• Danh sách
  • Thể loại
    • 5 Periods of Buddha’s teachings - Ngũ Thời Giáo
    • A Basic Buddhism Guide
    • Accounts of Request and Response
    • Activities
    • Agama - Thời Kỳ A Hàm
    • Ấn Quang Đại Sư
    • Avatamsaka Period - Thời Kỳ Hoa Nghiêm
    • Basic Teachings
    • Bộ A Hàm
    • Buddhist Education in China
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Studies
    • Buddhist Sutras
    • Cao Tăng Quảng Khâm
    • Changing Destiny
    • Chinaese
    • Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 2
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 3
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 4
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 5
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 6
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 7
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 8
    • Chư Tổ - Cao Tăng
    • Chưa phân loại
    • Collected Talks
    • Contact
    • Cư Sĩ Lưu Tố Vân
    • Cultivation
    • Cultivation Hall
    • Cultivation Hall Rules
    • Curriculum
    • Daily Living
    • Dharma
    • Đại Đức Thích Đạo Thịnh
    • Đại sư Hành Sách
    • Đại sư Liên Trì
    • Đại sư Ngẫu Ích
    • Đại Tạng Kinh
    • Đệ Tử Quy
    • Đệ Tử Quy
    • Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh Giảng Ký
    • Đọc sách ngàn lần
    • EBook .Doc - .PDF
    • Essence of the Infinite Life Sutra
    • Eyewitness Accounts
    • Founder
    • Giảng Giải Kinh Sách
    • Giảng Kinh
    • Giảng Kinh Địa Tạng
    • Giảng Kinh Địa Tạng lần 1
    • Giảng Ý Nghĩa Pháp Hội Quán Âm TTHN
    • Glossary
    • Guidelines for Being a Good Person
    • Hán văn - 古文 - Cổ Văn
    • History and Culture
    • Hòa Thượng Diệu Liên
    • Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
    • Hòa Thượng Tịnh Không
    • Hòa Thượng Tịnh Không Khai thị
    • Học Chữ Hán Việt
    • Học Tập Văn Hóa Truyền Thống
    • Indonesian Translation
    • Khoa Học
    • Kinh điển Bắc truyền
    • Kinh điển Hán tạng đã Việt dịch
    • Kinh điển Nam truyền
    • Kinh Tạng
    • Kinh Vô Lượng Thọ 1994
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 10
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 11
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Learning
    • Lotus Nirvana - Thời Kỳ Pháp Hoa và Niết Bàn
    • Luận Tạng
    • Luật Tạng
    • Main
    • Main Thoughts
    • Mission
    • More...
    • Mr. Li Bingnan
    • Ms. Han Yin
    • Nghi Thức Tụng Niệm
    • Nhạc Niệm Phật
    • Nhạc Phật Giáo
    • Nhân Quả Báo Ứng
    • Online Study Guide
    • Phần mềm ứng dụng Phật Pháp
    • Pháp ngữ
    • Pháp Sư Ngộ Thông
    • Phật giáo nước ngoài
    • Phật Học Vấn Đáp
    • Phiên âm Hán Việt - 古Cổ 文Văn
    • Phim Phật Giáo
    • Phim Tài Liệu
    • PLLCA Library
    • Prajnã Period - Thời Kỳ Bát Nhã
    • Primary & Secondary
    • Professor Fang Dongmei
    • Pure Land Buddhism
    • Pure Land Organizations
    • Quốc tế
    • Resources
    • Retreat Application
    • Retreats
    • Sách
    • Sách nói Audio
    • Sách Văn Học PG
    • Six Harmonies
    • Six Paramitas
    • Stories
    • Sử Phật Giáo
    • Sutra Excerpts
    • Sutra Stories
    • Sutras Books
    • Symbolism
    • Tam tạng Kinh điển Sanskrit - PALI
    • Teachers
    • Teachings
    • Ten Attainments
    • Ten Great Vows
    • Ten Virtuous Karmas Sutra
    • Ten-recitation Method
    • Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
    • The Buddhist World
    • The Supreme Buddha
    • Theo dấu chân Phật - Hành Hương Đất Phật
    • Thiên Hạ Phụ Tử
    • Three Conditions
    • Threefold Learning
    • Timelines
    • Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
    • Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014
    • Tịnh Tông Học Viện
    • Tổ Tịnh Độ Tông
    • Training in the Traditional Way
    • Training Procedure
    • Trần Đại Huệ
    • Trích Đoạn Khai Thị
    • Trích Yếu
    • Tripitaka - 大藏經
    • Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
    • Truyện Phật giáo
    • Truyện thiếu nhi song ngữ
    • Truyện Tranh Phật Giáo
    • Tụng Kinh
    • Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
    • Vaipulya Period - Thời Kỳ Phương Đẳng
    • Vấn Đáp Phật Pháp
    • Văn Học
    • Venerable Master Chin Kung: Books
    • Video
    • Video Pháp Âm
    • Visiting
    • Zhangjia Living Buddha
    • 中國 - Zhōngguó - Chinese
    • 人物故事 - Renwu - Câu Chuyện Nhân Vật
    • 佛教故事 - fojiaogushi
    • 佛经故事 - Fojing - Câu chuyện Phật
    • 古Cổ 文VănViệt
    • 哲理故事 - Zheli - Câu chuyện triết học
    • 漫畫 - Comics - Truyện tranh
    • 生活故事 - Shenghuo - Câu chuyện cuộc sống
  1. Trang chủ
  2. Kinh sách
  3. Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

  4. 4. Phật đáp: Dùng hai loại “bốn pháp” để được giải thoát

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

4. Phật đáp: Dùng hai loại “bốn pháp” để được giải thoát

Chương trước
Chương tiếp

4. Phật đáp: Dùng hai loại “bốn pháp” để được giải thoát

          Chánh kinh:

          Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:

          – Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, đương thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.     佛告彌勒菩薩言。彌勒。若有菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。當成就四法。安隱無惱。而得解脫。

          (Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:

          – Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, hãy nên thành tựu bốn pháp thì sẽ được an ổn, không phiền não, được giải thoát).

          Trong đoạn này, đức Phật dạy chúng ta bốn nguyên tắc vô cùng trọng yếu, ta cần phải tuân thủ. Chẳng cần biết là tu học pháp môn nào, nếu trái nghịch, vi phạm bốn nguyên tắc này thì quý vị sẽ chẳng thể tu học thành tựu.

          Chánh kinh:

          Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Ư chư chúng sanh, bất cầu kỳ quá.

          何等為四。所謂於諸眾生。不求其過。

          (Những gì là bốn? Chính là: Với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ).

          Chẳng những chỉ đối với các vị Đại Thừa Bồ Tát, mà đối với hết thảy chúng sanh đều chẳng nên gây rắc rối cho họ, đều chẳng nên tìm lỗi lầm của họ. Câu này giống như trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá” (Nếu là người thật sự tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian). Người chân chánh tu đạo, trong mỗi một niệm chỉ quan tâm đến chánh niệm của chính mình, có thời gian đâu để thấy lỗi lầm của người khác cơ chứ! Chúng ta phải biết điều này, thấy lỗi người khác tức là mình có lỗi sờ sờ. Nếu tâm quý vị thanh tịnh, không có phiền não, làm sao quý vị thấy lỗi người khác cho được? Nếu một phen tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài mà trong tâm phiền não bèn hiện hành, thì đấy là do “thấy lỗi của người khác”.

Bởi thế, Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát. Bọn ta là hạng nghiệp chướng sâu nặng, thấy chư Phật, Bồ Tát nghiệp chướng cũng sâu nặng luôn! Đấy chính như đức Phật đã dạy: “Tướng tùy tâm chuyển”. Vì thế, quý vị thấy cảnh giới bên ngoài tướng trạng ra sao thì sẽ biết rõ tâm mình như thế nào. Quý vị thấy ai cũng có lỗi lầm nghĩa là chính mình lầm lỗi vô lượng vô biên. Khi nào thấy hết thảy chúng sanh đều chẳng có lầm lỗi thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi! Điều này rất khẩn yếu đấy nhé! Vì thế mới nói “với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ” chính là điều thứ nhất người tu hành phải tuân thủ. Điều thứ hai là:

    Chánh kinh:

    Kiến chư Bồ Tát hữu sở vi phạm, chung bất cử lộ.

          見諸菩薩。有所違犯。終不舉露。  

          (Thấy các Bồ Tát có vi phạm gì, trọn chẳng nêu bày)

          “Bồ Tát” ở đây là người hoằng dương chánh pháp. Bất luận là tại gia Bồ Tát hay xuất gia Bồ Tát, cũng chẳng cần biết người ấy là Bồ Tát thật hay Bồ Tát giả, miễn sao những điều người ấy giảng là chánh pháp, chẳng phải là tà pháp, dẫu cho người ấy có lầm lỗi đi nữa, cũng chẳng nghe, chẳng hỏi đến, vẫn cứ sanh tín tâm thanh tịnh, sanh tâm cung kính đối với người ấy. Điều này rất trọng yếu. Điều thứ ba là:

          Chánh kinh:

          Ư chư thân hữu, cập thí chủ gia, bất sanh chấp trước.

          於諸親友。及施主家。不生執著。  

          (Với các thân hữu và hàng thí chủ, chẳng sanh chấp trước).

          Đối với chuyện thân hữu, thí chủ cúng dường pháp sư, nếu chẳng chấp trước thì sẽ chẳng tạo thành chướng ngại. Điều thứ tư là:

          Chánh kinh:

          Vĩnh đoạn nhất thiết thô quánh chi ngôn.

          永斷一切。粗獷之言。

          (Vĩnh viễn dứt trừ hết thảy lời lẽ thô lỗ, hung tợn).

          “Thô” (粗) là lời lẽ thô lỗ. “Quánh” (獷)là lời lẽ hung ác. Chẳng được có thái độ như thế. Đức Phật nói bốn điều ấy.

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

          彌勒。是為菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。成就四法。安隱無惱。而得解脫。

          (Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp an ổn không phiền não mà được giải thoát).

          Chỉ cần giữ đúng bốn pháp này là được, quý vị sẽ có thể thành tựu đạo nghiệp.

          Chánh kinh:

          Nhĩ thời Thế Tôn, dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

          爾時世尊。欲重宣此義。而說偈言。

          (Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng)

          Thể lệ Phật dùng để thuyết kinh chẳng giống với cách mọi người chúng ta trước tác văn chương. Trong kinh Phật, có Trường Hàng (văn xuôi), có Kệ Tụng, có lúc còn có cả Chú Ngữ. Dụng ý của Ngài rất sâu. Kệ Tụng gần giống như thi ca của Trung Quốc, cũng có gieo vần, nhưng không câu nệ luật bằng trắc, mục đích là nhằm thuận tiện cho việc ghi nhớ, tụng đọc. Ấy là vì đức Phật khai thị điều gì rất trọng yếu xong, sợ bọn ta quên tuốt, kinh văn cũng có lúc chẳng nhớ kỹ hết, Ngài bèn dùng Kệ Tụng cho [thính chúng] dễ thuộc, thường nhớ mãi trong tâm, để hết thảy lúc, hết thảy nơi đều y giáo phụng hành. Vì thế, Phật bèn nói bốn câu sau đây:

          Chánh kinh:

          Bất cầu tha quá thất,

          Diệc bất cử nhân tội,

          Ly thô ngữ, xan lận,

          Thị nhân đương giải thoát.

          Di Lặc! Phục hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, đương thành tựu tứ pháp an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

      不求他過失。

亦不舉人罪。

離粗語慳吝。

是人當解脫。

彌勒。復有菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。當成就四法。安隱無惱。而得解脫。

          (Chớ tìm cầu lỗi người,

          Cũng đừng cử tội người,

          Lìa lời thô, keo bẩn,

          Người ấy sẽ giải thoát.

          Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, nên thành tựu bốn pháp sẽ an ổn, không phiền não, bèn được giải thoát).

          Tiếp theo đây, đức Phật nói bổ sung bốn câu kinh cũng vô cùng trọng yếu. Trong phần trên, đức Phật nói bốn pháp, trong phần này lại nói bốn pháp nữa, tổng cộng là tám pháp. Trong thời hiện tại, chúng ta phải giữ gìn được tám điều này thì học Phật mới có thể thành tựu, chẳng lui sụt.

          Chánh kinh:

          Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Bất ưng thân cận giải đãi chi nhân.

          何等為四。所謂不應親近。懈怠之人。

          (Những gì là bốn? Chính là: Chẳng nên thân cận kẻ biếng nhác).

         

          Chúng ta thường thân cận hạng người ấy thì sự tu học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta là phàm phu sơ học, chẳng có định lực, thiếu trí huệ, vì thế giao du phải chọn lựa người. Có khá nhiều bạn đồng tu chẳng hề để tâm cảnh giác điều này, bị hoàn cảnh xoay chuyển, đáng tiếc vô cùng! Đấy chính là điều ta thường gọi là “nhân tình Phật sự” (làm Phật sự theo cảm tình, thiếu lý trí để phán đoán), nó có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng phàm phu sơ học. Học Phật ắt cần phải có lý tánh (tức là xử sự theo lý trí), phải buông tình cảm xuống thì mới có thể thành tựu. Pháp thứ nhất nhắm vào ý đó. Phạm vi của chữ “giải đãi” hết sức rộng, quý vị có nhận ra hay chưa? Giải đãi, lười biếng có phải là những người hằng ngày ngủ thật nhiều hay chăng? Đối với hạng người ấy, đương nhiên quý vị chẳng thể thân cận được! Họ còn bận ngủ, họ cũng chẳng kề cận quý vị được.

          Vậy thì ai mới là kẻ giải đãi? Trước đây, Ấn Quang đại sư từng giảng là kẻ nào ưa đến đạo tràng rất siêng năng, ngày ngày la cà đạo tràng, ngày ngày tìm náo nhiệt. Vì sao họ là kẻ giải đãi? Họ giải đãi đối với việc tu đạo, biếng nhác tu định. Kẻ chẳng tu định, tu huệ, cứ ngày ngày đuổi theo náo nhiệt thì gọi là “kẻ giải đãi”. Bởi thế, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa đoạn kinh này. Quý vị đọc Văn Sao, xem Vĩnh Tư Lục sẽ thấy mỗi khi lão hòa thượng thấy đệ tử quy y đến thăm, Ngài liền quở mắng:

– Ngươi đến đây làm chi?

          – Con đến gặp sư phụ.

          – Trước kia ngươi gặp sư phụ rồi, còn đến đây làm chi nữa? (Ngài quát quay về). Đến chỗ bon chen, tâm cũng loạn động theo, bảo ngươi ở nhà thật thà niệm Phật, ngươi chẳng chịu niệm, ngươi vẫn muốn đến chùa miếu gặp sư phụ, có gì hay mà xem! Đó gọi là “giải đãi”.

Sở dĩ Ấn Quang đại sư nói ra điều gì, ai nấy đều rất tôn kính là vì pháp giáo hóa của Ngài chưa có ai đề xướng cả. Hiện thời, các đạo tràng mong mỏi tín đồ đông đảo, tín đồ không đến thì làm sao duy trì được đạo tràng? Bởi thế, con người hiện tại đều chuộng náo nhiệt. “Náo nhiệt” chính là giải đãi; biếng nhác tu định, tu huệ, tu tâm thanh tịnh. Ở đây, Phật dạy chúng ta chớ nên thân cận những kẻ như thế, đừng ngày ngày bắt chước họ khiến cho tâm bị loạn động. Điều thứ hai là:

 

          Chánh kinh:

          Xả ly nhất thiết hội náo chi chúng.

          舍離一切。憒鬧之眾。

          (Rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo).

 

          Không nên “ưa thích náo nhiệt” không chỉ có nghĩa là chẳng ưa thích những nơi ăn chơi vui vẻ trong thế gian mà ngay cả những chỗ hoan hỷ náo nhiệt nơi cửa Phật cũng chẳng nên ham mến. Nói chung, điều gì trái nghịch với Giới, Định, Huệ; trái nghịch với Giác, Chánh, Thanh Tịnh đều là giải đãi, ồn náo. Bởi thế, đoạn văn này dung hàm ý nghĩa rất sâu, rất rộng.

Mục đích của chúng ta là cầu giải thoát, cho nên phải hiểu rõ hai chữ “giải thoát” này. “Giải” (解) là cởi mở. Cởi mở cái gì? Cởi bỏ phiền não. “Thoát” (脱) là thoát ly lục đạo luân hồi. Mục đích của việc học Phật là đây. Nếu quý vị chẳng nghĩ đến giải thoát thì chẳng sao, cứ việc ngày ngày lăn vào nơi náo nhiệt. Còn ai là kẻ niệm Phật thật sự mong liễu sanh tử, thoát luân hồi, thật sự cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới thì nhất định phải tuân thủ lời dạy này.

Trước đây, trong kỳ Phật thất, Đàm Hư đại sư đã từng kể cho chúng ta nghe đôi ba câu chuyện cũ, đều là chuyện thật. Ngài kể một đồ đệ niệm Phật của lão pháp sư Đế Nhàn, xuất thân là thợ đóng đai thùng, niệm Phật ba năm bèn đứng mà vãng sanh. Người ấy chưa từng đi học, chẳng hề biết chữ, chỉ là một người rất chân thật. Sau khi xuất gia, lão hòa thượng chỉ dạy ông ta sáu chữ “nam mô A Di Đà Phật”, chứ chẳng dạy điều gì khác, chỉ dặn dò: “Ngươi cứ niệm một câu Phật hiệu này, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ ngơi xong lại niệm tiếp”. Quả nhiên, người ấy ở trong một tòa miếu hư nát, không ra khỏi cửa lớn, niệm một câu Phật hiệu suốt ba năm, chẳng bệnh tật gì, biết trước lúc mất, bèn đứng vãng sanh. Vãng sanh rồi vẫn đứng suốt ba ngày để đợi lão hòa thượng Đế Nhàn thay mình lo việc hậu sự.

Ông ta dựa vào đâu để thành tựu? Chính là chẳng thân cận kẻ giải đãi, rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo; bởi thế nói giải thoát chẳng khó, nhưng sao ngày nay chúng ta học Phật khó khăn đến thế? Đó là vì chúng ta đã phạm phải lỗi lầm sau đây: hằng ngày đuổi theo náo nhiệt, coi chuyện đua chen náo nhiệt là làm Phật sự. Quý vị nói coi: Đó có phải là vớ vẩn hay chăng? Quan niệm sai lầm rồi!

          Chánh kinh:

          Độc xử nhàn tịnh, thường cần tinh tấn.

          獨處閑靜。常勤精進。

          (Ở riêng chốn thanh vắng, thường siêng tinh tấn).

          Ấy là thật sự mong liễu sanh tử, xuất tam giới, thật sự mong giải quyết xong vấn đề ngay trong một đời này. Quý vị phải nhận biết niềm vui tịch tĩnh; hoàn cảnh thanh tịnh chính là sự hưởng thụ tối cao của đời người, trong ấy có niềm vui chân thật. Thế nào là tinh tấn? “Tinh” (精) là tinh thuần, chuyên nhất. “Tấn” (進) là chẳng lùi. Hiện thời, quý vị thấy người học Phật chúng ta cũng rất siêng gắng, nhưng chẳng phải là tinh tấn, mà chỉ là tạp tấn, loạn tấn, nên chẳng có thành tựu. Muốn thành tựu thì phải thâm nhập một môn. Điều thứ tư là:

          Chánh kinh:

          Dĩ thiện phương tiện, điều phục kỳ thân.

          以善方便。調伏其身。

          (Dùng phương tiện khéo điều phục cái thân).         

          Phương tiện khéo léo điều phục cái thân, trong phần kệ tụng ở phía sau, ta sẽ thấy ý nghĩa này rõ hơn nữa. Câu kệ “tịch tĩnh, thường tri túc” nghĩa là điều phục cái thân, biết đủ, thường vui, cuộc sống rất dễ chịu. Có áo để mặc, có cơm ăn no ba bữa, có căn nhà nhỏ để đụt nắng che mưa, là đủ quá rồi, chẳng cần chi hơn nữa. Có cầu thêm thì chỉ là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, cầu thấy A Di Đà Phật, ngoài ra chẳng cầu cái gì khác nữa. Tâm quý vị định rồi, quý vị sẽ thật sự hưởng thụ an lạc.

Dùng phương pháp ấy để điều phục cái thân, những chuyện người đời tranh giành đều là giả, đều chẳng mang theo được, đều tranh chẳng được, đều là ngu si tạo tác tội nghiệp. Người thật sự hiểu thấu, người giác ngộ sẽ chẳng thèm tranh nữa, đều buông xuống hết, nhất tâm hướng về đạo. Hướng về đạo là hướng về cái tâm thanh tịnh, hướng đến nguyện vọng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của chính mình.

Trên đây là đức Phật vì chúng ta lại nói thêm bốn pháp nữa.

Chánh kinh:

Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

Nhĩ thời, Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

– Đương xả ư giải đãi,

Viễn ly chư hội náo,

Tịch tĩnh, thường tri túc.

Thị nhân đương giải thoát.

彌勒。是為菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。成就四法。安隱無惱。而得解脫。爾時世尊。欲重宣此義。而說偈言。

當舍於懈怠。

遠離諸憒鬧。

寂靜常知足。

是人當解脫。

(Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp, an ổn, không phiền não, bèn được giải thoát.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng:

– Hãy bỏ rời giải đãi,

Xa lìa các ồn náo,

Tịch tĩnh, thường biết đủ,

Người ấy sẽ giải thoát)

Phật dùng kệ tụng nhắc lại lần nữa những pháp nghĩa ở trên.

Chánh kinh:

Nhĩ thời, Thế Tôn thuyết thử kệ dĩ, cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:

– Di Lặc! Thị cố Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế thời, dục tự vô não, nhi giải thoát giả, trừ diệt nhất thiết chư nghiệp chướng giả.

爾時世尊。說此偈已。告彌勒菩薩言。彌勒。是故菩薩。於后末世。五百歲時。欲自無惱。而解脫者。除滅一切。諸業障者。

(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ ấy xong, bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:

– Này Di Lặc! Vì thế các Bồ Tát vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, muốn tự không phiền não, được giải thoát, trừ diệt hết thảy nghiệp chướng thì…)

Đoạn kinh văn này dùng để tổng kết các đoạn kinh văn trong phần trước. Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta thỉnh giáo đức Thế Tôn: Trong thời kỳ Mạt Pháp (tức là trong xã hội hiện đại đây), chúng ta học Phật phải nên tu bao nhiêu pháp mới hòng gìn giữ an ổn, được độ thoát? Đức Thế Tôn dạy chúng ta tu bốn pháp, nói xong, lại dạy thêm bốn pháp nữa; tổng cộng là tám pháp. Ngài nói xong lại phó chúc Di Lặc Bồ Tát, chứ thật ra là phó chúc mọi người chúng ta, Di Lặc Bồ Tát là người thay mặt cho chúng ta. Đoạn kinh này hết sức quan trọng.

Nói “trong đời mạt sau, lúc năm trăm năm” là nói đến xã hội hiện tại. Nếu chúng ta muốn được không phiền não, mong đạt giải thoát – hai chữ “giải thoát” này rất trọng yếu – chúng ta đọc [chữ Giải theo âm Quan Thoại] là xiè thì sẽ thành động từ, còn nếu đọc là jiẻ sẽ thành danh từ; tháo gỡ, dứt bỏ phiền não nên gọi là “giải trừ”. “Thoát” là liễu thoát lục đạo sanh tử luân hồi mới coi là thành tựu. Nếu chẳng đoạn phiền não, chẳng thể liễu thoát sanh tử luân hồi, chẳng được kể là thành tựu, bất luận tu pháp môn gì, tu giỏi đến đâu cũng chẳng thành tựu, quý vị vẫn phải sanh tử luân hồi y như cũ. Bởi thế, hai chữ “giải thoát” trọng yếu phi thường, có thể nói nó chính là mục tiêu tu học hiện tiền của chúng ta.

Điều thứ hai là “trừ diệt hết thảy các nghiệp chướng”. Tôi tin là người có nguyện vọng đạt mục tiêu thứ nhất “liễu sanh tử” chẳng có mấy ai, dường như mục tiêu kế đó là “tiêu nghiệp chướng” thì mọi người đều mong. Ít người có quan niệm liễu sanh tử, nhưng mong tiêu nghiệp chướng lại rất phổ biến. Nếu như quý vị mong tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng thì có tám pháp như vậy, đủ thấy tám pháp ấy hết sức quan trọng. Tiếp theo đây, Phật nói:

Chánh kinh:

Ưng đương xả ly hội náo chi xứ.

應當舍離。憒鬧之處。

(Phải nên lìa bỏ những nơi ồn náo).

          Phải lìa bỏ những nơi ồn náo. Chúng ta là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân tái lai. Các vị Phật, Bồ Tát tái lai tu hành chẳng giống chúng ta, mà là: “Trong pháp Đại Thừa, ở trong chỗ ồn náo mà lìa ồn náo”, chẳng phải là điều người bình thường [có thể làm được]. Nếu ta học đòi các Ngài, xa lìa ồn náo trong chỗ ồn náo, ta nhất định đọa địa ngục A Tỳ; bởi thế, chắc chắn là chẳng học được.

Cuối bản kinh này có nói: Sơ nghiệp Bồ Tát chẳng giống như huệ hạnh Bồ Tát. Huệ hạnh Bồ Tát phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, họ được kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Hạnh của các vị ấy đích thực là “phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn”. Chúng ta là sơ học Bồ Tát, sanh tử là sanh tử, phiền não là phiền não, tuyệt đối chẳng thể “phiền não chính là Bồ Đề”, chúng ta làm không được!

Chúng ta nhất định phải hiểu rõ thân phận mình là như thế nào, trình độ của mình ra sao, phải nên tu học những gì; hoàn cảnh nhất định ảnh hưởng đến tâm tình của chúng ta. Bất cứ hoàn cảnh bất hảo nào cũng sẽ khiến cho thân tâm ta chẳng đạt được hoàn cảnh thanh tịnh, cho nên nhất định phải xa lìa chúng. Vì thế, đức Phật mới dạy chúng ta xa lìa những nơi náo nhiệt, xô bồ.

    Chánh kinh:

          Trụ A-lan-nhã, tịch tĩnh lâm trung.

          住阿蘭若。寂靜林中。

          (Ở A-lan-nhã, trong rừng vắng lặng)

Tuy câu này tựa hồ để nói với người xuất gia, nhưng người tại gia mà muốn thành tựu thì cũng chẳng thể tránh khỏi. Bây giờ ta phải hiểu câu kinh này như thế nào đây? Chính là dạy quý vị phải chọn lựa địa phương để cư ngụ. Chúng ta ở chỗ nào mới là tốt? Ở chỗ nào an tịnh thì mới tốt! Người Trung Quốc đặc biệt những ai sống ở Đài Loan, náo nhiệt đã biến thành thói quen, đột nhiên thanh tịnh thì tựa hồ chẳng thể chịu đựng nổi. Chúng tôi ở ngoại quốc thấy người quen sống ở Đài Loan, đến Mỹ quốc sẽ chẳng thể chịu đựng nổi.

Nước Mỹ rất thanh tịnh, hoàn cảnh cư trú rất êm đềm. Họ quy hoạch từng khu vực rất phân minh, trong khu vực buôn bán nhất định không thể ở được, trong khu vực gia cư nhất định không thể buôn bán được. Họ mong cầu hoàn cảnh yên vắng, tuy khoảng cách giữa các nhà lân cận chẳng xa, nhưng nhất định quý vị chẳng nghe thấy âm thanh nhà hàng xóm. Đấy là hoàn cảnh cư trú hiện tại của Mỹ quốc, yêu cầu của họ rất phù hợp với điều được dạy trong kinh này đây. Có những người Trung Quốc già cả, về hưu, sang Mỹ, sống trong hoàn cảnh ấy cảm thấy rất tịch mịch, rất quạnh quẽ nên chẳng sống lâu ở đấy được. Đó đều là vì đã quen ưa chỗ náo nhiệt, đột nhiên an tịnh bèn chẳng thể chịu được!

Thế nhưng đức Phật dạy chúng ta: người tu hành nhất định phải sống nơi thanh tịnh. “A-lan-nhã” (Aranya) là tiếng Phạn, có nghĩa là chỗ tịch tĩnh. Thời cổ, tiêu chuẩn an tịnh là chẳng nghe thấy tiếng trâu rống. Do người tu hành quá nửa là sống trong vùng núi hoang, trong thôn quê có nông phu nuôi gia súc. Tiếng trâu rống vang xa nhất. Chỗ nào chẳng nghe thấy tiếng trâu rống, chỗ đấy gọi là A Lan Nhã. Chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa, cảnh giới ấy. “Tịch tĩnh lâm trung” là chọn lựa chỗ tu học, chọn lựa chỗ cư trú. Câu thứ ba là:

          Chánh kinh:

          Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả, cập chư lãn nọa, giải đãi chi thuộc, giai đương viễn ly.

          於不應修。而修行者。及諸懶惰。懈怠之屬。皆當遠離。

          (Với những kẻ tu hành những pháp chẳng nên tu, và những hạng lười nhác, biếng trễ, đều nên xa lìa).     

          Câu này dạy chúng ta phải xa lìa ác tri thức. Hạng người ấy gây trở ngại cho sự tu học của chúng ta, ta cần phải xa lìa. “Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả”, quý vị thử nghĩ xem, những gì là “bất ưng tu” (chẳng nên tu)? Bọn họ hằng ngày tu những gì? Tu tham, sân, si đấy! Tu tham, sân, si thì quả báo là tam ác đạo. Chúng ta tu hành mong thành Phật, bọn họ tu hành mong thành ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đấy là những điều chẳng nên tu. Nhưng người thế gian tu tam ác đạo rất nhiều, trong số đó có cả chúng ta nữa! Bởi vậy, chúng ta phải tự phản tỉnh, phải tự kiểm điểm xem chính mình có tham, sân, si hay không? Tập khí tham, sân, si của chúng ta có nghiêm trọng hay không? Nếu đã có mà lại nghiêm trọng nữa thì phải dùng phương cách đối trị. Dùng phương cách nào? Đức Phật dạy chúng ta dùng Giới, Định, Huệ để phá Tham, Sân, Si “và những hạng lười nhác, biếng trễ”.

          Đấy mới chỉ là một loại, nếu muốn kể ra thì chẳng thể kể hết đượ! Đó đều là những hạng trái nghịch lời Phật răn dạy, chúng ta đều phải xa lìa!

          Chánh kinh:

          Đản tự quán thân, bất cầu tha quá.

          但自觀身。不求他過 。

          (Chỉ tự xét mình, chẳng cầu lỗi người).

          Đây chính là điều kinh Vô Lượng Thọ dạy “tẩy tâm dịch hạnh” (rửa lòng, đổi hạnh). Người tu đạo chân chánh thường phải phản tỉnh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, chẳng chuyên chú tìm lỗi người khác. Thấy lỗi người khác là một chướng ngại lớn nhất, quý vị tu học Phật pháp công phu chẳng đắc lực, chẳng thể thành tựu. Niệm Phật chẳng những không đạt được Sự Nhất Tâm, mà công phu thành một khối cũng chẳng đạt được, nguyên nhân là vì đâu? Hằng ngày lo ngó lỗi người khác, hằng ngày kể tội người khác, tạo nghiệp đấy nhé! Dù miệng niệm Phật, nhưng tâm hạnh đều là tạo nghiệp, làm sao quý vị thành tựu cho được! Vì thế, phải nhớ kỹ: “Chỉ tự xét mình, đừng cầu lỗi người”.

          Chánh kinh:

          Nhạo ư điềm mặc.

          樂於恬默。

          (Ưa thích lặng lẽ).

          Câu này dạy chúng ta phải an trụ tịnh tu, phải biết thân tâm tịch tĩnh chính là chân lạc.          

          Chánh kinh:

          Cần hành Bát Nhã Ba La Mật Đa tương ưng chi hạnh.

          勤行般若波羅蜜多。相應之行。

          (Siêng hành hạnh tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa).

          Trong sanh hoạt thường ngày, đối đãi người, xử sự, đối đãi với mọi vật, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi đều phải có trí huệ cao độ. Bát Nhã Ba La Mật Đa nói theo ngôn ngữ bây giờ là trí huệ cao độ. Chư Phật, Bồ Tát biểu hiện trí huệ cao độ trong từng sanh hoạt, phàm phu sanh hoạt chẳng có trí huệ, chỉ có phiền não. Ở đây, Phật dạy chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bát Nhã Ba La Mật Đa là gì? Phật nói kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, bản dịch chữ Hán kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển. Chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật, nói nghe dễ dàng sao! Nhưng không tương ứng thì không được! Nhất định phải tương ứng. Bởi vậy, chúng ta phải nắm được cương yếu, tổng cương lãnh của Bát Nhã. Điều này, cổ nhân đã làm thay cho chúng ta rồi; dựa theo kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa tiện lắm. Giản tiện, tinh yếu hơn nữa thì có lẽ mỗi vị đồng tu hằng ngày đều niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hai trăm sáu mươi chữ. Chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của mình.

          Về phương diện ứng dụng Bát Nhã, cổ đức bảo rằng chỉ cần quý vị nắm được hai câu cuối trong một bài kệ của kinh Kim Cang, ắt quý vị sẽ tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hai câu ấy là: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Chúng tôi giảng sơ lược hai câu này như sau: Ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động. Bất luận lúc nào, hoàn cảnh nào, đối với người với sự, đối với vật, dù là pháp thế gian hay Phật pháp đều chẳng có ngoại lệ. Đối với pháp thế gian chúng ta dùng thái độ đó, đối với Phật pháp vẫn dùng đúng thái độ đó: Chẳng chấp tướng, chẳng khởi tâm động niệm. Thật sự làm được “bất thủ ư tướng, như như bất động” thì quý vị chẳng khác gì Phật, Bồ Tát rồi!

Hai câu này chúng tôi thường diễn tả là “buông xuống” (phóng hạ), buông xuống được. Tổng cương lãnh của Giáo Hạ là Chỉ Quán. Ngài Thiên Thai giảng Ma Ha Chỉ Quán, hai câu trên đây chính là Chỉ, mà cũng là nói đến buông xuống. Bài kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang là:

          Nhất thiết hữu vi pháp,

          Như mộng huyễn bào ảnh,

          Như lộ, diệc như điển.

          Ưng tác như thị quán.

          (Hết thảy pháp hữu vi,

          Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

          Như ánh chớp, như giọt sương,

          Nên thường quán như vậy)

          Bốn câu kệ này “thấy thấu suốt” (khán phá). Dùng bốn câu kệ này để thấy thấu suốt hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Hết thảy pháp là hữu vi, pháp xuất thế gian cũng vẫn là pháp hữu vi. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, thậm chí hết thảy chư Phật vì chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, toàn bộ là pháp hữu vi!

Pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt nước, ảnh. Vì thế, đức Phật mới bảo “pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp). “Pháp” là Phật pháp. Phật pháp còn chẳng được chấp trước, vậy thì những gì chẳng phải là Phật pháp đều phải nên bỏ hết! Đấy là lời dạy quý vị phải thấy thấu suốt vậy! Hết thảy pháp là gì? Mộng, huyễn, bọt nước, ảnh chẳng phải thật, là giả đó! Điều này chúng tôi đã giảng rất tường tận, rất thấu đáo trong khi giảng kinh Kim Cang.

          Câu “như lộ, diệc như điển” nói đến huyễn tướng, giả tướng ấy tồn tại trong thời gian rất ngắn. “Lộ” (露) là giọt sương đọng, tỉ dụ cái tướng tương tục của hiện tượng ấy chỉ tồn tại trong một thời gian, nhưng thời gian ấy chẳng dài lâu. “Như điển” (如電: Như ánh chớp) là nói sanh diệt trong sát-na, nói cách khác là về căn bản nó chẳng hề tồn tại! Trong Phật pháp có nói “bất sanh bất diệt”. Bất sanh bất diệt ngụ ý sanh diệt đồng thời; lúc sanh cũng chính là lúc diệt. Đó chính là chân tướng của hết thảy hiện tượng, rất khó hiểu rõ. Các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh cho chúng ta thấy rồi, điều xác thực là tất cả hiện tượng đều tồn tại trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi, gần như chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, không cách gì hiểu được nổi. Bài kệ này thuyết minh chân tướng thế gian và xuất thế gian, hễ quý vị thấu hiểu được, quý vị sẽ thấy thấu suốt. Bởi thế, hai câu kệ trước và bài kệ này là nói đến thấy thấu suốt và buông xuống!

          Có thể thấy thấu suốt và buông xuống được thì chẳng cần biết là tu học theo tông phái nào hay pháp môn nào, quý vị đều có “nhập xứ” cả! Nhập xứ là gì? Là quý vị đều có thể chứng quả. Chữ “nhập” này là nhập vào Nhất Chân Pháp Giới, nhập Bất Nhị pháp môn. Nhập được Nhất Chân Pháp Giới, Bất Nhị pháp môn thì chẳng những quý vị vượt khỏi lục đạo, mà còn siêu việt mười pháp giới nữa kia, đấy mới kể là thành tựu viên mãn rốt ráo. Bởi thế, câu này trọng yếu phi thường.

          Trong cuộc sống, chúng ta phải tu những gì? Tu những điều này. Nếu nói như vậy, cần chi phải cầu sanh Tịnh Độ nữa? Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, quý vị cứ chiếu theo phương pháp này tu hành vượt thoát lục đạo, vượt thoát mười pháp giới xong; sau khi vượt thoát, quý vị muốn chứng viên mãn Bồ Đề thì lại phải tu trọn ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Thời gian ấy rất dài! Con số ấy là con số dùng trong thiên văn học đấy nhé!

Chúng ta thường nói thành Phật phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp, nhưng [thời gian ấy] chẳng phải là tính từ thời gian hiện tại đâu nhé. Lúc quý vị chưa nhập Nhất Chân Pháp Giới sẽ không tính, lúc còn tu hành trong lục đạo không tính, lúc còn trong mười pháp giới, dẫu là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều chẳng tính, phải là vượt thoát mười pháp giới, chứng được Nhất Chân Pháp Giới rồi thì kể từ ngày ấy mới tính, phải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể viên mãn Bồ Đề. Đấy là điều kinh điển Đại Thừa thường nói, nếu quý vị lưu ý một chút sẽ hiểu rõ.

          Trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất chứng được ba mươi địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng; A-tăng-kỳ kiếp thứ hai chứng được bảy địa vị từ Sơ Địa đến Thất Địa; A-tăng-kỳ kiếp thứ ba chứng được Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Tu trọn ba A-tăng-kỳ kiếp rồi, quý vị đạt đến địa vị nào? Pháp Vân Địa Bồ Tát, vẫn chưa đạt tới địa vị Đẳng Giác; còn phải đạt tới Đẳng Giác mới là thành Phật. Chúng ta thấy lại phải tốn thêm một A-tăng-kỳ kiếp nữa mới thành công. Đó là nói trong trường hợp quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.

          Nếu cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì sao?

Ái chà! Quý vị chiếm tiện nghi lớn lắm! Quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân phận chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, hạ hạ phẩm vãng sanh một phẩm phiền não còn chưa đoạn được, đến thế giới Cực Lạc rồi muốn chứng được Phật quả viên mãn rốt ráo thì phải mất bao lâu? Trong quá khứ, khi giảng kinh chúng tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, chúng tôi dựa theo kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà tính toán tỉ mỉ thì khoảng ba bốn kiếp là thành công! Ba kiếp, bốn kiếp thôi nhé! Nếu quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng thể so sánh được nổi!

Chúng tôi nói rút gọn ý nghĩa này lại cho quý vị nghe: Chẳng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị tu hành chứng quả thì phải cần ba vạn năm mới có thể thành công; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cần bao nhiêu thời gian? Ba ngày là thành công! Quý vị cứ tính toán đi. Đó là lý do vì sao chúng ta y chiếu Bát Nhã Ba La Mật Đa tu hành, nhưng vẫn phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì quý vị mới chết lòng sát đất[1] niệm Phật cầu sanh, mà cũng chẳng hoài nghi, chẳng còn do dự. Đây là nói về tự hạnh.   

          Chánh kinh:

          Nhược dục ư bỉ chư chúng sanh đẳng, thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích, ưng dĩ vô hy vọng tâm thanh tịnh thuyết pháp.

          若欲於彼。諸眾生等。深生憐愍。多所饒益。應以無希望心。清淨說法。

          (Nếu đối với những chúng sanh ấy, sanh lòng thương xót sâu xa, muốn làm nhiều điều lợi ích cho họ thì phải dùng tâm không mong cầu mà thanh tịnh thuyết pháp).

Câu này nói về “lợi tha”. Bồ Tát luôn có tâm từ bi, thấy chúng sanh rất khổ, rất đáng thương, nói chung là muốn giúp đỡ họ, nhưng rất đáng tiếc là chính mình không có trí huệ thì rốt cuộc phải giúp đỡ bằng cách nào đây? Càng giúp càng rối thêm, chúng ta thấy rất nhiều [trường hợp như vậy]. Giúp đỡ như thế nào mà càng rối thêm? Giúp họ đọa tam đồ, đẩy họ đọa vào địa ngục, còn bảo là mình tạo công đức rất lớn. Oan uổng quá!

Ở chỗ này, quý vị phải đọc kỹ bộ kinh này, mới hiểu rõ: Chúng ta thường nói mình độ chúng sanh, cứu tế những người khổ nạn, nhưng rốt cuộc là chúng ta đã làm những việc gì? Chúng ta tạo nhân quả như thế nào? Ta cần phải làm những gì thì mới đúng lý, đúng pháp, mới có thể thành tựu chính mình, giúp đỡ người khác? Kinh này dạy “thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích”. “Nhiêu” (饒) là phong phú, phong nhiêu, cũng có nghĩa là lợi ích tối cao, lợi ích thù thắng nhất: giúp cho người khác giác ngộ, chứ chẳng phải nói đến thứ gì khác. Giúp họ nhận biết Phật giáo Đại Thừa, giúp họ nhận hiểu Tịnh Độ, lợi ích ấy vô lượng vô biên.

Nên dùng thái độ như thế nào? Dùng “tâm không mong cầu” để giới thiệu Phật pháp cho họ. Nếu như thuyết pháp cho họ mà có tâm mong mỏi nơi họ thì là trật rồi!

—o0o—

 


Chương trước Chương tiếp
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.

Bài mới

  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
  • Con Gái Đức Phật
  • Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ)
  • SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  • TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Meta

  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.org
  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Con Gái Đức Phật, Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ), SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI, TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM, Liên Hoa Hóa Sanh - Pháp Sư Đạo Chứng, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai, Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm,