). Sau khi Phật (này) nhập diệt sẽ do Quan Thế Âm Bồ Tát kế tục Phật vị (9). Song Cực Lạc thế giới ở phương tây, (vậy là) cũng có phương (hướng), vị (trí), cho nên thọ mạng và lãnh vực (của cõi) kia đều không phải là vô lượng. Điều này phải làm sao để giải thích đây? Đó chính bởi tâm lượng của chúng sinh hữu hạn, nên (phải) nói thành như vậy. Như trong Kinh Duy Ma Cật, Xá Lợi Phất đem (việc) Phật cảm uế độ mà nghi, không biết rằng có nhìn thành uế độ, (thì) chính là vì mắt Xá Lợi Phất nhìn ra như vậy, chứ không phải cõi Phật vốn tự là như vậy. Nay cõi của A Di Đà Phật vốn là vô lượng, (song) vì chúng sinh hữu lượng, (do) phương tiện nên nói là ở phương Tây như thế, như thế… vậy. Đó chính là trong vô lượng hiện hữu lượng, khiến cho chúng sinh được từ hữu lượng đạt đến vô lượng vậy.
Lại nói về Cực Lạc Quốc độ, trước hết bàn về lẽ có hay không có của Tịnh Độ. Bởi như không có Tịnh Độ, thì làm gì có chuyện vãng sinh? Nay nói về việc Tịnh Độ có hay không, có hai thuyết: một là người thông thường võ đoán cho là mê tín, bởi người mà tin thì chưa từng thấy qua, lại chưa từng đến qua, (nên) không thể chứng nhận là (Tịnh Độ) có. Hai là người tin Phật thì cho là chắc chắn có, vì tin vào kinh nói (có) như thế. Nay thể theo thường lý mà phán đoán, không cần phải chính thân mình trải qua, cũng chẳng phải toàn dựa vào kinh mà nói, cũng có thể nhận định thấy là ắt phải có (cõi kia). Điều ấy lập luận như sau:
1- Như khoa học ngày nay xướng thuyết, đã chứng thật được thế giới của chúng ta chỉ là một hành tinh trong vô lượng tinh cầu, điều ấy đủ biết ngoài thế giới này ra còn có các thế giới khác.
2- Lại hỏi các thế giới này có hơn kém khác nhau hay không? Cứ xem các chốn ở thế gian đều có hơn kém, có thể suy ra các thế giới cũng phải có hơn thua.
3- Nếu thế giới có hơn thua, ắt thế giới ngày nay của chúng ta có phải là đẹp nhất hay không, thì phải hiểu là không phải vậy. Vậy thời đủ biết có những thế giới còn hơn nữa, không có gì là đáng nghi. Cũng như khoa học giới gần đây, vì có vấn đề về đĩa bay, cũng cho rằng các tinh cầu khác có thể có các sinh vật có trí tuệ cao hơn chúng ta.
Như trên đủ biết Tịnh Độ không phải chỉ có, mà còn là rất nhiều, và còn có riêng những thù thắng khác nhau. Trong giới Phật giáo lại có người nói “duy tâm Tịnh Độ”, (ý) cho rằng Tịnh Độ chỉ có ở trong tâm, ngoài tâm thật không có Tịnh Độ.
Nói như thế thật là trái phạm với ý của Phật. Phải hiểu (các) thế giới cho tâm hiện ra, nói như thế đã đành, song đã nói như thế, thời phải biết uế độ cũng chỉ cho tâm mà hiện ra. Nay thừa nhận uế độ do tâm hiện ra là thật có trước mặt, sao lại chẳng thừa nhận Tịnh Độ do tâm hiện ra là thật có? Cho nên đã tin Tịnh Độ, thì phải tin nó thật có, không thể chấp lý bỏ sự được.
Lại về vấn đề Cực Lạc thế giới, vẫn luôn có những tranh luận lặt vặt. Nghĩa là Tịnh Độ này rốt là báo độ của Phật, hay là hóa độ [tức thế giới do Phật ứng hóa ra]? Xưa nay cho rằng Phật [nếu chiếu theo phép hai thân] có pháp thân và ứng hóa thân. Cõi của pháp thân là thật báo độ, cõi của ứng hóa thân là hóa độ. Nay nếu Tịnh Độ đây là báo độ, ắt chúng sinh tội ác làm sao đến được? Nếu là hóa độ, thời chúng sinh chưa đoạn phiền não cũng có thể tựa vào Phật nguyện lực và tự nguyện lực mà được vãng sinh. Song cõi này dường như không được cứu cánh cho lắm. Nay vấn đề này tuy không cần phải thâm cứu, song nếu theo các bổn A Di Đà Kinh mà xét, thì cõi này hình như chuyên vì hóa đạo chúng sinh ở uế độ mà hiện ra để nhiếp dẫn. Nếu y Ban Châu Tam Muội Kinh mà nói, người tu hành sẽ được A Di Đà Phật hiện thân ra mà nói pháp cho mình, và lúc đó hành giả khởi niệm quán sát: “Phật lại có đến sao? Phật lại có đi sao? (Phật vốn) không đến không đi, song Phật hiện tiền, (mới) biết do tâm biến hiện. Tâm này niệm Phật, tâm này làm Phật. Phật tức là tâm, tâm tức là Phật”. Quán pháp như vậy. Từ đó mà ngộ nhập thật tướng của các pháp, như thế mà vãng sinh Cực Lạc thế giới, ắt Cực Lạc thế giới không hề phải là ứng hóa độ. (Hành giả) kia ngay lúc hoa nở thấy Phật ngộ vô sinh nhẫn, thì Tịnh Độ nọ chẳng phải nơi phương đông, chẳng nơi phương tây, chính là biến khắp mọi nơi và (chính) là báo độ vậy. Trong Đại Tạnh kinh, (các kinh) có liên quan về Cực Lạc Tịnh Độ rất nhiều, không phải chỉ ba kinh mà ngày nay vẫn thường nói mà thôi. Tịnh Độ mà các kinh ấy trình bày, có kinh bảo (đó) là báo độ của Phật, có kinh (cho) là hóa độ, cho nên gây ra biết bao tranh biện cho cổ nhân. Như nói: “niệm Phật tức sinh Cực Lạc”, một số người giải thích là niệm Phật chắc chắn được vãng sinh, như thường nói là “đái nghiệp vãng sinh” (mang theo nghiệp mà vãng sinh). Lại một số người khác thì cho rằng đó chỉ là “biệt thời ý thú” (10), nghĩa là khi nói vãng sinh, không phải là vãng sinh tức thời, mà có nghĩa là trải qua bao nhiêu đời tiến tu, rốt cuộc sẽ vãng sinh, không phải ý nói hiện đời này mà vãng sinh. Như người đời (thường) nói “nhất bổn vạn lợi” (một vốn vạn lời), chính là từ từ buôn bán, chất chứa mà được, chứ không phải bỏ ra một đồng liền có thể được vạn lời. Các giải thích khác nhau này dĩ nhiên đều do sự hiểu biết không đồng nhau về Phật thân độ (11) mà ra. Thật ra Tịnh Độ chỉ là một, mà thấy ra báo độ, hóa độ, hoàn toàn nhìn theo trình độ tu hành của chúng sinh mà định. Như tu hành công sâu, vẫn có thể tại hóa độ mà đắc pháp thân, ắt hóa độ này cũng chẳng dời báo độ vậy.
3) Ý HƯỚNG CỦA SỰ VÃNG SINH CỰC LẠC.
Tại sao lại muốn vãng sinh Cực Lạc? Tại sao lại phát nguyện ấy? Phải biết pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn Đại thừa. Tiểu thừa không có Tịnh Độ mười phương, nên cầu vãng sinh Tịnh Độ là đặc sắc của Đại thừa. Mà yếu nghĩa của Đại thừa là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” (trên cầu Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sinh). Nếu niệm Phật không lìa tâm cảnh Đại thừa này thì sẽ phù hợp với ý nghĩa sinh về Cực Lạc. Nếu chỉ vì lìa khổ được lạc, ắt là căn tính Tiểu thừa rồi. Song phát tâm Đại thừa, tại sao lại phải cầu sinh Tịnh Độ? Bởi uế độ nhân duyên không đầy đủ, học Phật không dễ, tuy phát tâm Bồ Đề, song chướng ngại hết sức nhiều, sinh, lão, bệnh, tử, không nắm chắc được chút gì (12), nên cần phải vãng sinh Cực Lạc. “Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ” (cùng ở một chỗ với các bậc toàn thiện), quyết không đến nỗi thối mất đại tâm. Mã Minh Bồ Tát (13) trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có nói: “Như Lai có thắng phương tiện, không để thối chuyển [thối mất tâm Bồ Đề]” (14), tức nói về ý nghĩa (vãng sinh) này vậy. Đủ thấy ý hướng cứu cánh của sự vãng sinh chính ở chỗ không mất tâm Bồ Đề. Đến như việc sinh Tịnh Độ của bát địa Bồ Tát Mã Minh và sơ địa Bồ Tát Long Thụ (15), cùng với phàm phu cầu sinh, cũng không hề giống nhau. Bậc đã ngộ vô sinh nhẫn (16) thuộc đăng địa Bồ Tát (17), thì tùy nguyện (mà) vãng sinh Tịnh Độ, như nước đổ vào chỗ trũng, chính là cái thế ắt sẽ phải đến (18), (so) với người phát tâm cầu sinh thời không giống (nhau) vậy. Cho nên chúng sinh không (kể) cao thấp, trọn đều sinh được, duy có người không phát tâm Bồ Đề (là) không (được) dự vào đó (19).
4) TÁC GIẢ VÀ DỊCH GIẢ.
“Luận”, tại Ấn Độ là do Đại thừa Bồ Tát hoặc Tiểu thừa A La Hán làm, “tạo” có nghĩa là trước tác. Bồ Tát là (người) phát tâm Bồ Đề, trên cầu Phật đạo, dưới hóa chúng sinh, (một) hữu tình giác (cùng) cực (chính) là Bồ Tát. Bà Tẩu Bàn Đầu (20), xưa dịch Thiên Thân, pháp sư Huyền Trang dịch sửa lại là Thế Thân. Thật ra, cả hai cách dịch đều không ổn lắm. Bởi (chữ) “Thiên” theo Ấn ngữ là Đề Bà (21), “Bà Tẩu” là tên (một vị) thần, mà lại không hề có nghĩa là “Thế” (22). Nguyên thần là chỗ “thân” của người đời, người mong có con nếu cầu sẽ được con, nên gọi là Thế Thân [thiên] (23), vị Bồ Tát này rất là nổi danh. (Ngài) là một trong hai vị Bồ Tát của Duy Thức Pháp Tướng Tông. Tại Ấn Độ (ngài) có danh tiếng lớn, được gọi là “Thiên Bộ Luận sư” (24). Bộ Luận Thông Minh [Câu Xá Luận] chính là do ngài tạo ra. Bộ Tam Thập Duy Thức Luận [người sau chú giải thêm vào thành Thành Duy Thức Luận], trong các luận của Đại thừa, là chỗ y cứ của Duy Thức Tông, bộ luận này cũng do ngài làm nên. Do vì ngài có một nhận thức hết sức thâm sâu đối với toàn thể Phật pháp, cho nên cách nhìn, cách tu (của ngài) đối với pháp môn niệm Phật này, cũng có những kiến giải (rất) độc đáo. Đây là nói qua về sinh bình của Bồ Tát. Bồ Tát sinh tại tây bắc Ấn vào khoảng 900 năm sau Phật nhập diệt [thuộc thời đại Tây Tấn (25) bên Trung Hoa]. Anh em ba người, anh là Vô Trước (26), em là Sư Tử Giác, đều là đệ tử xuất gia Phật (giáo). Người Ấn thời đó xuất gia, đều xuất gia nơi giáo đoàn Tiểu thừa. Ngài xuất gia nơi Hữu Bộ (27), trước học Tiểu thừa (làm) thành bộ Câu Xá Luận. Anh ngài là Vô Trước, gặp Di Lặc tận mặt, đắc Duy Thức Quán. Biết em mình mê nơi Tiểu thừa, coi như bệnh (nên) kêu lại gặp, nói cho nghe nghĩa Đại thừa. Thế Thân giác ngộ, định tự cắt lưỡi. Vô Trước khuyên hãy “hồi tiểu hướng đại” (bỏ Tiểu thừa quay về Đại thừa), dùng lưỡi ấy mà hoằng dương Đại thừa, (ngài) bèn vâng nối nghiệp (anh). Các bộ luận ngài trước tác không thiếu một thứ gì, hễ Đại thừa kinh là không (thứ) nào không xiển dương. Bộ luận này là một trước tác danh tiếng vốn dựa vào yếu nghĩa của toàn thể kinh điển Đại thừa để giải thích A Di Đà Kinh.
Dịch giả là Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi (28) thời Nguyên Ngụy (29). Nguyên Ngụy tức Thác Bạt Ngụy, Thiên Trúc tức Ấn Độ, Tam Tạng là tinh thông Kinh, Luật, Luận.
Bồ Đề Lưu Chi: Bồ Đề nghĩa là giác; Lưu Chi là người mong cầu, yêu thích; có nghĩa là vui cầu giác ngộ. Ngài này trong lịch sử Phật giáo (Trung Hoa) địa vị rất là cao, (có những) quan hệ rất là lớn. Ngài vào thời Nguyên Ngụy từ Ấn Độ đến kinh đô của Ngụy, kinh luận ngài dịch ra rất nhiều, chủ yếu đều là các luận trước của Vô Trước và Thế Thân, như Kim Cương Kinh, Pháp Hoa Kinh, Thập Địa Kinh này nọ đều có luận, trọng yếu nhất trong số là Thập Địa Kinh Luận. Bổn dịch của bộ luận này một thời thịnh hành, (lập) thành Địa Luận Tông (30). Sau lại diễn biến thành Hoa Nghiêm Tông (31). Ảnh hưởng của Luận (này) đối với Phật giáo Trung Hoa rất sâu. Song “duy thức” mà ngài dịch (so) với những gì mà Pháp sư Huyền Trang giải minh sau này hơi có chỗ không đồng. (Thuyết) chân tâm do ngài đề xướng rất hợp với cá tính của người bổn quốc. Bổn luận này do ngài dịch đối với việc niệm Phật của người nước ta cũng là một sự khai mở to tát. Người ngày nay chỉ biết Pháp Sư Huệ Viễn ở Lô Sơn (32), là thủy tổ của Tịnh Độ tông (chứ) không biết pháp môn Tịnh Độ (từ lúc) ban đầu chưa thành tông (mà) hoằng dương, thì người mà chân chính chuyên môn hoằng dương, thật ra là Đàm Loan Pháp Sư (33). Song việc Đàm Loan hoằng (hóa) Tịnh Độ cũng là một nhân duyên thật đặc biệt. Nguyên vì Đàm Loan thể chất yếu đuối, sợ không kịp hoằng pháp thì đã yểu tử, nên xuống phương nam, theo đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh học phương pháp luyện thuốc, đến khi quay về bắc Ngụy cùng Bồ Đề Lưu Chi tương ngộ, đem chuyện phỏng đạo ra kể lại. Bồ Đề Lưu Chi bác, cho là vọng (tưởng). Đàm Loan xin chỉ cho thuật trường sinh của Phật giáo, Bồ Đề Lưu Chi đưa ra cho bổn luận này. Đàm Loan tập theo đại ngộ, bèn nỗ lực hoằng dương, có làm ra bộ Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Xá Nguyện Sinh Kệ Chú. Sau này Đạo Xước (34) tiếp nối, lại truyền đến Thiện Đạo (35) đời Đường thì thịnh hành. Cho nên Tịnh Độ một thời phong thịnh, công lớn là do bộ luận này của Bồ Đề Lưu Chi vậy.
MỤC LỤC
Lời tựa .. - Quyển Thượng Phần 4. Lược Luận an Lạc Tịnh Ðộ nghĩa . . |
LỜI TỰA
Tịnh Ðộ không phải chỉ là lý tưởng của Tịnh Ðộ tông, mà còn là khuôn mẫu lý tưởng chung cho mọi tông phái của Ðại thừa Phật giáo nữa.
Người ngoài cũng như Phật tử nói chung, thường bị quan niệm thanh tịnh cá nhân (tức lý tưởng của Tiểu thừa) ám ảnh đến mức độ như tin chắc rằng Phật giáo chỉ là con đường để thanh tịnh cá nhân đến mức tuyệt đối toàn hảo. Ðại thừa bị nghi ngờ là hậu sinh và bị pha trộn đủ thứ lệch lạc trong đó. Thậm chí có người còn cho Ðại thừa không phải là Phật giáo mà chỉ là một nỗ lực của ngoại đạo để phá hoại Phật giáo “nguyên thủy” chính thống. Lý do chẳng qua là vì Ðại thừa hoàn toàn đượm mùi vị tôn giáo tập thể, phản ngược lại với chất vị cá nhân thuyệt đối trong sạch của Tiểu thừa “nguyên thủy”.
Một sự thẩm xét thấu đáo về Ðại thừa sẽ cho thấy rằng những ám ảnh trên là hoàn toàn sai lầm. Lịch sử Phật giáo cũng chứng thật rõ ràng là Ðại thừa không hề phá hoại Tiểu thừa, cũng không hề tiếp tay với ngoại đạo. Trước sau Ðại thừa vẫn là Ðại thừa và hoàn toàn là Phật giáo. Ðại thừa cũng không hề xóa bỏ con đường thanh tịnh của cá nhân, trái lại sự thanh tịnh ấy, đối với Ðại thừa, lại chính là chân lý tuyệt đối phổ biến khắp mọi nơi và mọi loài. Ðại thừa có thể nói với Tiểu thừa rằng: “Chúng ta chẳng có gì khác nhau, chẳng qua anh cá nhân và tôi tập thể mà thôi. Tất cả mọi nỗ lực của tôi làm là để thành tựu sự thanh tịnh cho tất cả chúng sinh. Anh tôn thờ Phật như một cá nhân hoàn toàn thanh tịnh, tôi tôn thờ Phật như một pháp thân thanh tịnh biến khắp không gian thời gian, mà mỗi vị Phật xuất hiện trong đời chỉ là một hiện thân cá nhân của pháp thân thanh tịnh ấy mà thôi. Anh thực hiện sự thanh tịnh viên mãn để Niết Bàn hóa toàn thể hiện hữu của cá nhân anh, tôi thực hiện sự thanh tịnh viên mãn cho toàn thể chúng sinh để tịnh độ hóa toàn thể vũ trụ...”.
Tóm lại, theo Ðại thừa, cái chân lý viên mãn mà đức Phật giác ngộ ra không phải Tiểu thừa mà cũng chẳng phải Ðại thừa, không phải ngoại đạo cũng chẳng phải Phật giáo. Nó vốn cứu cánh thanh tịnh tuyệt đối dứt mọi ngôn ngữ và tư tưởng. Tuy thế nó lại là nền tảng duy nhất cho toàn thể mọi xu hướng hiện hữu, nó là nguồn năng lực sinh khởi bất tận cho mọi sự hữu được hiện hữu. Nó là tất cả, là toàn thể. Song không phải vì thế mà cái gì cũng là Phật giáo được. Cái tính chất “là tất cả” của tất cả chân lý này, Phật giáo không hề chịu chia xẻ chung với Ấn Ðộ giáo. Cái nguyên lý “là tất cả” nầy là nguyên lý củ sự giác ngộ của đức Phật, chứ không phải là nguyên lý của một năng lực huyền bí bao trùm khắp vũ trụ, mà loài người cứ tha hồ võ đoán là thần lực hay Thượng Ðế... nói cách khác cái nguyên lý “là tất cả” nầy đã được giác ngộ hóa cũng như thanh tịnh hóa, thế nên toàn thể vũ trụ, tất cả các pháp, đều là giác ngộ, đều là thanh tịnh, đều là Phật pháp.
Do đó, tuy chân lý tuyệt đối phải là chân lý chung của mọi loài, mọi tôn giáo, song nếu nó chưa được giác ngộ hóa và thanh tịnh hóa, thì nó không có một tác dụng gì hơn là một giấc mộng “vũ trụ” biến diệt bất tận và vô nghĩa. Nó thật sự không đưa lại một lối thoát, mà chỉ đưa lại một nguyên lý thần lực tuyệt đối áp đặt vào thân phận của muôn loài. Khi ấy Phật giáo từ chối nó như là chân lý tuyệt đối, mà chỉ coi đó là một nguồn lực vô minh bao trùm khắp mọi loài.
Như thế, với Ðại thừa, vô minh và giác ngộ có chung một nguyên lý tuyệt đối. Song trong giới hạn của vô minh, nguyên lý tuyệt đối này là một thảm họa cho muôn loài. Một khi thoát vào thế giới giác ngộ, nguyên lý tuyệt đối sẽ thanh tịnh hóa và giải thoát cho tất cả mọi cõi mọi loài. Và chỉ với giác ngộ, nguyên lý tuyệt đối này mới được coi là chân lý. Do đó, nếu thiếu giác ngộ, (hay rõ hơn, nếu thiếu một vị Phật) sẽ không thể có chân lý tuyệt đối, không thể có Niết Bàn, an lạc, giải thoát chân thật, dù cái nguyên lý tuyệt đối của muôn loài vẫn luôn luôn có mặt ngay đây.
Vì vậy, một mặt chân lý của đạo Phật là chung cho tất cả chứ không riêng gì của Ðại thừa, song mặt khác chỉ có xu hướng Ðại thừa mới duy nhất hiển lộ ra được toàn thể chân lý chung hết cho mọi loài. Bởi chỉ có xu hướng Ðại thừa mới lấy sự giác ngộ của đức Phật làm lý tưởng cứu cánh, con đường Ðại thừa mới nuội dưỡng và phát triển ánh sáng giác ngộ ấy đến mức viên mãn.
Mà đến mức viên mãn có nghĩa là đưa ánh sáng giác ngộ từ cá nhân sang thấm nhập vào tất cả mọi hiện hữu cho đến khi toàn thể hiện hữu đều trở nên hoàn toàn thanh tịnh trong ánh sáng giác ngộ. Khi ấy thế giới trở thành Tịnh Ðộ và cá nhân giác ngộ trở thành pháp thân thanh tịnh biến khắp không và thời gian. Ðây là cảnh giác ngộ viên mãn và chân thật nhất của một vị Phật, và là khuôn mẫu lý tưởng của Ðại thừa Phật giáo vậy.
Ðại thừa trở thành một tôn giáo, bởi đối tượng của Ðại thừa giờ đây là pháp thân thanh tịnh Phật, một thật thể siêu việt nhưng tích cực biến hiện cùng khắp theo nguyên tắc giác ngộ và tịnh hóa mọi loài. Ðồng thời Ðại thừa vẫn là con đường thành tựu thanh tịnh của cá nhân, bởi mỗi cá nhân tin tưởng đều có bổn phận phải thành tựu pháp thân thanh tịnh kia qua sự giác ngộ của mình để cứu độ tất cả chúng sinh.
Trong tiến trình thực hiện sự giác ngộ để thành tựu pháp thân, Tịnh Ðộ (và báo thân Phật) là một điều không thể thiếu sót được cho hành giả Ðại thừa. Ðó là huyết mạch giao thông giữa hành giả và thập phương chư Phật, qua đó hành giả thân chứng từ từ ra được pháp thân phổ biến vô cùng tận. Do đó sự thể nhập vào Tịnh Ðộ của Phật A Di Ðà là một phương tiện tối cao, tối cần thiết, và không thể không có được cho một hành giả Ðại thừa. Và sự thể nhập chỉ hoàn toàn đúng nghĩa khi hành giả trở thành một với Tịnh Ðộ, nghĩa là qua sự vãng sinh để trở thành một thành phần (một con dân) của Tịnh Ðộ. Sự vãng sinh để thể nhập nầy có thể thực hiện được là bởi toàn thể vũ trụ đã được quang minh trí tướng của A Di Ðà Phật tịnh hóa đã được mười kiếp nay rồi, song chúng ta vẫn cứ hóa hiện theo nguyên tắc của vô minh nên vẫn không hề hay biết, song như thế có nghĩa là chúng ta đã ở sẵn trong Tịnh Ðộ rồi, vấn đề chỉ còn là rũ bỏ tất cả mọi nghiệp lực vô minh của cá nhân qua sự chết và bằng lòng đón nhận Tịnh Ðộ qua niềm tin quyết liệt. Do đó thể nhập vào Tịnh Ðộ, niềm tin là căn bản tiên quyết. Hành giả Ðại thừa cần phải có lòng tin tuyệt đối vào Tịnh Ðộ và buông bỏ hết mọi dính dấp với sáu cõi vô minh. Tịnh Ðộ trở thành thật thể của hành giả, khi ấy trí huệ thể nhận ra pháp thân cùng đại nguyện cứu độ toàn thể chúng sinh sẽ được phát hiện và thành lập. Và con đường Bồ tát đạo mở rộng ra trước hành giả...
Tịnh Ðộ như thế là chung cho các hành giả Ðại thừa chứ không riêng gì của Tịnh Ðộ tông. Vãng Sinh Luận ở đây do Thế Thân (Vasubandhu) Bồ Tát tạo, và được giảng giải qua hai bậc Ðại sư khả kính: Ấn Thuận Ðại sư, một cao tăng hiện đại của Trung Hoa, và Ðàm Loan Ðại sư, một bậc cổ đức của triều đại nhà Tùy bên Trung Hoa. Thế Thân vốn là tổ của Duy Thức học; Ấn Thuận là một bậc bác học về tạng kinh điển, nhưng có thiên về tính Không học; Ðàm Loan như khai tổ của Tịnh Ðộ học vậy, bởi có lẽ trước ngài không ai khai triển hay đả động gì đến Tịnh Ðộ... Như thế đủ thấy mọi xu hướng của Ðại thừa một khi đi sâu vào chân ý nghĩa của Ðại thừa, ắt hẳn sẽ gặp nhau nơi Tịnh Ðộ.
Những sự hiểu lầm về Tịnh Ðộ cần phải được tẩy rửa đi, lòng tin vào Tịnh Ðộ cần phải được thành lập, trước khi chúng ta có thể đặt bước vào con đường Ðại thừa Bồ Tát đạo.
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ ẤN THUẬN VÀ ÐÀM LOAN
ẤN THUẬN ÐẠI SƯ (1906)
Ấn Thuận Ðại sư người huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, sinh năm 1906.
Ngày 11 tháng mười năm 1920 (Dân Quốc 19) được lão hòa thượng Thanh Niệm trụ trì Phước Tuyền Am tại Phổ Ðà Sơn thế độ cho, đặt phàp danh là Ấn thuận, hiệu là Thanh Chánh. (việc xuất gia của Ấn Thuận là do sự đồng ý , chỉ thị của Dục Sơn Thượng Nhân, giới huynh của Thái Hư Ðại sư).
Cuối tháng mười 1920 (Dân Quốc 19), đến thiên Ðồng Tự thọ giới. Giới Hòa thượng (Hòa Thượng đàn đầu) là Viên Anh Lão Pháp sư.
Tháng 2, 1931 (Dân Quốc năm 20, ngài 26 tuổi) được sự đồng ý của tiên sư, Ấn Thuận đến Mân Nam Phật học viện, chùa nam Phổ Ðà ở Hạ Môn cầu pháp. Vào học lớp sơ cấp, mùa hạ chưa hết lại bị bệnh. Từ đó không khôi phục tinh thần lại được bình thường, cơ thể suy yếu nhiều.
Ðầu tháng tám, đại diện cho viện trưởng Ðại Tinh Pháp sư phái ngài đến Dũng Tuyền Phật học viện ở Cổ Sơn dạy học.
Năm 1932 (Dân Quốc 21, ngài 27 tuổi), đầu học kỳ, Ðại Tinh Pháp sư yêu cầu Ấn Thuận dạy lại chính lớp mà khi trước ngài (Ấn Thuận) vào học.
Ðược ít lâu, Ấn Thuận bèn tự nghĩ: “Mình phát tâm xuất gia vì cầu pháp. Học chưa đầy bốn tháng lại ở chính nơi đây làm giảng sư, thật chẳng biết tàm quý. Ở đây không thể đạt được nguyện vọng cầu pháp của mình, mình phải tự tìm cầu. Nghĩ thế, Ngài bèn biên thư về Phước Tuyền Am nhờ biên thư kêu ngài trở về gấp vì lý do khẩn.
Mùa hạ 1932 (27tuổi), đến chùa Huệ Tế - núi Phật Ðỉnh, ở Lầu Kinh đọc Ðại Tạng. Ở đây được một năm rưỡi để đọc chương sớ của Tam Luận Tông.
Tháng một 1934 (29 tuổi) lại đến Vũ Xương Phật học viện, tại đây lần đầu tiên được lễ kiến Thái Hư Ðại sư. Sau đó đi Nam Kinh, đến thăm Cổ đạo tràng của Tam Luận Tông. Trở lại Vũ Xương ở đấy nửa năm, đọc xong chương sớ của Tam Luận Tông, và sau đó trở lại núi Phật Ðỉnh.
Khoảng tháng 6, 7 nhận được thư của Thái Hư Ðại sư và Thường Tinh Pháp Sư, viện trưởng đại học Mân Nam mời ngài đến Hạ Môn (Mân Nam Phật học viện).
Ðến Hạ Môn được nửa năm (1/1935, 30 tuổi), trở lại Thượng Hải, sau đó về Lầu Kinh ở núi Phật Ðỉnh, duyệt tạng kinh đến mùa thu năm 1936 (Dân Quốc 25, 31 tuổi) đọc xong Ðại tạng.
Ấn Thuận Ðại sư là một trong những hiện đại danh tăng lỗi lạc nhất hiện cư ngụ tại Ðài Loan (Ðài Trung). Tuy nhiên lạp đã cao nhưng ngài vẫn ngày đêm nghiên cứu thêm về Phật Pháp, viết rất nhiều tác phẩm Phật giáo.
Ngoài những tác phẩm lẻ mà sau này được kết lại thành bộ Diệu Vân Tập, còn được biết thêm những tác phẩm của ngài như:
- Nguyên Thủy Thánh điển chi tập thành,
- Ðại thừa sơ kỳ Phật giáo, khởi nguyên dữ khai triển,
- Như Lai tạng chi nghiên cứu v.v...
(Theo “Hoa Vũ Hương Vân” của Ấn Thuận).
Ðàm Loan Ðại Sư (476-542)
Truyền thống Tịnh Ðộ Trung Hoa coi Lô Sơn Huệ viễn (334-416) Ðại sư như sơ tổ và không hề đề cập gì đến Ðàm Loan Ðại sư hết. Tuy nhiên theo truyền thống Tịnh Ðộ Nhật Bản thì Ðàm Loan Ðại sư lại được coi là Thủy Tổ, bởi Tịnh Ðộ Nhật Bản tryền thừa theo hệ Ðạo Xước và Thiện Ðạo, mà Ðạo Xước và Thiện Ðạo lại liên hệ và bị ảnh hưởng chính yếu bởi Ðàm Loan.
Theo “Tục Cao Tăng truyện”, Ðàm Loan vốn người Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây. Nhân du ngoạn Ngũ Ðài Sơn, thấy tâm thần thư thái, bèn phát tâm xuất gia. Ngài học rộng về cả nội, ngoại điển, nghiên cứu thâm sâu về bốn luận (Trung, Bách, Thập nhị môn luận và Ðại trí Ðộ Luận), cùng các vấn đề về Phật tính. Một hôm đang duyệt đọc Ðại tập Kinh, thấy từ ngữ rất thâm mật, khó cho người hiểu, nên ra sức chú giải. Ðược nửa phần, bỗng nhiên phát bệnh. Sau tuy có khỏi, nhưng nghĩ đến đời người vô thường, nên lập chí tìm học thuật trường sinh trước, rồi mới hoằng đạo sau. Do đó mới lần về phương Nam, đến Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô vào năm Ðại Thông triều Lương Vũ Ðế. Lương Vũ Ðế tiếp kiến tại Trùng vân điện, hỏi về vấn đề Phật tính. Sau đó, tại Thái Vân điện hỏi thăm Ðại sư cớ gì tìm đến phương Nam. Ngài bèn cho biết muốn tìm Ðào Quân để học phép tiên. Ðế giới thiệu cho Ðào quân, tức Ðào Hoằng Cảnh, tiếp đãi ân cần và tặng cho Ðại sư mười quyển tiên kinh. Ðại sư được tiên kinh, muốn tìm ngọn núi ẩn cư tu luyện. Trên đường trở về Bắc Ngụy, ngang qua lạc Dương, gặp gỡ Tam Tạng Bồ Ðề Lưu Chi, mới hỏi thăm trong Phật pháp có chăng phương pháp bất tử hơn hẳn tiên kinh của Trung Quốc? Lưu Chi Tam Tạng bác bỏ tiên kinh, cho rằng dù có được trường sinh bất tử, nhưng chung cuộc vẫn thuộc ba cõi luân hồi! Trường sinh bất tử chân chính duy chỉ có Phật đạo. Rồi trao cho Ðại sư Quán Vô Lượng Thọ Kinh, bảo y theo đó mà tu hành, sẽ được giải thoát và trường thọ vĩnh viễn. Ðàm Loan vâng theo, đốt hết tiên kinh và chuyên tu theo Di Ðà Tịnh Ðộ Pháp môn. Lại dạy bảo tăng tục tự thực hành và dạy người khác hành. Giới đế vương Bắc Ngụy thời ấy tôn trọng đức ngài, sắc phong là Thần Loan, và sắc trụ tại Ðại Nghiêm Tự ở Tinh Châu. Sau ngài dời về Huyền Trung Tự ở Phần Châu tập chúng huân tu niệm Phật pháp môn. Ngài thị tịch vào triều Ðông Ngụy, tháng 5 năm Hưng Hòa thứ 4.
Tác phẩm do Ðàm Loan trước tác không có bao nhiêu. Ngoài “Ưu bà Ðề Xá Nguyện Sinh Kệ chú” (2 quyển) ở đây ra, còn có “Tán Di Ðà Phật kệ” (1 quyển) và “Lược Luận An Lạc Tịnh Ðộ Nghĩa” (1 quyển).
(Phỏng theo “Trung Quốc Tịnh Ðộ Giáo lý sử” của Vọng Nguyệt Tín Ðình).
---o0o---
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.