• Danh sách
  • Thể loại
    • 5 Periods of Buddha’s teachings - Ngũ Thời Giáo
    • A Basic Buddhism Guide
    • Accounts of Request and Response
    • Activities
    • Agama - Thời Kỳ A Hàm
    • Ấn Quang Đại Sư
    • Avatamsaka Period - Thời Kỳ Hoa Nghiêm
    • Basic Teachings
    • Bộ A Hàm
    • Buddhist Education in China
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Scriptures
    • Buddhist Studies
    • Buddhist Sutras
    • Cao Tăng Quảng Khâm
    • Changing Destiny
    • Chinaese
    • Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 2
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 3
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 4
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 5
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 6
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 7
    • Chú Giải Vô Lượng Thọ Lần thứ 8
    • Chư Tổ - Cao Tăng
    • Chưa phân loại
    • Collected Talks
    • Contact
    • Cư Sĩ Lưu Tố Vân
    • Cultivation
    • Cultivation Hall
    • Cultivation Hall Rules
    • Curriculum
    • Daily Living
    • Dharma
    • Đại Đức Thích Đạo Thịnh
    • Đại sư Hành Sách
    • Đại sư Liên Trì
    • Đại sư Ngẫu Ích
    • Đại Tạng Kinh
    • Đệ Tử Quy
    • Đệ Tử Quy
    • Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh Giảng Ký
    • Đọc sách ngàn lần
    • EBook .Doc - .PDF
    • Essence of the Infinite Life Sutra
    • Eyewitness Accounts
    • Founder
    • Giảng Giải Kinh Sách
    • Giảng Kinh
    • Giảng Kinh Địa Tạng
    • Giảng Kinh Địa Tạng lần 1
    • Giảng Ý Nghĩa Pháp Hội Quán Âm TTHN
    • Glossary
    • Guidelines for Being a Good Person
    • Hán văn - 古文 - Cổ Văn
    • History and Culture
    • Hòa Thượng Diệu Liên
    • Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
    • Hòa Thượng Tịnh Không
    • Hòa Thượng Tịnh Không Khai thị
    • Học Chữ Hán Việt
    • Học Tập Văn Hóa Truyền Thống
    • Indonesian Translation
    • Khoa Học
    • Kinh điển Bắc truyền
    • Kinh điển Hán tạng đã Việt dịch
    • Kinh điển Nam truyền
    • Kinh Tạng
    • Kinh Vô Lượng Thọ 1994
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 10
    • Kinh Vô Lượng Thọ lần 11
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Lão pháp sư Thích Tịnh Không
    • Learning
    • Lotus Nirvana - Thời Kỳ Pháp Hoa và Niết Bàn
    • Luận Tạng
    • Luật Tạng
    • Main
    • Main Thoughts
    • Mission
    • More...
    • Mr. Li Bingnan
    • Ms. Han Yin
    • Nghi Thức Tụng Niệm
    • Nhạc Niệm Phật
    • Nhạc Phật Giáo
    • Nhân Quả Báo Ứng
    • Online Study Guide
    • Phần mềm ứng dụng Phật Pháp
    • Pháp ngữ
    • Pháp Sư Ngộ Thông
    • Phật giáo nước ngoài
    • Phật Học Vấn Đáp
    • Phiên âm Hán Việt - 古Cổ 文Văn
    • Phim Phật Giáo
    • Phim Tài Liệu
    • PLLCA Library
    • Prajnã Period - Thời Kỳ Bát Nhã
    • Primary & Secondary
    • Professor Fang Dongmei
    • Pure Land Buddhism
    • Pure Land Organizations
    • Quốc tế
    • Resources
    • Retreat Application
    • Retreats
    • Sách
    • Sách nói Audio
    • Sách Văn Học PG
    • Six Harmonies
    • Six Paramitas
    • Stories
    • Sử Phật Giáo
    • Sutra Excerpts
    • Sutra Stories
    • Sutras Books
    • Symbolism
    • Tam tạng Kinh điển Sanskrit - PALI
    • Teachers
    • Teachings
    • Ten Attainments
    • Ten Great Vows
    • Ten Virtuous Karmas Sutra
    • Ten-recitation Method
    • Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
    • The Buddhist World
    • The Supreme Buddha
    • Theo dấu chân Phật - Hành Hương Đất Phật
    • Thiên Hạ Phụ Tử
    • Three Conditions
    • Threefold Learning
    • Timelines
    • Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
    • Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014
    • Tịnh Tông Học Viện
    • Tổ Tịnh Độ Tông
    • Training in the Traditional Way
    • Training Procedure
    • Trần Đại Huệ
    • Trích Đoạn Khai Thị
    • Trích Yếu
    • Tripitaka - 大藏經
    • Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
    • Truyện Phật giáo
    • Truyện thiếu nhi song ngữ
    • Truyện Tranh Phật Giáo
    • Tụng Kinh
    • Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
    • Vaipulya Period - Thời Kỳ Phương Đẳng
    • Vấn Đáp Phật Pháp
    • Văn Học
    • Venerable Master Chin Kung: Books
    • Video
    • Video Pháp Âm
    • Visiting
    • Zhangjia Living Buddha
    • 中國 - Zhōngguó - Chinese
    • 人物故事 - Renwu - Câu Chuyện Nhân Vật
    • 佛教故事 - fojiaogushi
    • 佛经故事 - Fojing - Câu chuyện Phật
    • 古Cổ 文VănViệt
    • 哲理故事 - Zheli - Câu chuyện triết học
    • 漫畫 - Comics - Truyện tranh
    • 生活故事 - Shenghuo - Câu chuyện cuộc sống
  1. Trang chủ
  2. Kinh sách
  3. Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

  4. 6.2. Mười lăm thứ tà pháp đức Phật chẳng hề nói đến

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

6.2. Mười lăm thứ tà pháp đức Phật chẳng hề nói đến

Chương trước
Chương tiếp

6.2. Mười lăm thứ tà pháp đức Phật chẳng hề nói đến

          Dưới đây, đức Phật nói đến mười lăm điều mà đức Phật chẳng bao giờ đề cập. Thật ra, trong đoạn kinh này, đức Phật chỉ nêu lên một số điều làm thí dụ, chứ chẳng phải chỉ có mười lăm điều mà thôi! Ngài hy vọng từ những điều này, chúng ta sẽ tự có thể lãnh hội, tự hiểu rõ đâu là chánh pháp? Đâu là tà pháp? Chúng ta hãy đọc kinh văn:

Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn:

          彌勒。我不說言。

          (Di Lặc! Ta chẳng hề nói:)       

          “Ngã” là đức Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng. Đức Phật chẳng hề nói những điều như sau:

          Chánh kinh:

          Hữu hy cầu giả vi pháp thí thanh tịnh. Hà dĩ cố? Nhược tâm hữu hy cầu, tắc pháp vô bình đẳng.

          有希求者。為法施清淨。何以故。若心有希求。則法無平等。

          (Có lòng mong cầu là thực hành pháp thí thanh tịnh. Vì sao vậy? Nếu tâm có mong cầu thì pháp sẽ không bình đẳng).

           Đây là điều thứ nhất. Bởi lẽ Phật pháp rất dễ bị người khác mạo danh lợi dụng, bắt chước giả mạo. Yêu ma, quỷ quái rất thông minh, những danh từ hay ho trong Phật pháp chúng đều lấy sử dụng hết, những chúng sanh nào mê hoặc điên đảo đều bị xí gạt cả. [Mạo danh] chiêu bài Phật pháp rất hay, nghe rất kêu, chứ thật sự bên trong chẳng phải là như vậy! Vì thế, thanh tịnh thí pháp thì pháp thí sẽ thanh tịnh. Nếu như quý vị đối với chúng sanh mà có tâm mong cầu, thì pháp thí ấy chẳng phải là thật, chỉ là chiêu bài giả mạo, là giả dối, đức Phật chẳng thuyết pháp giống như thế. Đối với hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian, hết thảy người, hết thảy sự, chư Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng có mảy may ý niệm cầu mong gì. Phiền lắm nghe!

          Lần này, tôi trở về đây, có những đồng tu thưa với tôi là muốn in kinh, tính đến hỏi tôi in tác phẩm này có được chăng, in tác phẩm kia có được chăng? Tôi chẳng quan tâm đến những điều đó! Quý vị thích in thì cứ tự mình in. Tôi chẳng hề giữ bản quyền thứ gì; quý vị thích làm sao thì cứ làm vậy, chỉ cần quý vị suy nghĩ xem mình như thế này thì sẽ đúng: Nếu việc ấy có lợi cho xã hội, cho chúng sanh thì quý vị cứ dốc sức mà làm, chẳng cần phải hỏi ý tôi. Tôi ngại phiền rộn lắm! Tôi thường sợ phiền, nhưng chư Phật, Bồ Tát chẳng thấy phiền. Có phiền hay không các Ngài chẳng bận tâm đến những chuyện ấy! Bởi vậy, tâm địa thanh tịnh là điều hết sức trọng yếu. Điều thứ hai là:  

Chánh kinh:

Ngã bất thuyết ngôn: tham ô tâm giả năng thành chúng sanh.

我不說言。貪污心者。能成熟眾生。

(Ta chẳng nói rằng: Kẻ tâm tham ô có thể thành thục chúng sanh)

[Tâm tham ô là] trong tâm có những phiền não như tham, sân, si, mạn đấy! Câu này ý nói chưa đoạn phiền não; nếu chính mình chưa đoạn phiền não thì quý vị thành thục người khác sao được? Làm sao giúp đỡ người khác được?

Chánh kinh:

Hà dĩ cố? Tự vị thành thục, năng thành thục tha, vô hữu thị xứ!

何以故。自未成熟。能成熟他。無有是處。

(Vì sao cố? Chính mình chưa thành thục mà lại có thể thành thục người khác, quyết không có lẽ đó).

          “Vô hữu thị xứ” nghĩa là chẳng có đạo lý ấy!

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: tôn trọng, cúng dường, an lạc kỳ thân, tham trước nhiếp thọ bất tịnh vật giả, vi lợi ích sự.

          彌勒。我不說言。尊重供養。安樂其身。貪著攝受。不淨物者。為利益事。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng hề nói: tôn trọng, cúng dường, yên vui cái thân, tham đắm thâu góp các vật bất tịnh là chuyện lợi ích).        

          Rất nhiều đồng tu xuất gia, tại gia nghĩ đến việc tu tập tích lũy công đức. Trong kinh Phật nói đến việc tích tập công đức, mọi người xem đến [những đoạn kinh ấy] rất hoan hỷ, chúng ta phải tích cực thực hiện. Nên làm như thế nào? Nếu có những sự như sau, khởi lên những ý niệm như sau thì đều sai rồi:

– Quý vị có ý niệm tham muốn được tôn trọng, cúng dường hay chăng?

– Quý vị có tham muốn hưởng thụ hay chăng?

– Quý vị có ham muốn thâu góp những vật bất tịnh hay chăng? 

          Thế nào gọi là “vật bất tịnh?” Quý vị phải tự hiểu rõ, phải hiểu minh bạch điều này. Phạm vi bao quát của từ ngữ này rất rộng. Chúng tôi xin nêu một thí dụ: Ví như lúc bố thí cúng dường, nếu dùng thủ đoạn để buộc hết thảy đại chúng dù chẳng cam tâm tình nguyện cũng phải cúng dường, bức bách họ cúng dường, thì gọi là cúng dường chẳng thanh tịnh. Bức bách như thế nào? Tìm những người thân cận với mình, bảo trước với họ: “Quý vị phải ghi tiền cúng dường nhiều hơn một chút!” Những người đằng sau thấy vậy không vui lòng, nhưng gặp lúc chẳng thể không cúng dường, không cúng dường thì mất mặt lắm, chứ thật ra trong lòng chẳng cam tâm, chẳng tình nguyện, nhưng chẳng thể không làm, đó gọi là “vật bất tịnh”.

          Tôi chỉ nêu một thí dụ đấy nhé! Những sự việc như vậy rất nhiều. Vì thế người học Phật học rất khổ sở, áp lực rất nặng đó nghe! Phật, Bồ Tát dạy chúng ta học Phật đại tự tại, ngày ngày học Phật hoan hỷ, chúng ta thấy phần đông người học Phật mặt nhăn, mày nhíu, nguyên nhân bên trong rất phức tạp! Tiếp theo đây, Phật giảng:

          Chánh kinh:

          Hà dĩ cố? Vị cầu tự thân an ổn, phong lạc, nhiếp thọ chúng hội, bất năng linh kỳ an trụ chánh tín.

          何以故。為求自身。安隱豐樂。攝受眾會。不能令其安住正信。

          (Vì sao vậy? Vì muốn cho thân mình được an ổn, dư dật, yên vui mà nhiếp thọ chúng hội, chẳng thể làm cho họ an trụ trong chánh tín).

          Chẳng thể khiến cho hết thảy chúng sanh an trụ trong chánh tín, tín nguyện của họ đều chẳng thật.  

          Trong đoạn kinh văn tiếp theo đây, đức Phật cũng nói đến điều Ngài sẽ chẳng đề cập. Dụng ý của Ngài là đề phòng trong thời kỳ mạt pháp, có hạng Bồ Tát ngu si. Nhưng thật sự ra, đoạn kinh văn sau đây cũng để nói: Trong thời đại này, có con cháu của ma vương đi xuất gia, cũng mặc ca-sa để phá hoại chánh pháp, giả mạo danh nghĩa Phật pháp chứ thật ra phá hoại Phật pháp. Trong số đó, có kẻ cố ý phá hoại, có kẻ vô ý. Vô ý phá hoại Phật pháp là sao? Bị ma khống chế, tự mình chẳng hiểu làm như thế chính là phá hoại Phật pháp, cứ tưởng là đang tích tập công đức. Đây chính là điều chúng ta phải suy xét, phải giác ngộ. Chúng ta hãy xem đoạn thứ tư:

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: kiểu trá chi nhân trụ a-lan-nhã.

彌勒。我不說言。矯詐之人。住阿蘭若。

(Này Di Lặc! Ta chẳng nói là người giả dối, man trá trụ nơi tịch tĩnh)

Câu này nói theo cách bây giờ là “bế quan, ở lều tranh”. “Bế quan, ở lều tranh” nhằm mục đích gì? Dùng cách thức này để lừa dối tín đồ. Mọi người nếu gặp cá nhân nào đã từng bế quan như thế, ắt nhất định nghĩ kẻ ấy khá lắm. Bởi lẽ, mục đích của kẻ ấy là tom góp danh văn, lợi dưỡng, chẳng thật sự tu hành, cũng chẳng vì hoằng pháp lợi sanh, mà là hạng giả dối, man trá! Đích xác là có chuyện như thế. Nếu quý vị chú ý quan sát, sẽ nhận biết kẻ như vậy chẳng khó khăn gì!

Dù có phát giác thì cũng chẳng cần phải nói ra, chỉ cốt sao mình chẳng bị lừa là được. Người khác mắc lừa là do nhân duyên. Trong phần trên, đức Thế Tôn đã dạy chúng ta phải tu hành trong thời đại này như thế nào mới chẳng sanh phiền não, mới được an ổn giải thoát. Phật dạy chúng ta bốn phương pháp, lại nói thêm bốn phương pháp nữa, tám phương pháp ấy các vị còn nhớ hay chăng? Phải nhớ cho chắc nghe! Nếu chẳng nhớ thì quý vị đã nghe uổng công rồi, mà cũng đã uổng công đọc kinh rồi! Điều này hết sức quan trọng!

Câu thứ nhất đức Phật dạy chúng ta là “chẳng tìm lỗi người khác”. Người khác có lỗi hay không, trong tâm chúng ta biết rõ, nhưng ta chẳng gây phiền phức cho người ta, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. “Chẳng nêu tội người”: Họ có phạm giới, tạo tác tội nghiệp, ta cũng chẳng chỉ trích. Mỗi người tự có nhân quả, tự có báo ứng mà! Cớ chi chúng ta phải xen vào? Trong tám điều, hai điều này được xếp lên đầu là vì chúng hết sức quan trọng, chúng ta phải hiểu rõ.          

          Chánh kinh:

Bạc phước đức giả, nhi vi thiểu dục.

薄福德者。而為少欲。

(Kẻ kém phước đức mà [đáng coi] là thiểu dục).

Kẻ đó làm ra vẻ thiểu dục, làm ra vẻ tri túc, là vì sao? Là vì kẻ ấy chẳng có phước đức. Không có phước đức sao lại nói là thiểu dục cho được? Lúc không có phước đức bèn làm ra vẻ thiểu dục. Thiểu dục là một hạnh pháp rất cao siêu trong Phật pháp đã bị kẻ đó giả mạo.

Chánh kinh:

Tham thắng vị giả, danh dị mãn túc.

貪勝味者。名易滿足。

(Kẻ tham mùi vị thù thắng mà đáng gọi là “dễ thỏa mãn”).

“Thắng” (勝) là thù thắng. “Vị” (味) là ngũ dục, lục trần. Tham muốn hưởng thụ ngũ dục, lục trần, bèn khoác lên danh xưng đẹp đẽ là “dị mãn túc”. “Dị mãn túc” nghĩa là tri túc. 

Chánh kinh:

Đa cầu mỹ thiện, dĩ vi khất thực.

多求美膳。以為乞食。

([Chẳng thể coi kẻ] ham thích có đồ ăn ngon là đi khất thực).

Trong thời đức Phật tại thế, phương thức sanh hoạt của người xuất gia là “thác bát” (ôm bát đi khất thực). Những kẻ khất thực [được nhắc đến trong đoạn kinh này] đi đến nơi nào? Họ chuyên môn đến khất thực nhà phú quý vì tham luyến đồ ăn ngon; chẳng đến khất thực nhà bần cùng là vì sao? Đồ cúng của kẻ nghèo không ngon! Cơm, thức ăn [của kẻ nghèo] chẳng ngon lành chi cả! Gọi đó là “khất thực”. Từ ý này các vị suy ra thì thấy: Hễ tham muốn hưởng thụ danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục thì sẽ chẳng thành người xuất gia!

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: khất cầu chủng chủng thượng diệu y phục, vị như thị đẳng trì phấn tảo y.

彌勒。我不說言。乞求種種。上妙衣服。謂如是等持糞掃衣。

(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Xin tìm các thứ y phục tốt đẹp thì cũng giống như mặc y phấn tảo).

Đức Thế Tôn dạy các đệ tử dùng “phấn tảo y” là nhằm dụng ý dạy người xuất gia phải thời thời khắc khắc thường tự cảnh tỉnh: Thế gian này khổ lắm! Luân hồi càng đáng sợ hơn! Vì thế phải sống đơn giản, mặc áo rất thô. Thời cổ khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, một bộ quần áo rất khó có được, chẳng phải rất dễ có như thời hiện tại. Y phục của người xuất gia toàn là nhặt nhạnh từ quần áo cũ của người tại gia đã vứt bỏ đi, chẳng ai muốn nữa. Nhặt lấy những thứ đó, xem phần nào còn có thể dùng được thì cắt ra, sau đó chằm từng miếng một lại thành bức. Đó chính là “ca-sa”.

Ca-sa là do may chằm lại như thế, toàn là do vải cũ chằm lại, màu sắc, chất liệu không đồng nhất, đức Phật dạy nhuộm thành màu tro hay màu cà phê, gọi là “phấn tảo y”. Y phục này người thế gian chẳng mặc được, mặc y phục này sẽ thời thời khắc khắc tự răn nhắc, tuyệt chẳng tham muốn hưởng thụ. Ngày nay chúng ta nghĩ đến lời giáo huấn của đức Thích Ca Mâu Ni, khi chúng ta may y ca-sa, đem cả nguyên cuốn vải, cắt vụn ra, rồi may chằm lại, nhưng đấy chẳng phải là ý Phật. Vì thế, phải thường nghĩ đến cuộc sống của Tăng đoàn khi đức Thế Tôn còn tại thế, đức Thế Tôn khổ tâm răn dạy, không gì chẳng nhằm khiến cho chúng ta bất cứ nơi đâu, bất cứ thời khắc nào tâm luôn cảnh tỉnh, trọn chẳng bị mê hoặc bởi ngũ dục, lục trần trong thế gian. Do vậy, đức Phật tuyệt đối chẳng nói là “xin tìm các thứ y phục quý tốt để mặc trên thân mà vẫn giống hệt như mặc y phấn tảo!”

Hiện tại, người xuất gia cũng khá chịu khó nghiên cứu y phục, chất liệu toàn tuyển loại thượng hạng. Phương thức sanh hoạt như vậy rất dễ tăng trưởng tâm tham, khiến cho quý vị lưu luyến thế gian này, lìa bỏ chẳng nổi. Nếu là kẻ niệm Phật cầu vãng sanh, đến lúc A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, quý vị lại nhớ mình còn có nhiều thứ tốt đẹp quá, bỏ đi chẳng đành thì phiền quá! Những thứ đó đâu có mang theo được! Bởi vậy lúc bình thường phải buông bỏ. Điều thứ sáu là:

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: tại gia, xuất gia, vô thức tri giả, vi ly hội náo.

彌勒。我不說言。在家出家。無識知者。為離憒鬧。

(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: kẻ tại gia, xuất gia không ai biết đến bèn là xa lìa chốn ồn náo)

          Bồ Tát tại gia hay xuất gia, nếu chưa nổi tiếng lắm, không ai biết đến mình, quý vị bèn làm ra vẻ ta là người xa lìa chốn ồn náo. Quý vị xem, cái tiếng tốt ấy hay bị người ta mạo nhận lắm.  

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Siểm khúc chi nhân, trị Phật hưng thế.

彌勒。我不說言。諂曲之人。值佛興世。

(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng người dua vạy sẽ gặp Phật xuất hiện trong cõi đời).

Tâm chẳng chánh trực, chẳng thành thật, người như vậy sẽ gặp hay chẳng gặp được Phật xuất thế? Dù đức Phật xuất thế, kẻ ấy cũng chẳng gặp. Vì sao chẳng gặp? Kẻ ấy có chướng ngại: Siểm khúc là chướng ngại. Người như thế nào mới gặp được Phật? Chân thành! “Trong cửa nhà Phật chẳng bỏ một ai”. Tâm địa quý vị chân thành sẽ cảm ứng đạo giao chư Phật, Bồ Tát, nên có thể gặp được các Ngài, người tâm dua vạy chẳng thể gặp được. Chẳng phải là Phật không từ bi, chỉ là do chính người ấy có chướng ngại.

Trong xã hội hiện tại, hay có chuyện này: “Ở Trung Quốc hay ở ngoại quốc, ta thường nghe nói ông nọ là Bồ Tát chi đó tái lai, là Phật nào đó tái lai; có nhiều người thân cận kẻ đó thấy mình được vẻ vang, hết sức nở mày nở mặt! Kẻ đó thấy Phật, thấy được Phật sống”. Nếu quý vị chú tâm quan sát kỹ thì sẽ thấy kẻ đó là “siểm khúc”, làm sao thấy Phật sống cho được? Thấy Bồ Tát cho được? Nếu những vị đó nói họ là Phật tái lai, Bồ Tát tái lai, sao nói xong không thị tịch? Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có chuyện như vậy: Các vị hé lộ thân phận xong bèn tịch diệt, đó mới là thật. Nói ra thân phận vẫn sống nhăn, thì rất  kỳ quái! Bởi vậy, nếu quý vị hiểu rõ sự lý này rồi thì sẽ chẳng bị mắc lừa!

Chánh kinh:

Cầu tha đoản giả, vi như lý tu hành

求他短者。為如理修行。

([Chẳng nói] kẻ tìm chỗ dở của người khác là tu hành đúng lý).

Phải nhớ kỹ điều này. Vì sao ở phần trước đức Phật dạy chúng ta điều thứ nhất là “đừng tìm lỗi người”. Tìm lỗi người chính là chuyên môn tìm chỗ dở của người khác, người như vậy tự cho mình là tu hành đúng lý, chứ thật ra đã trật rồi! Phật chẳng hề thuyết pháp như vậy!

Chánh kinh:

Đa tổn hại giả, danh giới uẩn thanh tịnh.

多損害者。名戒蘊清淨。

([Chẳng nói] kẻ gây nhiều tổn hại mà được gọi là giới uẩn thanh tịnh)

Đây là nói về trì giới thanh tịnh. Người trì giới thanh tịnh làm sao có thể gây chuyện tổn hại người khác cho được? Phàm là ai ôm lòng tổn hại chúng sanh khác thì giới của người ấy đã bị phá, sao có thể nói là “giới uẩn thanh tịnh” nữa?

Chánh kinh:

Tăng thượng mạn tâm, vi đa văn đệ nhất.

增上慢者。為多聞第一。

([Chẳng nói] tâm tăng thượng mạn là đa văn bậc nhất).

Thế nào là “tăng thượng mạn?” Nói theo ngôn ngữ bây giờ là “đáng nên kiêu ngạo”. Kẻ ấy học rộng nghe nhiều, so ra người khác chẳng sánh bằng, bèn sanh khởi tâm ngạo mạn, tức là thấy mình đáng nên kiêu ngạo! Chắc chắn Phật, Bồ Tát chẳng hề thuyết pháp như thế. Chẳng riêng gì thánh nhân xuất thế (Phật, Bồ Tát), thánh nhân thế gian cũng nói: “Học vấn càng sâu càng khiêm hư, càng cung kính”, há có người học vấn sâu xa nào mà ngạo mạn ư? Chẳng hề có đạo lý ấy!

Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Háo bằng đảng giả, danh trụ luật nghi.

          彌勒。我不說言。好朋黨者。名住律儀。

(Này Di Lặc! Ta chẳng hề nói kẻ thích kết bè kéo đảng mà đáng gọi là người giữ luật nghi)

“Bằng đảng” nói theo cách bây giờ là “bè phái”. Trong Tăng đoàn mà lập ra những tổ chức nhỏ thì gọi là phá hoại luật nghi, tuyệt đối chẳng phải là “trụ luật nghi”.

Chánh kinh:

Tâm cống cao giả, danh tôn kính pháp sư.

心貢高者。名尊敬法師。

([Chẳng nói] kẻ có tâm ngạo nghễ [mà đáng] gọi là tôn kính pháp sư).

Mặt ngoài lễ tiết rất chu đáo, trong tâm ngạo nghễ, ngã mạn thì chẳng phải là chân chánh tôn kính pháp sư.

Chánh kinh:

          Ỷ ngữ khinh lộng, vi thiện thuyết pháp.

          綺語輕弄。為善說法。

          ([Chẳng bảo kẻ] nói thêu dệt, bỡn cợt là khéo thuyết pháp)      

          Căn bệnh này nếu quý vị chú tâm quan sát, quý vị đều thấy ngay. “Ỷ ngữ” là hoa ngôn xảo ngữ. “Khinh lộng” là thường dùng những môi miếng giỡn hớt đùa bỡn để giảng kinh thuyết pháp, khiến đại chúng cười vỡ cả nhà! Ôi! Kẻ ấy nói rất giỏi, nhưng Phật chẳng gọi kẻ ấy là người thuyết pháp giỏi!

          Chánh kinh:

          Dữ tục giao tạp, năng ư tăng chúng, ly chư quá thất.

          與俗交雜。能於僧眾。離諸過失。

          (Giao du hỗn tạp với người đời mà có thể lìa các lầm lỗi đối với tăng chúng)

          Điều này đức Phật cũng chẳng nói. Ưa thích qua lại cùng kẻ tục gia, ưa thích kết giao với tục nhân, mà chẳng hề có lầm lỗi trong tăng đoàn là điều rất khó. Vì sao vậy? Tiêm nhiễm tập khí thế tục, trở ngại tăng chúng tu hành thì sao có thể nói là “lìa các lầm lỗi” cho được?

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Giản thắng phước điền, vi thí bất vọng báo!

          彌勒。我不說言。簡勝福田。為施不望報。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng nói: Coi thường phước điền thù thắng là bố thí mà chẳng mong được báo)

          “Bố thí chẳng mong được báo” là điều đức Phật thường dạy chúng ta, giống như ở phần trước đã nói là dùng tâm không mong cầu để hành pháp bố thí. “Tâm không mong cầu” chính là “bố thí chẳng mong được báo”. Nếu có kẻ “coi thường phước điền thù thắng” mà cho là mình làm như vậy chính là bố thí chẳng mong cầu quả báo thì là đã hiểu lầm mất rồi, đã hiểu lầm ý nghĩa của danh từ, thuật ngữ do Phật đã nói mất rồi.

          Thế nào là “giản thắng phước điền?” Thắng là tốt đẹp thù thắng. “Giản” là giản mạn (đối đãi với người khác một cách qua loa, nhạt nhẽo), sơ mạn (coi thường, khinh dễ), khinh mạn. Kẻ ấy bố thí tu phước với thái độ ngạo nghễ, ngã mạn. Chẳng hạn như kẻ ấy có rất nhiều tiền, tùy tiện xả thí một ít trong chốn chùa miếu, tâm khinh rẻ, chẳng có lấy một chút lòng tôn trọng, cung kính gì, cứ tưởng như thế là bố thí chẳng mong cầu quả báo. Hiểu ý nghĩa “bố thí chẳng mong được báo” như vậy là lầm mất rồi!

          Chánh kinh:

          Cầu ân báo giả, vi thiện nhiếp chư sự.

          求恩報者。為善攝諸事。

          ([Chẳng nói] kẻ mong được đền ơn là khéo nhiếp các sự)

          “Nhiếp” (攝) nói theo cách bây giờ là “quản chế” (trông coi); giống như trong đạo tràng chúng ta ngày nay gọi là làm nghĩa công (volunteer, làm công quả). Đấy là “thiện nhiếp chư sự”. Lúc bọn họ đến làm công quả thì mục đích là gì? Cầu được báo ân, cầu quả báo, đó chính là “chẳng khéo nhiếp các sự”. Làm công quả, tốt lắm! Nhưng phải “tâm không mong cầu” mới là “khéo nhiếp các sự”. Hễ có tâm mong mỏi là chẳng trúng. Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ ràng, minh bạch ý nghĩa này.

 

          Chánh kinh:

          Cầu cung kính, lợi dưỡng, vi chí nhạo thanh tịnh.

          求恭敬。利養。為志樂清淨。

          ([Chẳng nói] cầu cung kính, lợi dưỡng là chí ưa thanh tịnh).    

          Người tâm chí thích thanh tịnh quyết định chẳng có ý niệm cầu cung kính, lợi dưỡng. Có ý niệm ấy mà tự cho là mình rất thanh tịnh thì lầm to rồi.

          Chánh kinh:

          Đa vọng kế giả, dĩ vi xuất gia.

          多妄計者。以為出家。

          ([Chẳng nói] kẻ lắm tính toán xằng bậy là  xuất gia)       

          “Vọng” (妄) là hư vọng, “kế” (計) là tính toán. Đấy là điều người xuất gia chẳng nên làm. Phạm vi của “vọng kế” rất rộng lớn.

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Phân biệt bỉ ngã, danh nhạo trì giới.

彌勒。我不說言。分別彼我。名樂持戒。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng nói kẻ phân biệt ta – người gọi là thích trì giới)

          Người trì giới quyết định chẳng phân biệt ta – người. Nếu như có ý niệm phân biệt ta – người thì người như vậy trì giới chẳng thể đắc định, nên chẳng phải là người trì giới chân chánh. Quý vị phải hiểu là đối với Giới Học, do Giới mà đắc Định, nhân Định khai Huệ. Người chân chánh trì giới giống như Lục Tổ nói: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”. Quý vị vẫn còn có chấp trước, phân biệt đây – kia, ta – người thì là sai rồi!

          Chánh kinh:

          Bất tôn kính giả, danh vi thính pháp.

          不尊敬者。名為聽法。

          ([Chẳng nói] kẻ không tôn kính mà gọi là nghe pháp)     

          Nơi giảng kinh thuyết pháp, người đến nghe pháp rất nhiều. Có hạng người tuy cũng đến nghe, nhưng Phật nói hạng người ấy chẳng nghe pháp. Vì sao vậy? Họ nghe mà chẳng hiểu được ý nghĩa của Phật pháp. Họ đến đấy làm gì? Do hiếu kỳ mà đến, đến để coi rốt cuộc Phật giáo giảng dạy những gì, thậm chí đến để gây rắc rối nữa đấy. Rất nhiều đạo tràng gặp tình cảnh này. Vì thế giảng kinh thuyết pháp chẳng phải là chuyện dễ, đặc biệt là ở đạo tràng [có kẻ] sanh lòng khinh dễ.

Năm 1977, tôi đến Hương Cảng giảng kinh lần thứ nhất, ngay chiều hôm đó, pháp sư Sướng Hoài bảo tôi: “Pháp sư! Ở đây Ngài phải chú ý cẩn thận, địa phương này có những kẻ chuyên gây rắc rối cho pháp sư. Họ nghe xong, liền nêu ngay câu hỏi tại chỗ để bắt bí pháp sư đó nghe!” Sư nói: “Ngài phải chú ý. Rất nhiều pháp sư bị thua thiệt tại Hương Cảng đấy!” Đó là hạng chuyên gây rối, là “kẻ chẳng tôn kính”. Họ chẳng đến để nghe pháp mà chỉ đến để gây rối mà thôi.  

          Chánh kinh:

          Nhạo trước thế điển, chú trớ, ngôn luận, dĩ vi thọ pháp.

          樂著世典。咒詛。言論。以為受法。

          (Ưa đắm sách vở thế tục, bùa chú, lý luận, cho đó là thọ pháp)

          “Thọ pháp” là truyền pháp. Ưa thích sách vở thế gian, những sách ấy không phải là kinh điển nhà Phật. Ưa thích chú ngữ, các ngôn luận như thế, cho là mình “thọ pháp”, tức tiếp nhận đại pháp của Như Lai. Đấy cũng là lầm lạc, chẳng phải là điều đức Phật nói.

 

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Ư chư không tánh, vô thắng giải giả, năng xuất ly sanh tử.

          彌勒。我不說言。於諸空性。無勝解者。能出離生死。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Kẻ không có sự hiểu biết thù thắng đối với các tánh Không mà có thể thoát lìa sanh tử)

          Nhờ vào đâu để liễu sanh tử, xuất tam giới? Ở đây, đức Phật nói rất hay, thật là đơn giản dễ hiểu. Đối với đạo lý Nhân Không Tánh, Ngã Không Tánh, đối với sự tướng chân thật ấy, nếu quý vị chẳng thể lý giải sâu xa sẽ chẳng có cách nào liễu sanh tử, thoát tam giới. Vì thế, chúng ta tu học pháp môn, nhất định phải biết căn cứ trên lý luận nào. Nếu quý vị chẳng hiểu rõ lý luận ấy thì người ta nói pháp môn nào có thể liễu thoát sanh tử, pháp môn nào có thể thành Phật ngay trong thân này, quý vị nghe xong liền tin ngay. Đấy gọi là “mê tín”. Đó là giả, chẳng phải thật!

Lý luận căn bản của xuất ly sanh tử là như thế này: Đối với các tánh Không, nhất định phải sanh thắng giải (giải ngộ thù thắng). Đây cũng là điều chúng tôi đã nói trong phần trước: Quý vị phải thật sự “khán phá” (thấy thấu suốt bản chất các pháp), phải thật sự buông xuống! Được vậy, quý vị mới có thể xuất ly sanh tử. Nếu quý vị có thể buông xuống được, triệt để buông xuống được bèn sẽ có thể siêu thoát lục đạo luân hồi. Thấy thấu suốt cả thế pháp lẫn Phật pháp thì quý vị sẽ có thể vượt thoát mười pháp giới. Thấy thấu suốt, buông xuống như vậy chính là sanh thắng giải rất sâu đối với các tánh Không.

          Chánh kinh:

          Đa chấp trước giả, vi ly chư hạnh.

          多執著者。為離諸行。

          ([Chẳng nói] kẻ có nhiều chấp trước là lìa các hạnh)      

          “Ly chư hạnh” là buông xuống. Người nhiều chấp trước làm sao có thể buông xuống được?

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Ư Bồ Đề phần, trụ hữu sở đắc, danh vi chứng trí.

          彌勒。我不說言。於菩提分。住有所得。名為証智。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Còn trụ vào sở đắc nơi Bồ Đề phần mà gọi là chứng trí)

          Câu này nói đến “chứng quả” (tu hành chứng quả). Nếu quý vị chú tâm quan sát thì thấy kẻ ấy đối với Bồ Đề phần vẫn thấy có sở đắc. Chúng ta đọc kinh Kim Cang sẽ hiểu là người ấy chẳng hề chứng quả! Chẳng những không chứng được quả Đại Thừa, ngay cả Sơ Quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa cũng chẳng chứng. Người chứng đắc quả Tu Đà Hoàn chẳng thấy mình chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, thì mới là chứng đắc thật sự. Nghĩ mình chứng đắc bèn là giả, chẳng phải thật! Vì sao vậy? Cho là mình chứng đắc tức là có trụ. Trong tâm còn trụ vào địa vị tức là khởi vọng tưởng đấy! Phật bảo chúng ta “không nên trụ vào đâu mà sanh tâm” thì làm sao có thể trụ được? “Trụ” nghĩa là trong tâm thấy có. Hễ trong tâm có một quả vị nào thì chưa phải là chứng quả. Kinh Kim Cang có dạy chúng ta một câu rất trọng yếu: “Hết thảy thánh hiền đều do vô vi pháp mà có sai biệt”. Từ Tiểu Quả Tu Đà Hoàn cho đến quả vị Như Lai viên mãn, chúng ta hay nói đại khái là Tiểu Thừa có Tứ Quả, Tứ Hướng là tám giai đoạn, Đại Thừa từ Sơ Tín Vị cho đến Đẳng Giác Vị gồm năm mươi mốt địa vị.

Những đẳng cấp này căn cứ vào đâu để định luận? Dựa theo pháp Vô Vi để nói. Pháp Vô Vi là không có chấp trước. Công phu nơi pháp Vô Vi có sâu cạn chẳng đồng nên đức Phật mới nói ra nhiều địa vị như vậy. Trong mỗi một quả vị đều chẳng chấp trước. Hễ ai có chấp trước bèn là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân. Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín chẳng có chấp trước. Kinh Kim Cang giảng về tiêu chuẩn không chấp trước ấy rất khéo: không tướng Ta, không tướng Người, không có tướng Chúng Sanh, không có tướng Thọ Giả. Nếu quý vị làm được như vậy thì quý vị là Nhập Lưu, tức là nhập vào dòng thánh.

Do công phu phá tứ tướng và phá tứ kiến sâu hay cạn mà quả vị Bồ Tát cao hay thấp bất đồng. “Đều do vô vi pháp mà có sai biệt”, tức là đều không trụ vào đâu mà sanh tâm đấy thôi! Có trụ thì sao? Tâm có trụ là hỏng rồi! Trụ tức là như tất cả chúng ta, trong tâm quý vị thật sự có [những vướng mắc, chấp trước]. Việc này rất phiền toái đấy nhé! Tâm là không, trong tâm không có vật chi, có pháp thế gian là sai, nhưng có Phật pháp cũng trật luôn! Phật pháp cũng chẳng để trong tâm thì mới là chứng trí chân chánh.

          Chánh kinh:

          Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Vô thế lực giả, nhẫn nhục thành tựu.

          彌勒。我不說言。無勢力者。忍辱成就。

          (Này Di Lặc! Ta không nói rằng: kẻ không có thế lực là thành tựu nhẫn nhục)

          Người ta lừa dối, coi rẻ quý vị mà quý vị không có sức phản kháng thì có phải là thành tựu nhẫn nhục hay chăng? Chẳng phải là nhẫn nhục! Có năng lực phản kháng mà chẳng phản kháng, có năng lực để trả đũa mà chẳng trả đũa thì mới gọi là nhẫn nhục chứ! Không có năng lực, làm sao nói là thành tựu nhẫn nhục cho được?

          Chánh kinh:

          Vô nhiễu xúc giả, bị nhẫn nhục giáp.

          無嬈觸者。被忍辱甲。

          ([Chẳng nói kẻ] không bị quyến rũ là mặc giáp nhẫn nhục)

          “Nhiễu xúc” (嬈觸) nói theo cách bây giờ là bị quyến rũ, mê hoặc. Người nào chống lại được sự mê hoặc thì Phật mới dùng thí dụ sau đây: mặc áo giáp nhẫn nhục, nghĩa là người ấy chống được mê hoặc, quyến rũ. Đối với hết thảy mê hoặc, quyến rũ, người ấy như như bất động thì mới gọi là “mặc giáp nhẫn nhục”. Nếu quý vị chẳng bị quyến rũ mà bảo là “mặc giáp nhẫn nhục” thì chẳng có đạo lý ấy!

          Chánh kinh:

Thiểu phiền não giả, danh luật nghi thanh tịnh.

少煩惱者。名律儀清淨。

([Chẳng nói] người ít phiền não gọi là luật nghi thanh tịnh)

 

Phiền não ít nhẹ ư? Thế mà gọi là luật nghi thanh tịnh thì đều là giả, chẳng phải chân vậy.

Chánh kinh:

Tà phương tiện giả, vi như thuyết tu hành.

邪方便者。為如說修行。

([Chẳng nói] kẻ dùng tà phương tiện là tu hành đúng như lời dạy)

Ý nghĩa câu này cũng rộng lớn phi thường. Giống như trong phần trước, đối với mười lăm điều trong đoạn này, nếu nói tỉ mỉ thì giảng mỗi điều cả buổi chiều cũng không xong. Trong thời đại này, nói thật ra, cũng chẳng thể nào giảng chi tiết được. Giảng tỉ mỉ rất phiền phức; bởi vậy tôi mới nói là đối với bộ kinh này “chỉ điểm tới rồi thôi”. Quý vị cứ đọc tụng kỹ, cứ suy nghĩ kỹ càng, rồi lại tỉ mỉ quan sát tâm hạnh của chính mình, quan sát khắp các hoàn cảnh, quý vị sẽ hiểu được phải tu hành như thế nào mới là “như lý, như pháp”, chẳng đi vào tà đạo! Trong bộ kinh này, đức Phật đã giảng cho chúng ta vô cùng tường tận vậy!

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: ái ngôn thuyết giả, vi nhất tâm trụ.

彌勒。我不說言。愛言說者。為一心住。

(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Kẻ thích ăn nói là trụ vào nhất tâm)

Đặc biệt là đối với người niệm Phật chúng ta, mục đích của người niệm Phật là “nhất tâm bất loạn”. Người ham nói làm sao đạt nhất tâm cho được? Đấy là điều chẳng thể có.

Chánh kinh:

Háo doanh thế vụ, ư pháp vô tổn.

好營世務。於法無損。

([Chẳng nói] kẻ thích lo toan việc đời mà chẳng tổn hoại nơi pháp)

Phật chẳng nói điều này. “Doanh” (營) là kinh doanh, “vụ” (務) là sự vụ. Ưa thích lo toan sự vụ thế gian mà nói là chẳng hề trở ngại gì đến tu hành lẫn đạo nghiệp, đức Phật chẳng dạy như thế. Nói cách khác là quyết định có trở ngại đấy! Chẳng cần nói là phải lo liệu việc đời, chỉ phải quản lý nhân sự đã có chướng ngại rồi. Đại sư Trí Giả nói như thế đấy!

Trước lúc Trí Giả đại sư vãng sanh, có môn đệ hỏi Ngài: “Lão nhân gia vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phẩm vị ra sao?” Ngài đáp: “Ta do làm trụ trì chùa miếu, phải trông nom mọi sự, nên đối với việc tu hành của chính mình có trở ngại. Bởi thế, phẩm vị vãng sanh chẳng cao, chỉ đạt địa vị Ngũ Phẩm”. Địa vị Ngũ Phẩm là Phàm Thánh Đồng Cư độ, là đới nghiệp vãng sanh. “Nếu như chẳng lãnh chúng, chẳng làm trụ trì, chẳng trông coi nhân sự, thì phẩm vị sẽ cao”. Do đấy biết là việc quản trị đại chúng trong chùa miếu đối với phẩm vị và việc tu hành của chính mình đều có chướng ngại; huống chi là lo liệu việc đời!

Thế nào là việc đời? Những gì chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới đều gọi là “việc đời” (thế vụ). Chữ “thế” chỉ lục đạo luân hồi, còn thuộc trong tam giới. Ưa thích làm những việc như thế là sai lầm. Nói dễ nghe hơn một chút là làm những việc cốt để tu phước. Phước thì tu được, nhưng đối với việc liễu sanh tử, xuất tam giới, đối với Giới, với Định, Huệ, quyết định bị  chướng ngại.

Chánh kinh:

Chí nhạo thanh tịnh, đọa chư ác thú.

志樂清淨。墮諸惡趣。

([Ta chẳng nói] người tâm chí ưa thích thanh tịnh mà đọa trong các đường ác)

Vì sao đức Phật lại nói lời này? Nói thật ra, nhìn vào thời đại này, chúng ta thấy câu này nghiệm ra rất có lý. Có những người bảo kẻ chắc thật niệm Phật: “Các ngươi chỉ là kẻ lo giải thoát cho riêng mình, tâm lượng hẹp hòi quá đi! Các ngươi đang tu hạnh Tiểu thừa, là pháp bị chư Phật, Bồ Tát quở trách đó!” Chúng ta nghe nói như thế bèn chẳng dám tu nữa, bèn tu theo cách của họ. Tu theo cách của họ là sao? “Ưa lo việc đời”, “ham thích nói nhiều”, bắt chước họ làm những chuyện đó. Phật nói ra một câu, chúng ta thấy rõ ngay. “Người chí ưa thích thanh tịnh, quyết định chẳng đọa địa ngục”, làm sao có đạo lý đọa địa ngục cho được?

Chánh kinh:

Tu tập trí huệ, vi hội náo hạnh.

修習智慧。為憒鬧行。

([Chẳng nói] tu tập trí huệ là hạnh ồn náo)

Trí huệ do đâu có? Trí huệ từ thiền định mà ra. Nói cách khác, trí huệ xuất phát từ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi ra tác dụng là trí huệ chân thật. Người tu tâm thanh tịnh làm sao có thể ồn náo, rối ren cho được? “Hội náo” (憒鬧) nói theo cách bây giờ là náo nhiệt, rối ren. Cuối cùng là điều thứ mười lăm:

Chánh kinh:

Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: phương tiện tương ứng, danh vi siểm khúc.

彌勒。我不說言。方便相應。名為諂曲。

          (Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Phương tiện tương ứng mà gọi là siểm khúc)      

          “Phương tiện tương ứng” là điều Đại Thừa Bồ Tát thường dùng, chính là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Nhìn từ biểu hiện bên ngoài có phần tương tự như “siểm khúc”, nhưng bên trong hoàn toàn bất đồng. Bồ Tát thật sự một dạ từ bi, dùng phương tiện khéo léo để tiếp dẫn chúng sanh.

Chánh kinh:

Bất cầu lợi dưỡng, nhi vi vọng ngữ.

不求利養。而為妄語。

([Chẳng nói] chẳng cầu lợi dưỡng là vọng ngữ).

Điều này Phật tuyệt đối chẳng nói. Chẳng phải là Phật thì kẻ nào nói va-vậy? Ma nói đấy! Ma đồn nhảm đặt chuyện nhằm phá hoại chánh pháp đó mà!

Chánh kinh:

Vô chấp trước giả, phỉ báng chánh pháp, hộ chánh pháp giả, nhi tích thân mạng.

無執著者。誹謗正法。護正法者。而惜身命。

([Chẳng nói] kẻ không chấp trước là phỉ báng chánh pháp, kẻ hộ trì chánh pháp mà còn tiếc thân mạng)

Đấy đều chẳng phải là điều Phật nói.

Chánh kinh:

Sở hành hạ liệt, vi vô thắng mạn.

所行下劣。為無勝慢。

(Việc làm hèn kém mà chẳng phải là thắng mạn).                 

          Câu này phải giải thích sơ lược một chút. Trong câu “sở hành hạ liệt”, chữ “hạ” chỉ lục đạo, trong mười pháp giới lục đạo là “hạ”. Đã “hạ” còn “liệt” (hèn kém). Liệt là chỉ ba ác đạo. Nói cách khác, câu này ý nói: Hành vi, tư tưởng người ấy thể hiện tham, sân, si, mạn mà làm ra vẻ mình chẳng ngạo mạn. Thứ ngạo mạn ấy vì sao gọi là “thắng mạn”? Trong kinh, đức Phật quy nạp ngã mạn thành ba loại lớn.

Loại thứ nhất là “thắng mạn”, thắng mạn nghĩa là so với người khác mình luôn ngon lành hơn! Người khác không ai bằng được mình, luôn nghĩ mình trội hơn người khác. “Vô thắng mạn” là chẳng có dư nghiệp ngạo mạn ấy.

Ngoài ra, còn một loại khác là “Đẳng Mạn”. Đẳng Mạn là dù tôi dường như chẳng vượt trội anh, tôi cũng chẳng kém anh cho mấy; so với tôi, anh cũng chẳng cao hơn tôi cho mấy. Loại mạn này gọi là Đẳng Mạn, cho là người khác cũng bằng mình, không giống như loại trên, coi mình hơn người khác.

Loại thứ ba là Ty Mạn, Ty Mạn là tự mình cảm thấy không bằng người khác, tuy không bằng người khác nhưng cũng không chấp nhận, đó gọi là Ty Mạn. Tất cả các thứ Mạn quy về ba loại lớn này. Ở đây kinh chỉ nói đến Thắng Mạn, nhưng thực tế gồm cả ba loại Mạn.

Đức Thế Tôn nêu lên nhiều thí dụ, nhưng nói thật ra, những sự tướng ấy chẳng thể nói hết được. Từ khá nhiều thí dụ ấy, chúng ta phải hiểu rõ chân – vọng, tà – chánh, thị – phi. Nếu từ những thí dụ được nêu lên đó, chúng ta đọc xong, nghe xong vẫn chẳng thể phân biệt tà – chánh, thị – phi thì chúng ta khá ngu si đó nghe! Ngu si thì phải làm sao? Đọc nhiều lần, nghe nhiều lần. Chỉ cần đọc nhiều lần, nghe nhiều lần thì dần dần cũng sẽ thông minh!

Chánh kinh:

Như thị Di Lặc! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, đương hữu Bồ Tát độn căn, tiểu trí, siểm khúc, hư cuống, trụ ư tặc hạnh, nhữ ưng hộ chi.

如是彌勒。於后末世。五百歲中。當有菩薩。鈍根。小智。諂曲。虛誑。住於賊行。汝應護之。

(Như thế đó, Di Lặc! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, sẽ có những Bồ Tát độn căn, trí nhỏ, dua vạy, hư dối, giữ lấy hạnh giặc, ông nên gìn giữ)

          Nói thật ra, những điều này đều là nói về chúng ta cả. Chúng ta chẳng phải là lợi căn, chẳng thông minh, nghe rồi cũng chẳng hiểu, nghe xong cũng chẳng nhớ gì! “Tiểu trí” là không có trí huệ chân thật, kém thông minh đấy! “Siểm khúc, hư cuống”: Hư cuống là tự mình lừa dối chính mình, dối mình, lừa người. Xử thế, đối đãi với người, tiếp vật, dụng tâm chẳng ngay thẳng, cong queo, vạy vò, đích xác chúng ta là hạng Bồ Tát như thế đó! “Trụ ư tặc hạnh” là đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết, hiện tại chúng ta đang tu hạnh gì vậy? Tặc hạnh đấy!

          Tặc hạnh nghĩa là gì? Công đức pháp tài của chính mình đều bị hao tổn! “Tặc hạnh” là phiền não hạnh. Phiền não gây chướng ngại cho pháp tài trí huệ, công đức của chúng ta nên phiền não được ví với giặc. Trí huệ Bát Nhã, công đức pháp tài nơi bổn tánh chúng ta bị phiền não trộm mất, chúng ta chẳng thọ dụng được. Vì thế, tặc hạnh là phiền não hạnh, khởi tâm động niệm, hết thảy những gì tu trì đều thuộc trong phiền não. Tuy vậy, Phật, Bồ Tát vẫn đại từ đại bi, chẳng hề vứt bỏ chúng ta. Quý vị xem [kinh ghi] “các ông nên gìn giữ”, nghĩa là đức Thế Tôn phó chúc Di Lặc Bồ Tát: “Ông phải hộ trì những người như thế đó!” Vì sao?

          Dù chúng ta lắm bệnh, lòng chúng ta đối với Phật vẫn có mấy phần cung kính, vẫn muốn học theo, vẫn có một hai phần cung kính, vẫn có ý niệm học theo, hết sức đáng quý! Quý vị coi trong thế gian này, nhan nhãn chúng sanh, có mấy kẻ muốn học Phật? Chúng tôi giảng kinh ở nơi này, tầng trên, tầng dưới cao ốc này có bao nhiêu là người; những kẻ ở sát vách đều chẳng đến nghe, quý vị mới hiểu là dù “trụ trong tặc hạnh” cũng rất đáng quý đấy nhé! Chẳng dễ gì đâu! Vì thế, Phật, Bồ Tát rất trân quý, chẳng buông bỏ chúng ta, phó chúc Di Lặc Bồ Tát bảo hộ chúng ta, phải hộ niệm chúng ta!

—o0o—


Chương trước Chương tiếp
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.

Bài mới

  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
  • Con Gái Đức Phật
  • Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ)
  • SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  • TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Meta

  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.org
  • Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Con Gái Đức Phật, Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca (song ngữ), SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI, TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM, Liên Hoa Hóa Sanh - Pháp Sư Đạo Chứng, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai, Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm,