Pháp tướng và lược truyện chư tổ Tịnh độ tông

11. Đại Sư Tỉnh Am (1686-1734)

trước
tiếp

Pháp Tướng Hàng Châu Phạm Thiên – Tỉnh Am Đại Sư

Tịnh Độ Thập Nhất Tổ – Hàng Châu Phạm Thiên – Tỉnh Am Đại Sư

11. Đại Sư Tỉnh Am (1686-1734): tự là Tư Tề, hiệu là Tỉnh Am, là người xứ Thường Nhiệt Giang Tô. Đại sư khi sinh ra đã không ăn mặn, năm 7 tuổi bái Hòa Thượng Dung Tiên ở am Thanh Lương làm thầy xuất gia hành điệu. Năm 15 tuổi chính thức nhập đạo tu hành, Đại sư trí tuệ thông minh, phàm những kinh sách khi đã học qua Ngài đều thuộc lòng không quên một câu, thi văn thơ phú không có thứ nào mà Ngài không tinh thông, nhưng điều Ngài quan tâm nhất vẫn là việc “Sanh Tử Sự Đại”.

Năm 24 tuổi Đại sư thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Chiêu Khánh. Từ đó Ngài nghiêm trì giới luật, không lìa y bát, ngày ăn một bữa. Đại sư đến nghe pháp với Pháp sư Y Cự Thành giảng về Pháp Hoa Huyền Nghĩa, lạy ngài Thiệu Đàm Đại sư học Duy Thức, Lăng Nghiêm và Chỉ Quán, Ngài ngày đêm tinh cần học hỏi nghiên cứu, tham cầu chân đế, không đến 3 năm toàn bộ yếu chỉ của Đại thừa như: Đại Thừa Phật Học Tam Quán, Tánh Tướng Chi Học, Ngài đều dung thông, được ngài Thiệu Đàm Đại Sư thọ ký cho Ngài là đời thứ tư của phái Linh Phong, Thiên Đài Tông.

Sau đó Ngài đến chùa Sùng Phúc bái Hòa Thượng Linh Thứu, tham học thiền thoại đầu “Niệm Phật là ai”, tham thiền được 4 tháng Ngài hốt nhiên đại ngộ. Từ đó về sau Ngài trở thành bậc Thiền môn kiệt xuất Tăng tài, tư duy thâm áo, biện tài vô ngại. Hòa Thượng Linh Thứu muốn truyền y bát và ngôi vị trụ trì cho Ngài, nhưng Ngài từ chối ra đi đến chùa Chân Tịch bế quan, ban ngày đọc tụng Đại Tạng Kinh, đêm đến trì danh hiệu Phật, hết 3 năm, khi Ngài xuất quan đại chúng thỉnh Ngài đăng tòa thuyết giảng Pháp Hoa Kinh, lời như sông chảy, văn như suối tuôn trào, thao thao bất tuyệt.

Danh tiếng của Ngài vang vọng khắp một vùng Giang Triết, Ngài được thỉnh đi khắp chùa chiền ở hai vùng này giảng Kinh thuyết Pháp, hoằng truyền Pháp môn Tịnh Độ, Ngài trước tác bài Phát Bồ Đề Tâm Văn làm chấn động thiên hạ Phật Giáo, lời văn cảnh tỉnh không biết bao nhiêu là người con Phật. Ngài còn viết Tịnh Độ Thi, Niết Bàn Sám, Tây Phương Phát Nguyện Văn Sám, Tục Vãng Sanh Truyện.v.v… hết mực hoằng dương Tịnh Độ.

Lúc về già Đại Sư thoái ẩn ở chùa Tiên Lâm – Hàng Châu, phát nguyện chân không rời chùa, tận lực tu trì Tịnh nghiệp. Nhiều người đến thỉnh Đại sư lâm đàn thuyết giáo nhưng Ngài đều chối từ, ngày đêm chuyên trì tu hành Tịnh Độ, đại chúng đều cho rằng Ngài là hậu thân của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư.

Niên hiệu Ung Chánh thứ 12 (1733), Đại Sư báo cho đại chúng biết trước ngày giờ mình viên tịch, đúng như lời Ngài báo trước, Đại sư y áo chỉnh tề chánh thân đoan tọa niệm Phật vãng sanh an nhiên thị tịch. Ngài Vô Trụ Hòa Thượng, thượng thủ chùa Ngu Sơn thỉnh linh cốt của Đại sư đem nhập tháp tại Cầm Xuyên Phất Thủy Tây ở Thường Nhiệt. Niên hiệu Càn Long thứ 7 chư Tăng chùa A Dục Vương hoài niệm đạo hạnh của Đại Sư, nên rước linh cốt của Ngài về xây tháp phụng thờ ở phía Tây chùa A Dục Vương.

 

 

 

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.